Mạnh tay xử lý ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí có rất nhiều tác động lớn đến nền kinh tế từ cấp độ vi mô đến vĩ mô. Trong thời gian tới, cần đưa ra những công cụ đánh vào động cơ kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp để hướng hành vi của họ theo hướng bảo vệ môi trường.
Gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân
Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Không khí bị ô nhiễm chủ yếu là do bụi (TSP, PM10, PM2.5), nhất là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, một số khu công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản và tại một số làng nghề.
Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa được Bộ Chính trị ban hành cũng nêu rõ, ô nhiễm không khí vẫn còn xảy ra tại một số đô thị lớn.
Chẳng hạn như tại TP. Hà Nội, với số dân cư sống đã lên tới gần 9 triệu người, với 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, hơn 600.000 ô tô... , những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề cấp bách. Theo Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hóa môi trường, TP. Hà Nội bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống) và bụi PM 10 (dưới 10 micron). NO2 và O3 - các chất kích ứng tổn hại đường hô hấp, có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.
Theo GS.TS. Đinh Đức Trường - Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ô nhiễm không khí gây ra mức tổn hại lớn đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến cơ hội tăng trưởng và việc làm trong nền kinh tế Việt Nam.
"Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, khi con người bị bệnh người ta tạo ra chi phí xã hội, họ phải bỏ tiền ra chữa bệnh, nghỉ việc và làm mất đi những chi phí về thu nhập xã hội cũng như mặt kinh tế cho xã hội", GS.TS. Đinh Đức Trường chia sẻ.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng tác động đến các nông nghiệp, làm ảnh hưởng hoạt động của cây cối, hệ sinh thái, làm suy giảm năng suất làm tổn hại kinh tế. Hiện nay Việt Nam có thể suy giảm 10-15% năng suất so với bình thường do tác động ô nhiễm không khí.
Đánh vào động cơ kinh tế để định hướng hành vi gắn với bảo vệ môi trường
Nhận thức được vấn đề này, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua đã có các chương trình, kế hoạch nhằm ứng phó với ô nhiễm không khí. Chẳng hạn, với mong muốn mạnh mẽ cải thiện chất lượng không khí, ngày 2/3/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Theo đó, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn Thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5...
Hay như mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, giảm 85% ô nhiễm không khí tăng thêm (trong giai đoạn 2021-2025) do hoạt động giao thông vận tải. Kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trưởng năm 2020, đảm bảo tối thiểu 97% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và 100% cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp lớn, rất lớn theo quy định đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và kết nối truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và trường theo quy định. Bên cạnh đó, kiểm soát hiệu quả bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, đảm bảo tối thiểu 90% công trình xây dựng tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát sinh bụi, khí thải trong thi công xây dựng công trình...
Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, theo GS.TS. Đinh Đức Trường, Việt Nam cần có những cam kết chính trị rất mạnh mẽ, để xử lý vấn đề ô nhiễm không chỉ là hô khẩu hiệu mà phải có những cam kết thực sự. Đồng thời, chấp nhận hy sinh một phần kinh tế để có thể đạt được các mục tiêu môi trường là quan điểm cần được cân nhắc...
Bên cạnh đó, sự nỗ lực của bộ, ngành, địa phương liên quan, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong đó, cần có các quy định, tiêu chuẩn và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường nói chung và gây ra ô nhiễm không khí nói riêng.
Về vấn đề này, chia sẻ với báo giới, GS.TS. Đinh Đức Trường, cho rằng, Việt Nam có thể đưa ra những công cụ đánh vào động cơ kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp để hướng hành vi của họ theo hướng bảo vệ môi trường như doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ đánh thuế thêm thì họ sẽ phải cân đối bài toán giữa xả thải thêm hay phải nộp thêm thuế, điều đó sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hơn cho công nghệ thân thiện với môi trường và cũng làm giảm thiểu những thiệt hại tới môi trường.