M&A ngân hàng: Ấm lên sau một năm trầm lắng
Một số thương vụ mua bán ngân hàng với quy mô nhỏ diễn ra từ đầu năm đến nay chứng tỏ dấu hiệu sôi động trở lại của thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng.
Nhà đầu tư nội “đói” vốn thực
Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có hai thương vụ M&A diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng. Đó là Ngân hàng ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan Bank, Ngân hàng Commonwealth Bank of Ausatralia (CBA) bán Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho Ngân hàng VIB. Dẫu chỉ là những thương vụ mua bán nhỏ (bán lại một mảng hoặc một chi nhánh ngân hàng), song cũng khiến thị trường M&A ngân hàng ấm lên sau hơn một năm trầm lắng.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là, suốt 2 năm qua, chưa có thêm thương vụ M&A nào diễn ra giữa các ngân hàng nội. Thương vụ mới đây nhất là Southern Bank sáp nhập vào Sacombank năm 2015.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến thị trường trầm lắng là do trong nước thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính. Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần ngân hàng khác như giai đoạn trước.
Tất nhiên, những thương vụ ngân hàng nội sáp nhập với nhau vẫn có thể diễn ra. Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện DongA Bank đang đàm phán và có thể sáp nhập với một ngân hàng cỡ vừa.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, theo chuẩn kế toán Việt Nam, việc sáp nhập “cơ học” có lợi cho ngân hàng muốn tăng vốn. Ví dụ, hai ngân hàng có vốn 3.000 tỷ đồng sáp nhập với nhau thành ngân hàng có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, dù thực chất có khi ngân hàng đó đã âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy vậy, những thương vụ mua bán kiểu này sẽ diễn ra ngày càng ít hơn, do lợi ích mang lại không nhiều.
Nhà đầu tư đến từ Đông Á, ASEAN vẫn thèm khát
Trong khi các hoạt động M&A ngân hàng giữa các nhà đầu tư nội diễn ra khá trầm lắng thì hoạt động mua bán cổ phần có yếu tố nước ngoài đang có dấu hiệu sôi động trở lại. Đáng chú ý là Ocean Bank và GPBank đang đàm phán bán lại cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng không chứng tỏ sóng M&A ngân hàng sẽ sớm sôi động trở lại.
“Vừa qua, việc đàm phán khá nhộn nhịp, nhiều đối tác quan tâm tìm hiểu, đàm phán muốn mua một số ngân hàng yếu, nhưng tốc độ đàm phán rất chậm. Đặc biệt, 3 ngân hàng 0 đồng mấy năm vẫn chưa bán được dù đối tác hỏi mua khá nhiều. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư rất thận trọng và nhu cầu mua lại để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém không lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Liên quan việc hai ngân hàng ngoại thoái vốn, bán lại mảng bán lẻ (như ANZ) hoặc bán chi nhánh (như CBA) tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng, đây là động thái cho thấy, ngân hàng ngoại có dấu hiệu “tháo chạy” khỏi Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là sự thay đổi chiến lược của một số ngân hàng ngoại. Thực tế, số ngân hàng nước ngoài rút khỏi Việt Nam ít hơn rất nhiều so với các ngân hàng đã và đang muốn gia nhập thị trường.
Đặc biệt, các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á và ASEAN đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, muốn thâm nhập Việt Nam bằng cả hai con đường: M&A hoặc trực tiếp hiện diện tại Việt Nam. Mới đây, UOB (Singapore) đã được cấp phép thành lập ngân hàng con tại Việt Nam. Một số ngân hàng khác trong khu vực cũng đã gửi đơn đề nghị thành lập ngân hàng con lên NHNN.
Dù rất thèm khát thị trường và M&A được coi là con đường ngắn nhất, song các nhà đầu tư ngoại cũng rất cẩn trọng, kén khẩu vị, trả giá thấp, đòi hỏi tỷ lệ sở hữu cao…
Hiện Việt Nam không còn nhiều ngân hàng “nhỏ mà ít bệnh” theo tiêu chí của nhà đầu tư ngoại. Còn với các ngân hàng yếu có tỷ lệ nợ xấu lớn, để mua lại các ngân hàng này và có thể xử lý thành công khối nợ xấu lớn, nhà đầu tư phải rất am hiểu thị trường Việt Nam, có kinh nghiệm xử lý nợ xấu bất động sản - đây không phải là lợi thế của nhà đầu tư ngoại. Thêm vào đó, Chính phủ cũng chưa có tiền lệ nới room cho các nhà đầu tư ngoại. Tất cả những yếu tố đó khiến M&A ngân hàng có yếu tố ngoại khó có đột phá.
Chưa kể, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng Việt Nam sớm mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng sau năm 2018 theo cam kết WTO để có thể thành lập chi nhánh, ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam.
“Sóng M&A sớm hình thành hay không phụ thuộc rất nhiều vào mức độ mở cửa thị trường ngân hàng của Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.
Trước tình hình thanh khoản của thị trường M&A hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, từ nay đến hết năm 2018, thị trường M&A ngân hàng vẫn còn trầm lắng. Việc tái cơ cấu ngân hàng trong vài năm tới vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước. Có thể, sau năm 2018, làn sóng M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn, nếu nợ xấu ngân hàng phần nào được xử lý.