Mạnh tay xử lý trốn đóng bảo hiểm
Hết quý I/2018, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đang phải triển khai nhiều biện pháp mạnh tay.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, 4 tháng đầu năm, các hoạt động toàn ngành có những chuyển biến khả quan. Đến tháng 4/2018, số người đóng BHXH bắt buộc là 13,75 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,6 triệu người. Toàn ngành thu 27.909 tỷ đồng, lũy kế hết tháng 4 thu 96.747 tỷ đồng; trong đó, thu BHXH là 63.791 tỷ đồng, thu BHTN là 4.514 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế (BHYT) là 28.441 tỷ đồng.
Về kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, quý I/2018, có một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm 2017, như: Dịch vụ kỹ thuật nội soi tai, mũi, họng đã giảm 23,9% so với cùng kỳ 2017; Bình quân ngày điều trị chung toàn quốc cũng có thay đổi, giảm từ 7,12 ngày/ đợt điều trị xuống còn 6,87 ngày, giúp tiết kiệm chi phí cho cả người bệnh và Quỹ BHYT.
Tháng 4, cả nước có khoảng 15,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; Lũy kế 4 tháng đầu năm có trên 55 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Tính đến ngày 24/4/2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh BHYT; Chi phí đề nghị thanh toán là 26.120 tỷ đồng, tăng 19,21% so với cùng kỳ năm 2017; tỷ lệ điều trị nội trú chung toàn quốc là 8,6%.
Với sự tăng cao của số lượt khám chữa bệnh, tỷ lệ chi từ Quỹ BHYT cũng gia tăng mạnh. 4 tháng đầu năm, ước chi khám chữa bệnh BHYT là 29.679 tỷ đồng. Trong đó, quỹ BHYT đã chi trả cho 359 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh trên 300 triệu đồng và 1.231 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh từ 200 - 300 triệu đồng...
Trước sự gia tăng chi Quỹ BHYT, ông Đàm Hiếu Trung - Phó giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến phía Bắc (BHXH Việt Nam) - nhấn mạnh, những chi phí này hiện vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính.
Nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm
Thực hiện Quyết định số 34/QĐ-BHXH ngày 3/01/2018 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành (TTCN) năm 2018; toàn ngành BHXH đã triển khai thực hiện kiểm tra, TTCN và thanh tra liên ngành theo kế hoạch. Hết quý I/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra là 943 đơn vị.
Qua thực hiện thanh tra đóng BHXH, BHYT, BHTN, ngành BHXH đã phát hiện 1.487 lao động chưa được đóng hoặc đóng thiếu thời gian, phải tham gia với số tiền truy đóng là hơn 6,5 tỷ đồng; 33 lao động đã được đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền thoái thu, hoàn trả là gần 230 triệu đồng. Các đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 67 đơn vị; đã ban hành 65 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số tiền xử phạt phải thu là hơn 2 tỷ đồng, trong đó đã thu được 567 triệu đồng.
Ông Đào Việt Ánh - Phó giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm vẫn tiếp diễn phức tạp; Các doanh nghiệp thường lách luật không đóng, hoặc đóng không đầy đủ bằng cách như: Không ký hợp đồng với người lao động, ký loại hợp đồng không làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc hoặc mức lương thể hiện trong hợp đồng thấp hơn mức người lao động thực nhận.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo quyết liệt BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, TTCN đối với đơn vị có số nợ đọng BHXH, BHYT lớn; Kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. “Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của các doanh nghiệp cho cơ quan công an điều tra xử lý, những vi phạm nghiêm trọng sẽ tiến hành khởi tố để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động” - ông Ánh cho hay.
Quý I/2018, BHXH Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh các biện pháp thực hiện chính sách BHXH, BHYT một cách hiệu quả; Góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và củng cố tính bền vững của nền an sinh xã hội nói riêng.