Mở rộng phạm vi chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến được đưa ra bàn thảo, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sang khu vực ngoài nhà nước.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi) trình Quốc hội lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác PCTN trong thời gian qua, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Cụ thể như: Quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chế độ họp báo, phát ngôn; Quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; Tiêu chí đánh giá công tác PCTN; Báo cáo, công khai báo cáo công tác PCTN; Tuyên truyền, giáo dục về công tác PCTN…
Một trong những điểm nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận là phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, cụ thể không chỉ là những cá nhân giữ chức vụ cao trong các doanh nghiệp (DN) nhà nước mới phải kê khai tài sản và thu nhập, mà bổ sung thêm nhóm đối tượng giữ chức vụ cao trong các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và các tổ chức xã hội
Những điều chỉnh này đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận ở việc mở rộng này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của DN, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Điều này phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó có yêu cầu chống tham nhũng trong khu vực tư. Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư cũng góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tăng cường bảo vệ tài sản của DN, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân có liên quan…
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn về việc Dự thảo Luật mở rộng phạm vi. Một số DN cho rằng, các tài sản mà lãnh đạo DN sở hữu đã được đóng thuế cho nhà nước, việc sở hữu tài sản cá nhân của những người đứng đầu không ảnh hưởng đến hoạt động của DN; Việc kê khai tài sản thực chất chỉ nhằm hỗ trợ cho việc tính thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác. Vì vậy, không nhất thiết phải đưa thành quy định bắt buộc…
Lý giải về những quy định đưa vào Dự thảo Luật, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp – Quốc hội cho rằng, việc chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại hình DN là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư và một số loại hình tổ chức xã hội thậm chí còn có những hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn. Thực tiễn cho thấy, việc đưa, nhận hối lộ để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh xảy ra ở nhiều loại hình DN khác nhau, kể cả các công ty TNHH hoặc công ty tư nhân, là công ty “sân sau” được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn.
Ông Trương Trọng Nghĩa, ủy viên Ủy ban Tư pháp cho hay, khuyến cáo của quốc tế là cần chống tham nhũng cả khu vực tư. Tham nhũng trên thực tế có sự cấu kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư. Đó là những hiện tượng “sân sau”, “chủ nghĩa thân hữu”... Do đó, dự thảo Luật PCTN sửa đổi phải chú ý đến quan hệ công - tư trong công tác PCTN.