Một số giải pháp hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta


Thời gian gần đây, tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm chân chính, mà còn tạo ra nhiều vấn nạn và hệ lụy cho xã hội.

Người lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.

Ngày 1/1/2009, quy định về bảo hiểm thất nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành và trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và quay lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đây là những hành vi cố tình gian dối, lừa đảo có thể có chủ ý ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng bảo hiểm, nhằm chiếm đoạt tiền từ quỹ bảo hiểm mà đáng lý họ không được hưởng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm chân chính, mà còn tạo ra nhiều vấn nạn và hệ lụy cho xã hội.

“Kẽ hở” để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong ba năm (từ năm 2020 đến năm 2022), đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường lao động, việc làm. Nhiều người lao động bị mất việc do các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, khiến số người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong những năm qua gia tăng một cách bất thường ngoài lý do khó khăn về kinh tế, còn có hiện tượng lợi dụng sự lỏng lẻo trong một số quy định của pháp luật để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. 

Theo Điều 57, Luật Việc làm năm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định, người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách nhà nước bảo đảm. Như vậy, người lao động chỉ cần đóng đủ từ 12 - 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Đơn cử, người lao động có mức lương 2 triệu đồng/tháng phải đóng 24.000 đồng/năm tiền bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp đóng 24.000 đồng/năm. Nếu bị mất việc, nghỉ việc, doanh nghiệp không phải trả trợ cấp nửa tháng lương/năm (1 triệu đồng) và người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp 3 tháng x 60% lương (tương đương với 3,6 triệu đồng). Do mức đóng rất thấp nên nhiều người lao động dù không thất nghiệp vẫn đăng ký để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và rõ ràng, cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Hơn nữa, có trường hợp, người lao động dù đã chấm dứt việc làm ở doanh nghiệp này, một thời gian ngắn sau lại tiếp tục trở lại doanh nghiệp đó làm việc hoặc làm việc tại doanh nghiệp khác nhưng vẫn được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp. Cách làm này vô hình trung đã tạo “kẽ hở” để một số người lao động và doanh nghiệp thực hiện hành vi trục lợi. Số lượng thất nghiệp “ảo” cũng vì đó mà tăng lên theo cấp số nhân.

Có nhiều trường hợp, người lao động và doanh nghiệp “bắt tay” với nhau để đưa ra quyết định nghỉ việc nhằm để cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng trên thực tế người đó vẫn làm việc, hưởng lương bình thường. Như thế, doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, còn người lao động vẫn được hưởng lương và trợ cấp thất nghiệp. Trong khi người thất nghiệp thực sự tại các doanh nghiệp bị phá sản, thường xuyên nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ.

Hậu quả khi bảo hiểm thất nghiệp bị trục lợi

Do tính chất đặc thù, bảo hiểm thất nghiệp khi tổ chức triển khai cần có sự điều phối hợp lý giữa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội (thu phí và chi trả trợ cấp) và hệ thống quản lý việc làm (theo dõi, quản lý cũng như hỗ trợ người lao động) nên một số doanh nghiệp và người lao động lợi dụng các lỗ hổng luật pháp để trục lợi. Dưới góc độ tài chính, bảo hiểm thất nghiệp sẽ gặp nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp giống như các loại quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã từng gặp phải. Nếu không thực hiện tốt cơ chế quản lý tài chính, quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể rơi vào trạng thái bội chi lớn và tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Những người lao động cùng tham gia hệ thống bảo hiểm thất nghiệp nhằm thụ hưởng một khoản tài chính khi mất việc với suy nghĩ, cơ hội của họ là ngang bằng nhau, nhưng với những trường hợp trục lợi, họ đã cố tình tự tạo cho mình nhiều quyền lợi hơn những người còn lại trong cùng hệ thống. Hành vi trục lợi dù vô tình hay cố ý đều dẫn đến một hệ lụy xấu trong ứng xử đạo đức xã hội. Những người trục lợi, vô hình trung đã tạo ra hiệu ứng dây truyền, khi người này tham lam và dễ dàng trục lợi được thì người khác cũng sẽ bắt chước làm theo. Với những người lao động tham gia hệ thống bảo hiểm thất nghiệp có lòng tự trọng và thực hiện đúng theo công bằng xã hội, họ sẽ cảm thấy thiệt thòi và rất bất công với những hành vi sai trái này.

