Mọi cuộc khủng hoảng đều phân bổ cơ hội cho mọi nhà đầu tư

Minh Lâm

Trước nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, đà đi lên thị trường chứng khoán trong nước khó tránh khỏi sự đứt gãy. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội cho tất cả nhà đầu tư biết tận dụng mua cổ phiếu giá rẻ, trước khi thị trường phục hồi nhờ sức mạnh nội tại. Cơ hội lúc này sẽ dành cho người may mắn, sự may mắn lại đến từ sự chuẩn bị và dám nắm bắt cơ hội.

VN-Index thường phục hồi từ khủng hoảng sau mội tuần đến một tháng.
VN-Index thường phục hồi từ khủng hoảng sau mội tuần đến một tháng.

Trong nguy có cơ

Thị trường tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp thuế toàn diện. Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh, mức thuế đối ứng phản ánh các rào cản thương mại mà các nước này đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ trong suốt thời gian qua, cũng như bao hàm cả yếu tố thao túng tiền tệ. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất, lên đến 46%.

Trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ lao dốc, giảm bình quân 3,5%; EU600 giảm 4,2%; Nikkei 225 giảm 8,7%; CSI 300 giảm 1,8%. Các công ty đa quốc gia sản xuất tiêu dùng như Nike và các nhà nhập khẩu như Five Below, Gap dẫn đầu đà giảm từ 7-12%. Cú sốc này cũng lan rộng trên thị trường châu Âu và châu Á. USD Index giảm trong khi lợi tức trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ giảm dưới 4% và là mức thấp kể từ tháng 10/2024.

Chỉ số hàng hóa giảm 1,1%, các mặt hàng giảm trên diện rộng năng lượng (dầu thô giảm 6,4%, than giảm 2,6%), kim loại quý (Vàng giữ giá trong khi Bạc giảm 8,1%), các kim loại (quặng sắt giảm 5,2%; chì, nhôm, nikkei giảm trên 4%), nông sản (Cao su giảm 7,2%, Bông giảm 5% trong khi Coca lại tăng 15,6%).

Việc cuộc thương chiến leo thang có thể gây ra suy thoái trên diện rộng, trong đó Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, từ đó khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải cố gắng duy trì chính sách tiền tệ hướng đến việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với việc Fed không nhiều khả năng duy trì lãi suất ở mức cao, do đó, áp lực tỷ giá mà Fed gây ra cũng phần nào được hạn chế.

Tuy nhiên, trong nguy có cơ, khi nền tài chính “chao đảo”, cơ hội sẽ phân bổ đều hơn cho mọi người, cũng là lúc thế giới sẽ phân bổ lại tài sản. Đơn cử như, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1857 đã khiến John D. Rockefeller, từ một kế toán viên trở thành người giàu nhất trong lịch sử nhân loại, với khối tài sản hơn 600 tỷ USD. Cơ hội lúc này sẽ dành cho người may mắn, sự may mắn lại đến từ sự chuẩn bị và dám nắm bắt cơ hội.

Tin vào tiềm năng nội tại

Theo ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán SSI, từ đầu năm 2025, dù nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, VN-Index vẫn tăng vượt 1.300 điểm nhờ sức mua mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước. Sau thông tin Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam, thị trường điều chỉnh nhưng thanh khoản lại tăng vọt. Điều đó cho thấy: Niềm tin vào tiềm năng nội tại đang lớn hơn những lo ngại bên ngoài.

Ông Hưng cho rằng, Việt Nam có hơn 100 triệu dân, phần lớn không quen vay nợ để tiêu dùng. Văn hóa tiết kiệm này nếu biết chuyển thành động lực đầu tư thông minh và tiêu dùng hợp lý sẽ là nền tảng cực kỳ bền vững cho phát triển dài hạn.

Việt Nam có một thị trường tiêu dùng lớn, dòng tiền nội dồi dào, tâm lý đầu tư ngày càng chuyên nghiệp – đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp nội địa tái định vị chiến lược sản xuất và cạnh tranh ngay trên sân nhà và cũng là động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt nam.

“Muốn thắng trên sân nhà, sản phẩm Việt phải thật sự tốt hơn, tiện hơn, đáng tin hơn, chứ không chỉ rẻ hơn. Cạnh tranh bằng chất lượng, bằng giá trị thực – và bằng lòng tin của người Việt dành cho nhau”, ông Hưng nhấn mạnh.

Thống kê của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC Research) cho thấy, thị trường chứng khoán các quốc gia bị áp thuế trước (Canada, Mexico) thường ổn định lại sau một tháng áp thuế. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thường ổn định và phục hồi trong khoảng một tuần đến một tháng từ các đợt giảm điểm lớn (2018-2024).

Ví dụ, sau sự kiện giàn khoan HD981 năm 2024 VN-Index giảm 5%. Phiên giảm điểm ngày 8/5/2014 là phiên giảm điểm mạnh khi thị trường điều chỉnh từ ngày 15/4 sau đó hai ngày tiếp tục giảm sâu và tạo đáy sau 2-3 phiên giao dịch. 

Hay như giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dòng vốn ngoại rút khỏi Việt Nam giai đoạn 25/1-23/2/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Khi đó, áp lực bán tháo từ các thị trường trên thế giới do lo ngại từ Fed có thể tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục lại sau 7 phiên giao dịch (quá trình hồi phục bắt đầu từ 9/2/2018 - 21/2/2019). Thị trường hồi phục tăng trở lại 9% trước khi chính thức bước vào đợt bear market tạo đỉnh vào ngày 10-11/4/2018 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, áp lực tỷ giá, vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán. Chuỗi giảm điểm trong giai đoạn này chứng kiến nhiều phiên giảm từ 2-3,8%, không có những pha giảm sốc trên 4%.

Giai đoạn đại dịch COVID-19, chuỗi giảm điểm sâu do đại dịch bắt đầu kể từ tháng 2/2020, thị trường chính thức bước vào "bear market" sau phiên giảm 12/3/2020. Thị trường chính thức tạo đáy vào phiên 30-31/2020 và bắt đầu chu kỳ tăng mạnh mẽ sau đó.

"Chỉ có khoảng 5,5% vốn hóa HOSE là các doanh nghiệp có xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tỷ trọng xuất khẩu cũng như mức áp thuế cũng đang khác nhau, nên không thể đánh đồng tác động. Nhà đầu tư nên thận trọng, cân đối lại tỷ lệ đòn bẩy, và tập trung vào các doanh nghiệp ít chịu tác động của chính sách thuế quan", BSC Research khuyến nghị.