“Ma trận” ứng dụng ship hàng, rủi ro người dùng tự gánh
Các ứng dụng phục vụ nhu cầu ship hàng đua nhau nở rộ, dễ đăng ký, sử dụng nhưng cũng không ít rủi ro khi nhà cung cấp phủi tay.
Lừa cả người mua - bán lẫn shipper
Nuôi hai con ăn học, vợ chồng chị Trần Lệ Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) làm nghề tự do, tranh thủ ship hàng kiếm thêm thu nhập. Thông qua ứng dụng Snail.vn chị nhận một đơn hàng ship túi sách từ phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa) đến Bạch Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Hằng phải ứng trả tiền trước cho người bán 1.625.000 đồng, người mua hàng sẽ trả lại số tiền trên cùng 40.000 đồng tiền ship. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ giao hàng, cả người gửi lẫn người nhận đều “mất tăm”, chị Hằng mới hay bị lừa.
Anh N.T.Đ., một shipper khác cũng bị lừa bằng cách thức tương tự với số tiền gần 2 triệu đồng. Anh Đ. tâm sự: “Trời nắng nóng cũng như trời mưa, mình vẫn phải trầy mặt ra đường kiếm từng đồng bạc lẻ. Có những đơn hàng 10.000 đồng vẫn phải chạy. Hôm nào chạy nhanh, liên tục được khoảng 400.000 đồng, trừ chi phí xăng xe, điện thoại còn 300.000 đồng. Ngày nào trái gió trở trời ốm đau thì chả có đồng nào. Số tiền 2 triệu đồng bị lừa đủ để lo chi phí sinh hoạt, thuốc thang…cả nhà trong cả tuần”.
Không chỉ shipper, không ít chủ shop, cửa hàng cũng trở thành nạn nhân khi đặt giao hàng qua mạng. Chị Thu Thủy (Hoàn kiếm, Hà Nội) thông tin: Nhân viên cửa hàng đăng tìm người ship 2 lọ nước collagen uống (trị giá 4,5 triệu đồng) từ phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm giao đến phố Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Qua ứng dụng ship hàng, một shipper có số 0927407… gọi đến nhận đơn, ứng tiền cho shop rồi giao hàng. Khi khách báo đã nhận hàng, shop trả lại tiền shipper ứng cộng công xá đầy đủ. Tuy nhiên, khách nhận hàng mở ra mới tá hỏa vì không phải hai chai collagen như đã đặt mà chỉ là một chai nước muối và một quả bí thối gói kín trong hộp giấy.
Trên đây là những tình huống bị rủi ro, lừa đảo khi sử dụng những ứng dụng ship hàng qua mạng - hình thức giao dịch đang ngày một mở rộng trong xu hướng kinh doanh online ngày càng nở rộ hiện nay. Người có nhu cầu sử dụng hàng loạt các ứng dụng cung cấp dịch vụ này chỉ cần vài bước đăng ký, điền thông tin theo yêu cầu là có thể mua, bán, hoặc tham gia vận chuyển hàng theo các “vận đơn” tại ứng dụng này.
Miễn phí nên bị lừa “ráng chịu”?
PV tìm đến Công ty TNHH EZQ (EZQ) - đơn vị cung cấp app Snail.vn (tầng 13 nhà chung cư trên đường Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tìm hiểu về cách thức quản lý, vận hành ứng dụng cũng như trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ khi xảy ra những vụ việc kể trên. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc EZQ cho biết: App Snail.vn có hai hệ thống thông tin. Một luồng thông tin do các shop trực tiếp tạo (đăng ký) trên ứng dụng. Để được tham gia dịch vụ này, các shop phải cung cấp thông tin bao gồm: Số điện thoại, chứng minh thư, quê quán, địa chỉ…
Luồng thông tin thứ hai là app tự quét các bài đăng tìm ship trên mạng xã hội Facebook để người dùng tự lựa chọn với khối lượng lên tới trên mười nghìn đơn giới thiệu cho shipper/ngày. Các thông tin này được quét tự động, không được kiểm chứng. Phần lớn những vụ việc lừa đảo shipper Báo Giao thông đã đề cập là từ luồng thông tin này.
