M&A tại Việt Nam sẽ bùng nổ và vượt trội
Ngay khi Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam diễn ra tại New York đầu tháng 7 khép lại, Quỹ đầu tư Global Emerging Market (GEM) của Mỹ, có quy mô quản lý tài sản 3,4 tỷ USD đã ký thỏa thuận với CTCP Địa ốc Hoàng Quân việc rót 20 triệu USD mua cổ phiếu trong 30 tháng.
Thương vụ có giá trị không lớn, nhưng đã phần nào thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư từ bên kia bán cầu đến cơ hội mua đến mức sở hữu lớn các DN tại Việt Nam.
Mua 100% vốn của Sở GDCK được không?
Đúng chất người Mỹ, Tổng giám đốc Sở GDCK Nasdaq ông Robert Greifeld, sau khi nghe thông tin về quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó mở ra cơ hội mua lại các DN hoặc mua lượng lớn cổ phần của DN Việt Nam, đã đặt câu hỏi: Vậy chúng tôi có thể mua 100% vốn của Sở GDCK Việt Nam không?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng không ngần ngại trả lời rằng, 2 Sở GDCK tại Việt Nam hiện là DN 100% vốn Nhà nước, Chính phủ đang xây dựng lộ trình tái cấu trúc, tiến tới cổ phần hóa Sở GDCK và từng bước sẽ bán cổ phần ra công chúng. Vì thế, hiện không thể mua 100% vốn của Sở GDCK, nhưng TTCK Việt Nam còn non trẻ và ở đó có rất nhiều không gian cần sự hợp tác của các Sở GDCK hàng đầu.
Mua 100% vốn của Sở GDCK tại Việt Nam là không thể, nhưng mua lượng lớn cổ phần, thậm chí 100% vốn của nhiều DN khác tại Việt Nam thì hoàn toàn có thể.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Lại Văn Đạo chia sẻ, riêng SCIC hiện có nhu cầu bán hết phần vốn Nhà nước tại gần 300 DN, bán ngay trong năm 2015 và 2016.
Sở dĩ SCIC mong muốn sớm tìm được ông chủ mới cho phần vốn đang quản lý tại gần 300 DN là bởi Chính phủ sẽ bàn giao việc quản lý phần vốn Nhà nước tại 20 tập đoàn, tổng công ty cho SCIC và nhiệm vụ của SCIC là phân loại các “ông lớn” này để tiếp tục tái cấu trúc.
“SCIC mong muốn nhà đầu tư Mỹ sẽ mua lại phần vốn Nhà nước tại một số DN lớn mà chúng tôi đang cần chuyển nhượng, hoặc có thể tham gia các dự án đầu tư khác cùng SCIC”, ông Đạo nói.
“Vậy ông hãy giới thiệu một số cơ hội cụ thể tại SCIC?”, câu hỏi trực diện khác của một quỹ đầu tư Mỹ được người điều phối thảo luận, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital nêu lên tại cuộc thảo luận. Ông Đạo cho biết, hiện tại, SCIC muốn thoái lượng lớn vốn cổ phần tại Vinaconex, đây là tổng công ty thuộc loại lớn nhất Việt Nam, đang rất cần tìm nhà đầu tư lớn. Cùng với đó, SCIC đang tìm đối tác để thoái lượng lớn vốn tại Khách sạn Kim Liên (thoái 54% vốn); Công ty Du lịch Đồ Sơn, tọa lạc tại địa thế thuận lợi tại Hải Phòng. “Ngoài ra, 20 tập đoàn, tổng công ty mà Thủ tướng Chính phủ giao cho SCIC quản lý phần vốn Nhà nước, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng việc bán lớn cổ phần và thông tin đến các nhà đầu tư”, ông Đạo nói.
M&A 2015-2016 sẽ bùng nổ và vượt trội
Cùng với SCIC, một số DN Việt Nam cũng công bố công khai việc tìm kiếm các đối tác chiến lược và sẵn sàng bán lượng lớn cổ phần khi tìm được “ý trung nhân” phù hợp. Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ông Phạm Quang Tùng cho biết, BIDV muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đi đường dài với Ngân hàng và đã thông qua Morgan Stanley để tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế.
Hai gói lớn mà BIDV muốn bán là bán cho nhà đầu tư chiến lược tối đa 20% cổ phần và bán cho nhà đầu tư tài chính tối đa 10% cổ phần của BIDV.
Thông điệp tạo sự chú ý đặc biệt với nhà đầu tư Mỹ từ BIDV được ông Tùng nêu lên là, 6 tháng qua, cổ phiếu BID đã tăng giá 70%, nhưng nếu tìm được nhà đầu tư lớn, phù hợp, giá bán sẽ được Ngân hàng đàm phán theo hướng có lợi cho các bên.
Ở vị trí của tổ chức tài chính trung gian tại TTCK Việt Nam, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho rằng, Việt Nam có dân số trẻ và thị trường tiêu dùng đang phát triển, chính là sức hút để các nhà đầu tư Mỹ thâm nhập. Tuy nhiên, nguồn tiền đầu tư từ Mỹ có rất nhiều sự lựa chọn và các công ty Việt Nam không thể có được lợi thế nếu chỉ ngồi đợi các NĐT tự tìm đến mình.
Theo ông Johan, các công ty Việt Nam cần chú ý nhiều hơn tới hoạt động duy trì, tạo dựng mối quan hệ với NĐT, đặc biệt đối với khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư lớn. Ông Johan cũng dự báo, M&A tại Việt Nam sẽ sôi động trong thời gian tới, do Chính phủ có quan điểm cởi mở trong thu hút vốn nước ngoài và do những ấn tượng mà Việt Nam tạo nên trên các thị trường tài chính lớn.
Năm 2014, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản diễn ra với sự tham dự của hàng trăm nhà đầu tư lớn. Năm 2015, Hội nghị được tổ chức tại Mỹ, nơi có nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Không riêng Việt Nam, các nền kinh tế lân cận như Malaysia, Thái Lan, Phillippines, Indonesia… cũng dành nhiều nỗ lực tìm kiếm các dòng vốn lớn. Thực tế này là thách thức không nhỏ cho các DN, nền kinh tế Việt Nam thu hút được vốn ngoại.
Điểm mới hơn tại Việt Nam là Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải tổ chính sách, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài mua 100% vốn của các DN không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Diễn biến này được nhà đầu tư ngoại đánh giá rất cao.
Nếu lộ trình nới room của Chính phủ thực thi đúng kế hoạch (từ 1/9/2015), hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2015 – 2016 dự báo sẽ bùng nổ và vượt trội so với các năm đã qua.