Mở rộng loại chứng thư số giao dịch điện tử với cơ quan tài chính
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến trước khi hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP (NĐ 27) về chữ ký số trong giao dịch điện tử liên quan đến quan quản lý nhà nước về tài chính, trước khi trình Chính phủ ký ban hành.
Văn bản sửa đổi này nhằm cho phép các cơ quan tài chính được lựa chọn áp dụng kỹ thuật xác thực, bảo mật hiệu quả, phù hợp với từng loại giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho ngành Tài chính trong việc triển khai điện tử hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi giao dịch với các cơ quan tài chính. Đồng thời điều chỉnh, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống văn bản pháp luật về giao dịch điện tử.
Bộ Tài chính chủ động lựa chọn phương thức xác thực điện tử
Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi mở rộng phạm vi giao quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính được lựa chọn quy định áp dụng chữ ký số hay không đối với tất cả các loại giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (bao gồm giao dịch điện tử của cơ quan tài chính).
Theo Bộ Tài chính, chữ ký số là loại chữ ký điện tử được quy định chặt chẽ và cụ thể nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, nên được ưu tiên lựa chọn áp dụng trong các trường hợp yêu cầu tính pháp lý và độ an toàn cao.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp có yêu cầu về tính pháp lý và độ an toàn không cao, việc áp dụng chữ ký số gây phức tạp và tốn kém, đi ngược với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quy định mới của Nghị định sửa đổi cho phép Bộ Tài chính chủ động lựa chọn phương thức xác thực, bảo mật hiệu quả, phù hợp với từng loại giao dịch điện tử do cơ quan tài chính chủ trì.
Cũng theo Bộ Tài chính,Khoản 2 Điều 14 NĐ 27 quy định cơ quan, tổ chức giao dịch điện tử với cơ quan tài chính phải sử dụng “chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp”. Quy định này đặc biệt phù hợp và hữu ích trong giai đoạn triển khai ban đầu điện tử hóa thủ tục hành chính của ngành Tài chính.
Tuy nhiên, việc giới hạn loại chứng thư số được sử dụng trong giao dịch điện tử với cơ quan tài chính trong một loại chứng thư số (“công cộng”) như vậy không còn phù hợp ở giai đoạn phát triển hiện nay của Chính phủ điện tử. Các đối tượng giao dịch với cơ quan tài chính đã được mở rộng ra tới các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức nước ngoài và cá nhân.
Theo đó, Nghị định sửa đổi đề xuất mở rộng loại chứng thư số dùng để ký số trong giao dịch với cơ quan tài chính ra tất cả các loại chứng thư số được pháp luật Việt Nam công nhận và được quy định cụ thể trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP (NĐ 26).
Việc mở rộng này tạo thuận lợi cho các đối tượng khác nhau khi tham gia giao dịch điện tử với cơ quan tài chính, đồng thời thống nhất với quy định của NĐ 26. Theo Nghị định sửa đổi, khi giao dịch với cơ quan tài chính, các cơ quan thuộc hệ thống chính trị có thể sử dụng chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ; doanh nghiệp nước ngoài có thể sử dụng chứng thư số nước ngoài (nhưng phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoặc cấp giấy chấp nhận sử dụng theo quy định của NĐ 26); cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng thư số công cộng.
Đồng thời, Nghị định sửa đổi không quy định rõ loại đối tượng nào phải sử dụng chứng thư số nào vì quy định như vậy sẽ chồng chéo với NĐ 26. Việc quy định rõ đối tượng nào sử dụng loại chứng thư số nào trong từng loại giao dịch điện tử với cơ quan tài chính sẽ thực hiện ở mức Thông tư, do Thông tư sẽ triển khai thực hiện cả NĐ 26 và NĐ 27.
Tạo thuận lợi cho cơ quan tài chính trong hội nhập
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định, cơ quan tài chính tham gia giao dịch điện tử do cơ quan, tổ chức trong nước khác chủ trì và có quy định sử dụng chứng thư số khác với quy định nêu trên thì thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên liên quan hoặc theo quy định của cơ quan, tổ chức chủ trì giao dịch, nhưng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về chữ ký số và chứng thực chữ ký số.
Cùng với đó, cơ quan tài chính tham gia giao dịch điện tử có ràng buộc bởi điều ước quốc tế về chữ ký số mà Việt Nam là thành viên thì phải thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
Các quy định này, theo Bộ Tài chính, nhằm tránh việc cơ quan tài chính vi phạm luật do không thể tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước. Đồng thời, nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan tài chính trong quá trình hội nhập quốc tế, đơn cử việc Tổng cục Hải quan hiện đang tham gia hệ thống ASEAN một cửa sẽ phải tuân thủ các quy định của hiệp định quốc tế ký kết giữa các nước tham gia hệ thống này.
Nội dung cuối cùng, theo đề xuất của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sửa đổi đã “Bãi bỏ điểm h Khoản 1 Điều 16”của NĐ 27, nhằm tạo sự thống nhất cao với quy định của NĐ 26, đồng thời triệt để theo định hướng cơ quan tài chính sử dụng các dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên nghiệp có sẵn thay cho tự thiết lập, duy trì dịch vụ.
Theo đó, quy định này bãi bỏ việc cho phép Bộ Tài chính thành lập Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ riêng cho cho các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính của cơ quan tài chính. Các cơ quan tài chính thực chất là các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, do đó theo Khoản 4 Điều 6 của NĐ 26, có thể sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (do Ban Cơ yếu Chính phủ thành lập và duy trì)./.