Mạnh tay xử lý người thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
Trong thời đại 4.0 mạng xã hội như con dao hai lưỡi gây ra những hệ luỵ rất lớn, tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, trật tự, an toàn xã hội.
Mới đây, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đã lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông V.S.T, SN 1986 ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” theo điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trước đó, tài khoản mạng xã hội facebook của ông T. đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến người phụ nữ trong vụ va chạm giao thông, xảy ra tối 5/3/2024, tại đường Trần Cung, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, là con cháu một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an. Từ bài đăng này đã có nhiều trang fanpage và trang facebook cá nhân chia sẻ, đăng tải lại, gây dư luận không đúng, bình luận tiêu cực..., ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Công an TP. Hà Nội.
Với thế mạnh kết nối, tương tác không biên giới, mạng xã hội đã thiết lập “quyền lực” của mình với sự ra đời của nhiều ứng dụng khác nhau như: Youtube, Tiktok, Instagram, Twitter, Viber, Wechat, Zalo... nhưng trong thời đại 4.0 và toàn cầu hoá thông tin, mạng xã hội như con dao hai lưỡi đang gây ra những hệ luỵ rất lớn, tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thông tin ảo, thông tin giả, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ gây thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế và đời sống xã hội.
Trên thực tế, những năm gần đây, tại Việt Nam đã chứng kiến những vụ thông tin bịa đặt, sai sự thật về doanh nghiệp, giá vàng, thị trường chứng khoán hoặc nhiều cá nhân khác… gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng do cổ phiếu “bốc hơi”, thị trường tài chính nhiễu loạn, nhà đầu tư và người dân hoang mang.
Việc lợi dụng mạng xã hội để vu khống, bôi nhọ, xúc phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức, nhân phẩm cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội diễn ra rất phức tạp. Vụ bà Nguyễn Phương Hằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam cùng một số đồng phạm bị tuyên án tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự là một ví dụ điển hình.
Nghiêm trọng hơn, hiện nay, mạng xã hội cũng được các thế lực thù địch, phần tử cơ hội sử dụng như một công cụ hữu hiệu để chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta khi lan truyền các thông tin xuyên tạc, xấu độc, nhất là trước kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển và tỷ lệ người dân sử dụng internet cao nhất thế giới, với gần 80% số dân, trong đó khoảng 77 triệu người Việt dùng mạng xã hội. Thời gian qua Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành có liên quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để làm lành mạnh hoá các nền tảng ứng dụng xuyên biên giới ở Việt Nam nhưng cuộc chiến này vẫn hết sức phức tạp do tính chất ảo và sự lây lan khủng khiếp của nó.
Pháp luật nước ta, trọng tâm là Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng nghiêm cấm các hành vi thông tin sai sự thật, bịa đặt, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng chế tài xử phạt với tội danh này xem ra còn chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với thiệt hại mà thông tin giả, thông tin sai sự thật gây ra. Nhìn ra thế giới và khu vực, nhiều nước không chỉ mạnh tay với người phát tán, thông tin sai sự thật mà sẵn sàng “cấm cửa” doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội nếu vi phạm pháp luật.
Chính vì vậy để các giải pháp này thực sự có hiệu quả cần các biện pháp đồng bộ, với sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành và người sử dụng internet. Bên cạnh việc xử lý các doanh nghiệp cung cấp các nền tảng mạng xã hội không tuân thủ luật pháp ở Việt Nam, cần có đội ngũ chuyên gia đủ mạnh để có các giải pháp kỹ thuật dựng “bức tường lửa”, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, nhảm nhí, vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục lan truyền.
Cùng đó, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người sử dụng mạng xã hội hữu hiệu nhất chính là phải thiết lập được hành lang và chế tài pháp lý đủ mạnh, nghiêm khắc. Không gian mạng tuy ảo nhưng hậu quả rất thật nên cần thượng tôn pháp luật.