Một số giải pháp tăng cường hoạt động xuất, nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc
Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất và là đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch giữa 2 nước đạt trên 100 tỷ USD và thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian gần đây như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, dịch bệnh Covid-19… đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của hai nước.
Bài viết trao đổi về hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc thời gian tới.
Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2011-2018, xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21,7%/năm, từ mức 11,12 tỷ USD năm 2011 lên mức 41,268 tỷ USD năm 2018. Thực tế cho thấy, trong lịch sử quan hệ ngoại thương của Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD (năm 2018). Cụ thể, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,268 tỷ USD tăng 5,864 tỷ USD so với năm 2017, với tốc độ tăng trưởng 16,6%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này là 65,438 tỷ USD tăng 6,846 tỷ USD, tương đương tăng trưởng gần 11,7%. Như vậy, tổng quy mô kim ngạch thương mại của 2 nước đạt 106,706 tỷ USD, tăng 12,71 tỷ USD so với năm 2017.
Trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa các loại của Việt Nam sang quốc gia láng giềng này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam Nam sang Trung Quốc đạt 116,866 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 41,414 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỷ USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng thêm hơn 10 tỷ USD (năm 2018 là 106,706 tỷ USD). Như vậy, thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2019, trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Đồng thời, trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam thì Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất...
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, songtrước những diễn biến thời gian qua, đặc biệt là tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và dịch bệnh bùng phát triển quy mô toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam – Trung Quốc dự báo sẽ có nhiều ảnh hưởng theo hướng bất lợi. Những hành động đáp trả của hai cường quốc thế giới đồng thời là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc nói riêng. Kết quả phân tích định lượng từ mô hình kinh tế lượng toàn cầu mới đây của Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) cho thấy, với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động mạnh, mức tác động tăng dần đến đỉnh điểm là giai đoạn 2020-2022, sau đó giảm dần. Xuất khẩu có thể giảm 0,74% vào năm 2020, trong khi đó nhập khẩu có thể giảm 0,74% vào năm 2020 và gần 1% vào giai đoạn 2021-2022. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại tới kinh tế Việt Nam sẽ còn lớn hơn trong kịch bản Mỹ đánh thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh chắc chắn còn sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu trong một vài năm tới. Điều này khiến cho tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước cũng sẽ có nhiều diễn biến mới khi mà các chính quyền hai bên sẽ siết chặt các hoạt động kiểm tra dịch bệnh. Bên cạnh đó, các DN cũng phải mất một khoảng thời gian để có thể ổn định lại sau những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 5,48 tỷ USD, tăng 17,4% so cùng kỳ với năm 2019, chiếm 14,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu của Trung Quốc đạt 9,29 tỷ USD, giảm 7,0% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 24,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Giải pháp tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu
Tiếp tục tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Giải pháp chung
- Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN; Tăng cường dịch vụ công trực tuyến, triển khai cơ chế một cửa quốc gia.
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế.
- Trao đổi, phối hợp công tác, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh nhưng cũng bảo đảm không gây gián đoạn quá mức cần thiết cho hoạt động thương mại giữa hai bên. Các cơ quan ngoại vụ, hải quan cửa khẩu, kiểm dịch y tế, kiểm tra di dân, bộ đội biên phòng…của hai bên cùng tham gia nhằm tăng cường hợp tác hai bên trong chia sẻ thông tin, phối hợp chính sách, xử lý vụ việc đột xuất trong phòng chống dịch.
- Cung cấp thông tin tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho DN liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Đối với hoạt động xuất khẩu
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và phương thức quản trị tiên tiến theo các hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
- Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các DN đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa; Phối hợp với các Vụ thị trường ngoài nước đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở từng địa phương của Trung Quốc để có chiến lược tập trung vào một số hàng hóa xuất khẩu chính.
Năm 2019, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam Nam sang Trung Quốc đạt 116,866 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 41,414 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỷ USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng thêm hơn 10 tỷ USD (năm 2018 là 106,706 tỷ USD).
- Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất, quy hoạch đối với các mặt hàng nông, thủy sản gắn với thị trường nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc. Thực tế thời gian qua và dự báo tới đây cho thấy, các mặt hàng nông, thủy sản vẫn sẽ được Trung Quốc chú trọng nhập khẩu.
- Triển khai các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng sản xuất có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
- Tăng cường công tác thông tin thị trường để tạo điều kiện cho các DN khai thác tốt cơ hội xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng và các thị trường ngách để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường hỗ trợ DN.
- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở (điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông vận tải); phát triển dịch vụ logistics, đưa hàng hóa xuất khẩu tới các tỉnh, thành lớn của Trung Quốc với chi phí và thời gian tiết kiệm nhất.
Đối với hoạt động nhập khẩu
- Hỗ trợ tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; Hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, các DN kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu.
- Nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các DN vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.
- Theo dõi sát tình hình nhập khẩu, phát hiện những mặt hàng gia tăng đột biến và làm rõ nguyên nhân, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện những biện pháp kịp thời nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát phù hợp với cam kết quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Công Thương (2020), Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19;
Bộ Công Thương (2017), Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Tổng cục Hải quan (2020), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 2 và 2 tháng từ đầu năm 2020;
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2019 đạt gần 117 tỷ USD, truy cập từ: http://vinanet.vn/thuong-mai-cha/kim-ngach-xuat-khau-hang-hoa-sang-hong-kong-tq-dat-hon-7-ty-usd-724503.html;
Hoàng Thị Thúy (2019),Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 10/2019.