Ngoài ra, với việc hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tăng trưởng cả về số lượng và quy mô, người nước ngoài tham gia thị trường lao động Việt Nam ngày càng nhiều, cả làm chủ và làm công ăn lương. Trong bối cảnh đó, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp đã để lại một hình ảnh xấu trong mắt các doanh nghiệp, doanh nhân quốc tế.

Giải pháp nhằm hạn chế trục lợi đối với chính sách trợ cấp thất nghiệp hiện hành

Để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung một số quy phạm pháp luật.

Thứ nhất, cần sửa chế độ trợ cấp thất nghiệp trả theo ngày. Hiện nay, việc tính toán chế độ hưởng đã được tối ưu hoá bằng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hằng ngày nên hạn chế hầu hết sai sót trong cách tính, tổng thời gian hưởng (số ngày người lao động được hưởng) sẽ được phần mềm tự đếm theo lịch và ấn định ngày cuối cùng chấm dứt hưởng. Theo đó, việc chi trả hằng tháng cũng sẽ dễ dàng được thực hiện. Việc sửa chế độ trợ cấp thất nghiệp trả theo ngày còn là biện pháp khẩn cấp “vá lổ hổng” pháp luật (xảy ra tình trạng vẫn còn trùng lặp 1 tháng cuối cùng vừa đóng vừa hưởng do bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn được chi trả theo khoản 4, Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, ngày 12/3/2015, của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, trong khi người lao động đi làm trở lại vào cuối tháng và đã được người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho nguyên tháng đó). Vì vậy, đối với khoản 4, Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ nên được sửa thành “Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay ngày quyết định chấm dứt hưởng có hiệu lực”. Bên cạnh đó, việc sửa chế độ trợ cấp thất nghiệp trả theo ngày sẽ giúp cho pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam tiệm cận với pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, cần bổ sung quy phạm “xác định lỗi mất việc do người lao động và lỗi mất việc do người sử dụng lao động” để từ đó quy định thành hai chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp khác nhau. Nếu mất việc do lỗi của người lao động như tự ý bỏ việc, chuyển việc, kết hôn, bị bệnh hoặc vi phạm kỷ luật… thì chế độ hưởng chỉ bằng từ 2/3 - 3/4 so với chế độ hưởng vì mất việc do lỗi của người sử dụng lao động như công ty bị phá sản, bị cho nghỉ việc do cơ cấu lại công ty, thay đổi phương châm kinh doanh… Điều này sẽ hạn chế phần nào tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp bằng cách nghỉ việc do ý thích của người lao động hoặc tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp bằng cách cứ làm đủ 12 tháng là nghỉ hưởng 3 tháng. Việc “xác định lỗi mất việc do người lao động và lỗi mất việc do người sử dụng lao động” không làm phát sinh thêm chi phí, nhân công do hiện nay việc tính chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động mất việc đã cơ bản được số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý tính toán thay sức người, nên từ phần mềm xuất ra được ngay “con số” chế độ trợ cấp thất nghiệp mà người lao động sẽ được hưởng bảo đảm nhanh và chính xác. Việc “xác định lỗi mất việc do người lao động và lỗi mất việc do người sử dụng lao động” cũng khó làm phát sinh tiêu cực trong nội bộ quy trình thẩm định và tính hưởng (e ngại là sẽ xảy ra người thẩm định thông đồng với người lao động thất nghiệp xác định lỗi sai để được hưởng chế độ cao hơn), vì trong thực tế quy trình tiếp nhận và thẩm định, tính hưởng phải qua hai lần kiểm soát: lần đầu là của nhân viên trung tâm dịch vụ việc làm, lần hai là của nhân viên cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh.

Thứ ba, cần xem xét việc sửa đổi khoản 2, Điều 50, Luật Việc làm năm 2013 quy định về việc người lao động “tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 12 đến 36 tháng nếu bị thất nghiệp sẽ được tính hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, thành “người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở đi, nếu thất nghiệp được tính hưởng và thời gian hưởng được tính theo công thức sau:

Số ngày hưởng  =  Số tháng tham gia thực tế (từ 12 tháng trở lên)  x 30 ngày                                                                          12 tháng 

Cùng với đó, tại Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, ngoài việc quy định người lao động chỉ cần nộp các loại giấy tờ gồm: “Thông báo chấm dứt hợp đồng hoặc quyết định cho thôi việc; sổ bảo hiểm xã hội; chứng minh nhân dân” là đủ điều kiện đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, cần bổ sung thêm bảng phỏng vấn (lưu hồ sơ - hoặc lưu trên phần mềm máy tính để sau này truy xuất và đối chiếu dễ dàng khi người lao động trình diện) về lý do mất việc; về nhu cầu công việc mới, nhu cầu học nghề; về chứng minh khả năng đáp ứng công việc mới; về tính sẵn sàng quay lại thị trường lao động... trong thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, đồng thời phù hợp với kiến nghị bổ sung quy phạm “xác định lỗi mất việc do người lao động và lỗi mất việc do người sử dụng lao động”.

