Mây đen bao trùm đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Mỹ vừa chính thức truy tố hình sự chống lại Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc và là nhà sản xuất thiết bị viễn thông đứng thứ hai thế giới. Động thái này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực của Washington và Bắc Kinh trong đàm phán kết thúc cuộc chiến thương mại.
Theo bản cáo trạng đưa ra ngày 28/1 (theo giờ địa phương), Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra 2 loạt cáo buộc chống lại Huawei. Loạt cáo trạng thứ nhất cáo buộc Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và cơ quan chức năng Mỹ về quan hệ với các công ty con, Skycom Tech và Huawei Device USA, để tiến hành hoạt động kinh doanh tại Iran.
Trong loạt cáo trạng thứ hai, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các công ty con của Huawei 10 tội gồm đánh cắp bí mật thương mại, lừa đảo bằng thiết bị điện tử và cản trở pháp lý vì được cho là đánh cắp công nghệ robot từ nhà mạng Mỹ T-Mobile (được gọi là công nghệ Tappy) trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn tiết lộ những cáo buộc chính thức đối với bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei. Nữ giám đốc vốn là con gái của người sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi đã bị bắt giữ ở Canada tháng 12/2018 và đang là đối tượng mà Mỹ tìm cách dẫn độ.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nói, các vụ việc “cho thấy hành vi táo bạo và ngoan cố của Huawei trong việc lợi dụng các công ty và thiết chế tài chính Mỹ, đe dọa thị trường tự do và công bằng toàn cầu”. “Sự thịnh vượng thúc đẩy an ninh kinh tế của chúng ta vốn đã gắn liền với an ninh quốc gia” - ông Wray nhấn mạnh. “Và ảnh hưởng to lớn mà Chính phủ Trung Quốc nắm giữ các tập đoàn nước này như Huawei đại diện cho mối đe dọa đối với cả hai”.
Các cáo buộc này từ Mỹ sẽ gia tăng sức ép lên Huawei - một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới của Trung Quốc và là một phần quan trọng trong nỗ lực thống lĩnh mạng lưới không dây 5G của nền kinh tế số 2 thế giới. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cố ngăn cản các công ty Mỹ mua thiết bị Huawei, đồng thời gây sức ép buộc các đồng minh của Mỹ làm tương tự. Các chuyên gia an ninh Mỹ quan ngại rằng những thiết bị này có thể được sử dụng để dò thám người dùng, phục vụ hoạt động tình báo của Bắc Kinh.
Theo đề nghị của Washington, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada hôm 1/12 và có thể bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gian lận ngân hàng nhằm che đậy hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran. Bà Mạnh đang được tại ngoại tại Canada với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD.
Việc bắt giữ bà Mạnh đã khiến Bắc Kinh tức giận. Trong các động thái được cho là trả đũa, Chính phủ Trung Quốc đã bắt giữa hai công dân Canada với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia. Còn ông Nhậm bác bỏ cáo buộc rằng thiết bị do Huawei sản xuất sẽ được Chính phủ Trung Quốc sử dụng cho mục đích gián điệp.
Điều đáng nói là những cáo buộc trên đưa ra giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang chạy nước rút để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại trước ngày 1.3 khi gói thuế quan 200 tỷ USD của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc có nguy cơ tăng từ 10% lên 25%. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến tới Mỹ tham dự cuộc đàm phán 2 ngày bắt đầu từ 30/1.
Hiện chưa rõ thông báo truy tố vừa đưa ra của Mỹ sẽ tác động ra sao tới các cuộc đàm phán này, dù Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói việc truy tố “hoàn toàn tách biệt” với việc đàm phán. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó bóng gió rằng ông có thể can thiệp vào vụ việc của nữ CFO Huawei nếu điều đó giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.