MIC thắng kiện vụ trục lợi bảo hiểm tại Nghệ An
(Taichinh) - Ngày 10/4/2015, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp dân sự về bảo hiểm giữa nguyên đơn là chủ xe N.C.L và bị đơn là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC).
Tại phiên tòa này, sau khi xem xét và đánh giá các bằng chứng cũng như ý kiến của các bên đưa ra, Hội đồng xét xử đã chấp nhận kháng cáo của MIC, tuyên sửa bản án sơ thẩm theo hướng MIC không phải bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn.
Theo tài liệu của vụ án, ông N.C.L tham gia hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới cho xe TOYOTA ALTIS biển kiểm soát 37S-2448 tại Công ty Bảo hiểm MIC Nghệ An (thuộc MIC), có hiệu lực từ ngày 9/6/2011 đến ngày 9/6/2012.
Qua khai báo của ông N.C.L tại thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 12/11/2011, ông N.C.L điều khiển ô tô 37S-2448 từ cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình về Nghệ An gặp khúc cua nên xe bị lao xuống vực, cách mép đường khoảng 12 - 13 m, phía dưới vực toàn gốc cây và đá làm xe bị hư hỏng nặng.
Ước tính chi phí sửa chữa xe khoảng hơn 250 triệu đồng. Ngoài văn bản thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường nêu trên, ông N.C.L không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào theo quy định để chứng minh sự kiện bảo hiểm.
Do vậy, MIC phải trưng cầu giám định hiện trường của Công an tỉnh Nghệ An và tự thu thập tài liệu, chứng cứ để hoàn thành hồ sơ bồi thường cho khách hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, MIC phát hiện đã có một vụ tai nạn trước đó xảy ra với chiếc xe này vào ngày 10/2/2011 do ông N.K.T (phường Quán Bàu, TP. Vinh) gây ra.
Cụ thể, sau khi xảy ra tai nạn, ông T đã đưa xe vào xưởng sửa chữa của Công ty TOYOTA TP. Vinh và được báo giá sửa chữa với chi phí ước tính khoảng 270 triệu đồng, nhưng ông T không đồng ý sửa xe, mà bán lại chiếc xe này nguyên trạng cho ông N.C.L với giá khoảng 300 triệu đồng. Dấu vết hư hỏng của vụ tai nạn ngày 10/2/2011 trùng khớp tới hơn 90% dấu vết của vụ tai nạn ngày 12/11/2011 do ông N.C.L khai báo.
Đến ngày 17/2/2012, sau khi tiến hành kiểm tra, giám định hiện trường vụ tai nạn, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) đã ra văn bản kết luận: “Khu vực hiện trường vụ tai nạn thể hiện không tạo ra những dấu vết trên xe ô tô 37S-2448 như biên bản khám nghiệm xe mô tả”. Dựa vào kết luận của Công an tỉnh Nghệ An và các chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh, MIC đã từ chối bồi thường.
Không đồng ý với phương án giải quyết bồi thường trên, ông N.C.L đã khởi kiện MIC lên TAND TP. Vinh.
Ngày 17/10/2014, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP. Vinh đã tuyên MIC phải bồi thường số tiền 257.037.000 đồng. Không đồng ý với kết luận của bản án sơ thẩm, MIC đã kháng cáo theo trình tự phúc thẩm lên TAND tỉnh Nghệ An.
Sau khi kháng cáo bản án sơ thẩm lên TAND tỉnh Nghệ An, MIC đã gửi đơn tới Cơ quan điều tra đề nghị xác minh hành vi gian dối của ông N.C.L. Ngày 10/12/2014, Cơ quan điều tra đã chuyển tới TAND tỉnh Nghệ An và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An văn bản kết luận điều tra: “Không có đủ căn cứ để xác định có vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 12/11/2011 làm hư hỏng thiệt hại xe ô tô BKS 37S-2448 như báo cáo của ông N.C.L. Bản thân ông N.C.L có dấu hiệu gian dối trong việc cung cấp thông tin yêu cầu MIC bồi thường thiệt hại xe ô tô BKS 37S-2448”.
Ngày 10/4/2015, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã tuyên sửa bản án sơ thẩm theo hướng MIC không phải bồi thường bảo hiểm cho nguyên đơn.
Diễn biến bán bảo hiểm vật chất xe cơ giới tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm gần đây cùng với vụ việc trên của MIC là một kinh nghiệm cho các cán bộ khai thác bảo hiểm khi cấp đơn cho đối tượng bảo hiểm là xe cơ giới. Bởi thông thường, khi ký hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, nhân viên bảo hiểm có thể chỉ kiểm tra biển số xe, mà không xem xét kỹ hiện trạng của xe. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trục lợi bảo hiểm và gây khó khăn cho chính doanh nghiệp bảo hiểm khi có phát sinh quyền lợi bảo hiểm.