Mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam
(Taichinh) - Thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn đến mô hình kinh tế chia sẻ. Sự xuất hiện của các công ty như Uber, Airbnb... không còn xa lạ với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam mô hình kinh tế chia sẻ vẫn còn rất mới mẻ.
Đôi nét về kinh tế chia sẻ
Sự chia sẻ giữa người với người đã diễn ra hàng ngàn năm qua. Hình thức chia sẻ trước kia rất đơn giản, có khi chỉ là chia sẻ một ngọn lửa với hàng xóm hay một túp lều nghỉ tạm mỗi khi xa nhà. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề không còn gói gọn trong phạm vi làng xã, sự sẻ chia đã trở thành một xu hướng, một loại hình kinh tế mới mang tính toàn cầu - Kinh tế chia sẻ.
Mô hình kinh tế chia sẻ bắt nguồn từ Mỹ 15 năm trước. Mới đây, công ty kiểm toán PWC đã ước tính kinh tế chia sẻ toàn thế giới năm 2013 trị giá hơn 255 tỷ USD, tương đương GDP của Phần Lan.
Có thể hiểu một cách đơn giản đây là mô hình kinh tế mà người tiêu dùng có thể tận dụng những nguồn lực dư thừa của nhau thông qua việc thuê mướn. Một cá nhân có thể cho người lạ thuê bất cứ thứ gì họ đang không sử dụng, như xe cộ, nhà cửa, chỗ để xe... thông qua Internet và những công ty kết nối cung - cầu. Các công ty này cũng đưa ra các mức xếp hạng hay các đánh giá để bên thuê và cho thuê có thể tin tưởng nhau. Với sự phổ biến của các dịch vụ này, nhiều người trên thế giới sẽ không cần phải mua khi đã có thể thuê bất cứ thứ gì mình cần.
Ngoài việc chủ sở hữu có thể kiếm tiền từ những tài sản chưa tận dụng hết, mô hình kinh tế chia sẻ còn có ý nghĩa tích cực đối với môi trường. Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn.
Việc tái phân phối này là cần thiết để tiết kiệm tiền của người dùng và tài nguyên của xã hội. Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện và gây được sự chú ý của cộng đồng. Có thể kể đến như Uber, Airbnb, Relayrides, TaskRabbit, Car Pooling… Với sự phát triển và hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao, các mô hình kinh tế chia sẻ kể trên từng bước phát triển một cách vững chắc, len lỏi vào trong đời sống của người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới.
Theo The Economist, một số luật lệ sẽ phải được cập nhật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng hình thức này.
Kinh tế chia sẻ tại Việt Nam
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít khi dùng đã và đang tồn tại. Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng về mô hình này.
Trên thực tế thì tại Việt Nam, đã xuất hiện mô hình kinh tế chia sẻ với sự góp mặt của các công ty như Uber, Airbnb, Triip.me …
Uber được thành lập vào năm 2009 tại Mỹ. Ứng dụng Uber là phần mềm kết nối giữa hành khách và tài xế. Với Uber, hành khách có thể gọi xe thuận lợi, kiểm soát được hành trình mình sẽ đi, chi phí mình sẽ bỏ ra, biết trước được loại xe, số xe và cả tên người tài xế sẽ đi với mình. Người tài xế cũng sẽ có thêm nhiều công việc hơn qua đó thu nhập cũng tăng lên. Hiện nay, Uber đã có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh.
Airbnb được thành lập vào năm 2008, có trụ sở tại Mỹ, hiện có mặt tại trên 33.000 thành phố ở 192 quốc gia. Airbnb cũng đã vào Việt Nam trong năm 2014. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng với một số tỉnh thành khác cũng đa gia nhập mạng lưới của Airbnb với số lượng phòng ngủ, nhà đạt trên 1.000. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, Airbnb sẽ xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó.
Triip.me được hình thành và xây dựng từ một nhóm người trẻ và đam mê du lịch, họ đến từ nhiều quốc gia với những nền văn hóa khác biệt nhau. Điểm chung lớn nhất khi xây dựng Triip.me của họ là trang này không chỉ là để kiếm tiền mà còn là nơi kết nối mọi người, chia sẻ kinh nghiệm trong các chuyến đi, về du lịch tại các địa phương và bảo tồn văn hóa..
Triip.me đã biến những người địa phương bình thường thành một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư. Triip.me cho phép bất kì ai cũng có thể tạo một gói du lịch, đưa lên và bán cho khách du lịch trên trang web hoặc ứng dụng trên iPhone. Sản phẩm này cũng đã cho ra đời Wiki Triip, nơi tổng hợp thông tin trực tuyến về các điểm đến phong phú của Việt Nam vào một ứng dụng di động.
Travelmob cũng là một trang đăng tải thông tin về việc cho thuê nhà hay phòng ngủ trong thời gian ngắn hạn. Travelmob sẽ là trung gian giải quyết các giao dịch tài chính giữa hai bên chủ nhà và người thuê nhà. Được thành lập từ năm 2012 tại Singapore, Travelmob hiện nay đã có mặt ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tại Việt Nam cũng đã có phiên bản tiếng Việt của Travelmob tại địa chỉ vn.travelmob.com.