Một số chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng từ khi thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác BVMT, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác BVMT.
BVMT đang là một trong những vấn đề thách thức lớn của toàn cầu, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các nước trên thế giới. Xác định rõ tầm quan trọng của BVMT, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Trong nhiều năm qua, hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng về BVMT của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt.
Từ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX ban hành về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT… đến văn kiện các kỳ Đại hội Đảng IX, X, XI, XII và đặc biệt là Đại hội XIII đều đã khẳng định, lấy BVMT sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…
Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác BVMT, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác BVMT với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Có thể kể đến, Luật BVMT được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 17/11/2020 và có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật BVMT năm 2020, tập trung cải cách mạnh mẽ, cắt giảm 40% thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí thực hiện của doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường. Những điểm đổi mới căn bản của Luật BVMT năm 2020 gồm:
Thứ nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hiện hành; thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả mục tiêu cuối cùng, đặc biệt giảm thủ tục hành chính đối với các đối tượng thân thiện môi trường tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chuyển từ tiền kiếm sang hậu kiểm.
Thứ hai, lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào Luật BVMT nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường, trong đó đưa các chức năng quản lý nhà nước về BVMT nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về BVMT phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền, chuyên vai trò của nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Thứ ba, tiếp cận phương pháp quản lý khoa học dựa trên cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin quản lý liên thông các giai đoạn phát triển tử chủ trương, quy hoạch, xây dựng dự án, triển khai thực hiện đến hết vòng đời dự án.
Thứ tư, xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các bon trong quy hoạch, thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế xử lý chất thải, sản phẩm, bao bì, sản phẩm sau sử dụng. Hình thành các ngành kinh tế mới, như: đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường, hình thành thị trường phát thải.
Thứ năm, lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),... góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Theo quy định của Luật BVMT 2020, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề BVMT bao gồm các chính sách về việc thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; chính sách xây dựng văn hóa BVMT, chú trọng tuyên truyền, giáo dục về BVMT và các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; chính sách chú trọng BVMT khu dân cư, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; chính sách về việc đan dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho BVMT; chính sách phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; chính sách hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT và các chính sách về việc phát triển các dự án kinh tế – xã hội.
Trước Luật BVMT năm 2020, ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT”. Chỉ thị số 25/CT-TTg tiếp tục khẳng định, BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhân dân. Các địa phương khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động về BVMT. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về BVMT của các Bộ, ngành, địa phương…
Ngày 28/1/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BTNMT về Nghị định quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT. Nghị định có 7 chương, 24 điều, trong đó bãi bỏ một số điều, quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT
Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTNMT ngày 25/10/2019: Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu. Nghị định có 9 chương, 66 điều, trong đó quy định về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; BVMT trong nhập khẩu phế liệu…
Nghị định nêu rõ, nguyên tắc chung về quản lý chất thải như: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật BVMT…
Tựu chung, môi trường là vấn đề đáng quan tâm của toàn thế giới trong đó có cả Việt Nam. BVMT là vấn đề sống còn của đất nước, là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, hòa bình và tiến bộ xã hội, chính vì vậy BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững. Nhiệm vụ BVMT luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng từ khi thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng ngày càng hoàn thiện về hoạt động BVMT.