Thứ tư, cần rút ngắn thời gian thực hiện quy trình đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ xuống còn 15 ngày. Bởi trên thực tế, cùng với 20 ngày thực hiện quy trình (bao gồm cả 15 ngày chờ, kể từ ngày nộp đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp theo luật định) là người lao động đã có hơn 1 tháng để tìm kiếm việc làm mới. Trong khi Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP cho phép “3 tháng sau khi có quyết định nghỉ việc, người lao động vẫn còn được đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp”, với mục đích dành quãng thời gian này cho người lao động tự tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp. Tuy nhiên, vô hình trung, quy phạm này hợp với khoảng thời gian mất thêm 20 ngày để cơ quan chức năng tiếp nhận giải quyết hồ sơ, kéo dài ra thành người lao động sẽ có gần 4 tháng để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chính trong thời gian này, rất nhiều người lao động đã tìm được việc làm mới và họ cũng không tự giác khai báo với cơ quan có thẩm quyền.

Thứ năm, cần xem xét, sửa Điều 4, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, nâng mức “hỗ trợ học nghề và mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” cao hơn mức quy định hiện hành nhằm khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động cùng quan tâm, nâng cao tay nghề cho người lao động theo kịp với sự phát triển khoa học - kỹ thuật trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Đồng thời, để bù trượt giá hằng năm do lạm phát, mức quy định trong quy phạm là 1.000.000 đồng/người/tháng đã thực hiện 10 năm không đổi, do vậy, cần đề xuất quy định mức hỗ trợ theo tỷ lệ so với lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng ½ lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Khi đó, lương tối thiểu vùng tăng lên thì mức hỗ trợ cũng được điều chỉnh tăng theo.

Thứ sáu, đối với các luật khác có liên quan, đề xuất có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa đối với các Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong quy định xử lý doanh nghiệp trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc bóc tách trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân là rõ ràng. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214, Điều 215) không áp dụng đối với pháp nhân, mà chỉ áp dụng đối với cá nhân. Ngược lại, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 216 áp dụng cả với pháp nhân và cá nhân. Với pháp nhân, mức phạt tiền từ 200 triệu đồng trong trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 50 triệu đồng, phạt 3 tỷ đồng với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội trên 1 tỷ đồng. Số tiền phạt cao hơn số tiền doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội bị phát hiện, thật sự là mức phạt có tính răn đe. Khó khăn chỉ thực sự xảy ra khi điều tra, thẩm định để kết luận, xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà lại gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để trốn đóng.

Thực tế, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chỉ mới cố gắng lo được khoản lương cho người lao động và chưa có tiền nộp bảo hiểm xã hội. Với thực trạng nợ bảo hiểm xã hội nhiều như hiện nay, để phân biệt có sự “gian dối” hay không (hay đơn thuần là nợ vì khó khăn khách quan) quả thật không dễ. Nếu có người làm giả giấy tờ, hồ sơ để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, thì động cơ vụ lợi là vì mục đích riêng, sự gian dối dễ được chứng minh. Còn việc dây dưa nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội có thể vì khó khăn chung - và vì lợi ích chung của doanh nghiệp, chứ không riêng cá nhân nào - trong bối cảnh doanh nghiệp hiện nay chịu nhiều áp lực bởi thuế, bảo hiểm xã hội, các chi phí không chính thức… Như vậy, ranh giới giữa nợ bảo hiểm xã hội vì khó khăn khách quan và trốn đóng bảo hiểm xã hội vì gian dối (để quy vào phạm tội hình sự) đang khá mong manh. Do đó, cần có hướng dẫn chi tiết hơn nữa từ các bộ, ngành có liên quan để điều tra, thẩm định, kết luận và xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian dối nhằm trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015./.

Theo TS. Hoàng Xuân Trường/tapchicongsan.org.vn