Ông Giang cho biết thêm, app được cung cấp miễn phí, chỉ có phần nâng cấp xem lịch sử đơn phí tính 100 nghìn đồng/tháng. Theo ông Giang, EZQ cũng đã ghi rõ: “Bản thân Snail.vn không cung cấp dịch vụ và Snail.vn không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ. Tất cả dịch vụ do shipper và shop tự làm việc với nhau. Các bên tham gia giao dịch qua app tự chịu trách nhiệm”.
Tương tự Snail.vn, app Săn Ship của Công ty CP Công nghệ HeyU Việt Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cung cấp hai luồng thông tin. Tuy nhiên, luồng thông tin thứ nhất do người dùng tạo trực tiếp trên app phải trả phí. Khi có giao dịch shop trả 10% VAT phí thu hộ, shipper trả 10% phí dịch vụ. Mỗi lần giao dịch thành công, Công ty CP Công nghệ HeyU Việt Nam thu về 20% trên tổng cước vận chuyển. Chi phí 20% trừ vào tài khoản của shipper, khi đến giao hàng shipper lấy lại 10% từ shop. Có rủi do xảy ra Săn Ship sẽ đền bù 100% giá trị hàng. Thời gian đền bù trong vòng 24 giờ đối với shipper, 48 giờ đối với shop.
Ông Thế Anh, Giám đốc công ty cho biết: Săn Ship có một đội ngũ riêng chịu trách nhiệm giám sát đơn hàng. Các shop tham gia app Săn Ship sẽ có một đội ngũ nhân viên đến tận nơi xác minh thông tin, chụp ảnh… Yêu cầu đối với shipper phải trực tiếp tới đăng ký, mặc đồng phục, chụp ảnh, biển số xe, giấy tờ tùy thân. Khi đến lấy hàng chủ shop có thể đối chứng người thật và thông tin lưu trên hệ thống.
Khi phát hiện trường hợp lừa đảo, nhà cung cấp sẽ khóa ngay người dùng. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận trong trường hợp đối tượng đổi cả sim cả điện thoại để lập tài khoản mới thì… chịu!
Tương tự như snail.vn, luồng thông tin thứ hai của app này cũng được quét dữ liệu trên mạng xã hội Facebook hoàn toàn miễn phí và công ty không chịu trách nhiệm.
Lùng nhùng trách nhiệm
PV mang câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong trường hợp để xảy ra lừa đảo trao đổi với luật sư Trịnh Anh Dũng, Văn phòng Luật sư Trịnh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Ông Dũng cho biết: Các hành vi nói trên đều có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự. Theo quy định, số tiền chiếm đoạt đủ 2 triệu đồng sẽ bị xem xét, xử lý hình sự, dưới 2 triệu xem xét xử lý hành chính.
Về trách nhiệm của nhà cung cấp app, luật sư Dũng cho rằng, phụ thuộc vào “điều khoản sử dụng” do hai bên thỏa thuận trong quá trình tạo app. Nội dung điều khoản sử dụng ghi rõ hạng mục, trách nhiệm của từng bên. Nếu trong đó ghi rõ nội dung không chịu trách nhiệm đối với những giao dịch miễn phí thì shipper và shop phải tự chịu trách nhiệm. Khi tham gia sử dụng app dịch vụ người dùng phải tuân thủ. Để hạn chế rủi ro, ông Dũng khuyến nghị, các shop và shipper, người dùng nói chung cần đọc kỹ nội dung điều khoản sử dụng khi tạo app, lựa chọn những nhà cung cấp uy tín.
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Trong trường hợp shipper bị quỵt tiền cần xem xét liên quan tới trách nhiệm chủ app bởi họ là người trung gian giữa người sử dụng app với lái xe giao hàng. Do đó khi phát sinh tranh chấp, chủ app phải đứng ra giải quyết. Để bảo vệ quyền lợi, các bị hại có thể gửi đơn thư về sở công thương địa bàn xảy ra tranh chấp; hoặc gửi trực tiếp cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn và xem xét giải quyết.