Mô hình quản lý vốn nhà nước nào trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước?
Làm thế nào để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) một cách hiệu quả, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu luôn là bài toán khiến các nhà quản lý đau đầu thời gian qua.
Vấn đề này cũng đã được các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế tại thảo luận tại Hội thảo khoa học “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN trong tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam” do Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội và Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 27/4/2015.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, quán triệt tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định. Dù có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, nhưng đến nay Đề án được chốt lại ở hai mô hình quản lý chính để lựa chọn, cụ thể:
Một là: Mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý nhà nước, theo đó sẽ thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN.
Hai là: Mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, theo đó sẽ thành lập một DNNN làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy mỗi mô hình đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, nhưng theo lời phát biểu khai mạc hội thảo, GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN nào cũng cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam và phù hợp với quy mô, tiến trình cải cách DNNN. Mô hình mới cũng phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý...
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế (CIEM), về tổng thể, cả hai mô hình đều đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất là tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Ngày 27/4/2017, Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN trong tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các viện nghiên cứu và đào tạo, các chuyên gia kinh tế độc lập, đại diện tập đoàn và tổng công ty lớn của Nhà nước...
Trong khi đó, mô hình DN có ưu điểm về tính linh hoạt, về chi phí và thủ tục thành lập gọn nhẹ. Về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, ưu điểm của mô hình DN rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước. Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn có thể dẫn đến việc không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về DN này quản lý...
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài chính DN cũng cho rằng cần cân nhắc rất kỹ tính hiệu quả, thông suốt khi vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban như là một Hội đồng thành viên cho tất cả các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty do Ủy ban quản lý và sự khác biệt giữa quản trị của cơ quan hành chính nhà nước với quản trị DN khi thực thi các quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN.
Ngược lại, mô hình Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước được các chuyên gia đánh giá là đảm bảo được yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu; phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu (cổ đông). Công ty này không phải là cơ quan hành chính, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các DN mà thông qua hệ thống quản trị DN hiện đại của Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và của các DN để đảm bảo hiệu quả bảo toàn, gia tăng giá trị vốn đầu tư.
Trong tham luận giới thiệu “Một số mô hình quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN trên thế giới – Ưu, nhược điểm và hàm ý cho Việt Nam”, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng cho rằng khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý DNNN, mục tiêu hàng đầu phải là phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý DN, phân tách giữa chính trị và kinh doanh, nhất là đối với các DNNN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, qua nghiên cứu kinh nghiệm của gần 40 quốc gia trên thế giới về mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, mô hình tập trung trong quản lý vốn nhà nước tại DN là xu thế chung đang được đa phần các nước trên thế giới áp dụng. Trong các mô hình tập trung thì mô hình công ty là có nhiều ưu thế và đang được nhiều nước áp dụng thành công, một số nước như Trung Quốc cũng đang từng bước chuyển đổi sang mô hình này.