Môi trường kinh doanh tạo sinh khí mới
Với niềm tin đang được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện và nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn, tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô thì triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn sẽ vẫn tương đối khả quan, cho dù có những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài.
Trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tin rằng: “Nếu sự chuyển động mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh được tiếp diễn ở năm 2018 với quy mô lớn hơn, cường độ mạnh hơn năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ không chỉ đạt được 6,7%, mà sẽ lên được 8-9% trong tương lai”.
Đã gần hết tháng đầu của năm 2018, nhưng câu hỏi về động lực tăng trưởng vẫn còn đó. Rõ ràng, với sự đóng góp của Samsung khi mở rộng nhà máy và Formosa đi vào hoạt động đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt cả dự báo của năm 2017, nhưng đây không phải là động lực. Vậy theo ông, động lực có từ đâu?
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Không chỉ là mức độ mà còn là cách thức tăng trưởng. Cách thức tăng trưởng trong năm 2017 đã khác trước, không phụ thuộc vào khai khoáng, hay vào các gói kinh tế, không phụ thuộc vào mở rộng tín dụng. Chúng ta tăng trưởng nhờ vào cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thu hút thêm được đầu tư từ khu vực tư nhân. Từ cải cách, khiếm khuyết của khu vực Nhà nước đã bắt đầu được kiềm chế. Càng ngày tốc độ và chất lượng cổ phần hóa càng cao hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên kết quả ấn tượng của nền kinh tế trong năm 2017, nhưng nguyên nhân hay động lực mang tính nền tảng hơn cả là sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.
Về kinh tế Việt Nam 2017, Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Điều tâm đắc nhất của tôi là năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, chỉ số môi trường đầu tư tăng 14 bậc, chỉ số sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” đã được thăng hạng lên “tích cực”, và đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực”.
Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cũng đã ghi nhận điều này.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Đồng thời cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai, minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. Qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng DN, tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế.
Ở mức độ nào đó, ta đã thấy sự khác biệt của cách thức tăng trưởng và điều này sẽ được tiếp nối ở năm 2018.
Nhớ lại năm qua, thời gian đầu ông luôn là người trăn trở và sốt ruột khi thấy sự ì trệ trong cải cách vẫn rất lớn. DN cho rằng “vẫn còn tình trạng nóng trên lạnh dưới”. Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư viết “Lãnh đạo một số địa phương thiếu quan tâm triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh...”. Nhưng rồi môi trường kinh doanh đã cải thiện mạnh mẽ, cải cách đã tạo nên động lực như ông nói.
Vậy theo ông đâu là động lực của cải cách, sức ép nào, giải pháp nào đã tạo ra sự chuyển động đó?
Tiến triển vượt bậc trong môi trường kinh doanh năm 2017 là kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm bền bỉ của Chính phủ trong thời gian qua. Chẳng hạn như sự quyết tâm chính trị cao, song hành với nỗ lực nâng cao năng lực quản trị nhà nước của Chính phủ theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và DN.
Bên cạnh đó là sự đồng loạt hưởng ứng tinh thần cải cách của Chính phủ của các bộ, ngành bằng các chính sách và hành động cụ thể như: cải cách các quy định và thủ tục về thuế, hải quan; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tín dụng; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người vay và người cho vay…
Với năm 2018 này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/CP, thống nhất chủ đề của năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng Chính phủ đề ra và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu năm là “tập trung cải thiện mạnh mẽ các chỉ số môi trường kinh doanh vẫn còn dư địa cải thiện cũng như các chỉ số còn thấp điểm, thấp hạng”.
Thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý, quyết tâm phấn đấu để đưa Việt Nam vào nhóm nước ASEAN 4 về năng lực cạnh tranh và mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Trong thời gian tới, nền kinh tế có thể sẽ chịu tác động tiêu cực từ những xu thế toàn cầu. Những xung đột địa chính trị, xu hướng bảo hộ, giá dầu và giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng, FED lần thứ 3 tăng lãi suất do nền kinh tế Mỹ đã phục hồi vững chắc hơn…
Và một trong những yêu cầu cho năm 2018 mà Thủ tướng đã đưa ra tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ với các địa phương vừa qua là “Nền kinh tế phải có khả năng chống chịu cao hơn với những biến động lớn”. Vậy đâu là giải pháp, quyết sách để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài?
Phải tăng cường nội lực mới chống chịu tốt các cú sốc bên ngoài. Và về vấn đề này, Thủ tướng đã nhấn mạnh: đó là thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường.
Khi niềm tin được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện, thì cho dù có những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài, triển vọng kinh tế vẫn khả quan.
Phải tiếp tục cải cách để thể chế thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững, các chính sách phải huy động được mọi người dân cùng tham gia. Trong đó phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh hơn, tiếp tục giảm chi phí hơn nữa từ chi phí đầu tư, chi phí cho DN… Vấn đề quan trọng hơn trong thời gian sắp tới là thiết kế các chính sách, giải pháp và hành động để giải quyết các vấn đề, thách thức của nền kinh tế. Trong đó, các chính sách tạo dựng được niềm tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đóng vai trò xương sống.
Theo tôi, phải luôn nhấn mạnh việc tiếp tục phải cải cách và xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường để thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh. Phải thị trường, thị trường, và thị trường hơn, cạnh tranh, cạnh tranh và cạnh tranh hơn, cạnh tranh bảo đảm công bằng. Làm được như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ có động lực để phát triển nhanh và bền vững.
Thưa Viện trưởng, ông đã nói rằng để theo kịp các nước trong khu vực thì Việt Nam chúng ta phải có được mức tăng trưởng bình quân 7%/năm, tức là trong mười, hai mươi năm nữa, chúng ta phải đạt tốc độ tăng GDP tới 8%/năm. Liệu đây có phải là mức tăng trưởng lý tưởng khó thành hiện thực, khi ngay trong năm 2018 này, mục tiêu tăng trưởng GDP cũng chỉ ở mức 6,7%?
Về ngắn hạn, ngay trong năm 2018 thì mức tăng trưởng 6,7% là hợp lý, vì sẽ khó có thể có những Samsung, Fomosa nữa, và các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, xuất nhập khẩu… sẽ không thể tăng trưởng cao hơn năm 2017 quá nhiều do những tác động từ kinh tế thế giới và những hạn chế mà chúng ta đang phải khắc phục.
Tuy nhiên, với niềm tin đang được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện và nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn, tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô thì triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn sẽ vẫn tương đối khả quan, cho dù có những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài.
Tôi hy vọng vào sự chuyển động mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh sẽ tiếp diễn ở năm 2018 với quy mô lớn hơn cường độ mạnh hơn năm 2017. Làm được như thế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ không chỉ đạt 6,7%, mà sẽ lên được 8-9% trong tương lai.