Minh bạch chỉ định thầu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông tư này nhằm thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nhằm triển khai nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và gói thầu xây lắp thuộc: Các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội và điểm b khoản 4 Phần II Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, dự thảo thông tư quy định, thẩm quyền quyết định hình thức chỉ định thầu là người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả chỉ định thầu, trừ trường hợp: Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp của các dự án thành phần và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội.
Để rõ địa chỉ trách nhiệm trong xác định gói thầu chỉ định thầu, dự thảo thông tư quy định, người có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xác định các gói thầu áp dụng chỉ định thầu trên cơ sở bảo đảm một trong ba điều kiện.
Một là, gói thầu cấp bách cần triển khai ngay để đảm bảo tiến độ dự án.
Hai là, đã đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm hoặc đã tổ chức đấu thầu qua mạng nhưng không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm hoặc không có nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm hoặc không có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu cơ bản trong hồ sơ mời thầu. Ba là, gói thầu chỉ có thể được thực hiện bởi một nhà thầu vì lý do kỹ thuật đặc thù, riêng biệt...
Áp dụng hình thức chỉ định thầu trong một số trường hợp là cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án, giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, sớm đưa công trình dự án vào khai thác phát huy hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hình thức chỉ định thầu nếu không được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, minh bạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro dẫn đến thất thoát nguồn lực nhà nước.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, trên diễn đàn Quốc hội, dù ủng hộ quan điểm chỉ định thầu nhưng các đại biểu cũng đề nghị cần phải kiểm soát chặt chẽ hình thức này. Đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cho rằng, chỉ định thầu chỉ nên thực hiện trong một số trường hợp cần thiết, cần có tư duy mạnh mẽ, đổi mới hoàn thành các dự án trọng điểm cấp bách để tránh tiêu cực như cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm...
Trong khi đó, dù ủng hộ chỉ định thầu đối với một số gói thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, nhưng đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, phải có quy định chặt chẽ và có cơ chế gắn với trách nhiệm cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc chỉ định thầu đảm bảo nhà thầu phải có năng lực, có kinh nghiệm theo đúng các yêu cầu đặt ra.
Nhằm tạo điều kiện để rút ngắn thời gian thực hiện dự án trong một số trường hợp cần thiết, Luật Đấu thầu, Nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp. Trên cơ sở này, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn với các quy định chặt chẽ, minh bạch để làm căn cứ thực hiện. Và điều quan trọng là, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh “xin – cho” trong chỉ định thầu.