Giải pháp phát triển doanh nghiệp kinh doanh logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long


Việc tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế đã và đang mở ra cơ hội gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước nói chung, của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Bên cạnh những cơ hội, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại những thách thức đối với khả năng quản lý của những doanh nghiệp logistics, cần thiết phải điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho phù hợp với xu hướng mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết nghiên cứu những thuận lợi, khó khăn và khả năng phát triển của doanh nghiệp logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó, đưa ra đề xuất giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại khu vực này.

Phát triển doanh nghiệp kinh doanh logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hầu như đều xuất phát từ các đại lý giao nhận truyền thống. Dù ở vị trí thuận lợi về giao thông nhưng các DN logistics tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chưa trở thành người tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics. Để phát triển DN logistics ĐBSCL cần nhìn nhận, đánh giá khách quan những cơ hội, thách thức qua đó đưa ra các giải pháp hữu ích.

Thuận lợi

Việc tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế đã và đang mở ra cơ hội gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước nói chung, của ĐBSCL nói riêng. Phát huy lợi thế, phát triển đa dạng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch, trong những năm qua, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng lân cận.

Đồng thời, đã có nhiều mô hình liên kết ra đời như: Liên kết nông dân với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã; Liên kết nông dân với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa; Thực hiện liên kết xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; Liên kết trong nghiên cứu, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm...

Điều này khiến nhu cầu về dịch vụ logistics ngày càng tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng và chủng loại dịch vụ, nhất là trong điều kiện Việt Nam gia nhập WTO và kinh doanh quốc tế phát triển mạnh. Cùng với đó, kinh tế vùng ĐBSCL cũng phát triển với tốc độ ổn định và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản liên quan về cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên kết vùng, gắn với triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu... Đây chính là những điều kiện thuận lợi quan trọng thúc đẩy các DN logistics ĐBSCL phát triển.

Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thực tiễn phát triển cho thấy, DN logistics ĐBSCL đang gặp không ít khó khăn như:

- Cơ chế, chính sách liên quan đến dịch vụ cảng biển hiện nay được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực cụ thể sau: (i) Từ Điều 233 đến Điều 240 Luật Thương mại 2005; (ii) Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh dịch vụ cảng biển và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ cảng biển.

- Các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh dịch vụ cảng như: Bộ luật Dân sự 2005; Luật Doanh nghiệp 2014; Luật Đầu tư 2014, Luật Cạnh tranh 2004, Luật Hải quan 2014 và các quy định chuyên ngành khác. Tuy nhiên, hiện tại vẫn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các DN cung cấp dịch vụ hàng hải tại vùng ĐBSCL mạnh dạn đầu tư phát triển để tăng cường khả năng kết nối trong vận tải đường thủy nội địa…

Bảng 1: Tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần của một số công ty logistics

 

 

2015

2016

2017

Cảng An Giang

0,09

0,07

0,02

Phước Tạo

0,01

-0,22

 

Cảng Vĩnh Long

0,06

0,05

-0,04

Cảng Cần Thơ

0,04

0,05

0,01

Thời Gian Vàng

-1,11

0,01

0,03

Green Leaf VN

0,07

1,13

0,47

Phượng Hoàng

-0,13

0,11

 

Kiến Đô

-0,01

-0,01

 

Lâm Bảo

0,05

0,04

 

 

- Hoạt động logistics ĐBSCL chưa xác lập được liên kết ngành, thiếu hợp tác để bổ sung các lợi thế cho nhau, chưa có một hiệp hội logistics đúng nghĩa; Năng lực cạnh tranh về giá cả dịch vụ với các đối thủ chưa cao, giá dịch vụ giảm hoặc không tăng, nhưng chi phí ngày càng tăng và chất lượng dịch vụ đòi hỏi liên tục cải thiện.

- Tầm phủ của DN logistics ĐBSCL chỉ mới trong phạm vi nội địa và một vài nước trong khu vực. Đây là một trong những cản trở khi DN chào hàng các dịch vụ trọn gói cho khách hàng, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, chủ hàng thường có xu hướng thuê ngoài từ rất nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

- Chưa phát triển các trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại; gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác của các vùng trong khu vực, cả nước và từng bước hội nhập vào thị trường dịch vụ logistics trên thế giới.

- Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý chưa được đầu tư; sản phẩm chất lượng còn thấp; thiết bị sản xuất cũ kỹ, công nghệ lạc hậu nên năng suất kém và giá thành cao, chưa minh bạch về tài chính… Chưa có các tiện ích và tương tác mà khách hàng rất cần như công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi lịch trình tàu, theo dõi chứng từ...

- Các DN logistics ĐBSCL mới chỉ ứng dụng công nghệ thông tin một cách tự phát và thiếu chiến lược dài hạn. Do đó, muốn trở thành một nhà cung ứng dịch vụ logistics hiện đại cần đầu tư triển khai ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất.

- Các DN logistics ĐBSCL có nhu cầu vốn lớn để đầu tư trang thiết bị, hệ thống kho bãi, phương tiện vận tải, kể cả vốn đầu tư dành cho công nghệ thông tin nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh là một vấn đề lớn đặt ra.

- Lĩnh vực kinh doanh logistics tương đối mới ở Việt Nam nên nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics tại khu vực còn thiếu trầm trọng và chưa đồng bộ. Hiện nay, đang rất khan hiếm cử nhân chuyên ngành logistics, quản trị chuỗi cung ứng (tiếng Anh giỏi, hiểu luật pháp quốc tế, thông thạo nghiệp vụ, am hiểu về kinh doanh quốc tế…).

- Quy mô vốn tự có của các DN đều rất nhỏ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn thấp, phân bổ nguồn vốn chủ yếu cho tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn. Do vậy, tiềm lực tài chính của DN không đủ sức tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có chất lượng và hiệu quả cao, đặc biệt đối với những DN muốn mở rộng, phát triển quy mô hoạt động và đổi mới, nâng cao chất lượng thiết bị công nghệ, đầu tư một cách tổng thể để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Giải pháp phát triển doanh nghiệp logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long

Qua thực trạng hoạt động của các DN kinh doanh logistics tại ĐBSCL nêu trên, tác giả đề xuất một số  một số giải pháp nhằm phát triển DN ngành logistics ĐBSCL như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về logistics. Hoàn thiện khung chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP); Xây dựng ban hành Luật PPP nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển ngành công nghiệp logistics; Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong nhóm đang phát triển nhưng có chỉ số cạnh tranh PCI cao; Tạo điều kiện thuận lợi và định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư ODA cao hơn cho các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Thứ hai, phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề: Các hiệp hội cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của mình trong việc tham gia đề xuất các giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý. Đồng thời, làm tốt vai trò cầu nối với Nhà nước, quan hệ đối ngoại để hội nhập khu vực và quốc tế.

Thứ ba, đẩy mạnh  hợp tác cạnh tranh và liên kết vùng đối với ngành Logistics. Liên kết vùng được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và định hướng ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn.

Ðiều này đòi hỏi các tỉnh, thành phố trong khu vực hợp tác và liên kết lại để có tiếng nói chung. Ðây là chiến lược quan trọng, nhằm khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ÐBSCL, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà các địa phương có lợi thế nhằm tạo động lực phát triển chung cho toàn vùng ĐBSCL.

Thứ tư, phát triển hệ thống logistics. Cụ thể là đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các công ty logistics nước ngoài để chuyển giao công nghệ, tích lũy kinh nghiệm, tích lũy vốn; Xây dựng các trung tâm phân phối hàng hóa hiện đại cũng là một hướng phát triển tốt.

Khuyến khích áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các DN thuộc mọi thành phần, khuyến khích việc thuê ngoài logistics, điều chỉnh và bổ sung luật, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển hoạt động dịch vụ logistics; Tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng logistics trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL; Ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, khai thác vận tải và xây dựng công trình giao thông.

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách đầu tư phát triển E-logistics, khuyến khích sử dụng các hệ thống thông tin chuyên dụng trong logistics, hệ thống trao đổi dữ liệu EDI… cùng với thương mại điện tử.

Thứ năm, hỗ trợ các DN logistics về vốn, thu hút đầu tư, ưu đãi thuế, cho vay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ: Công Thương, Tài chính, các địa phương, DN… để triển khai xây dựng và khai thác các tập đoàn logistics, trung tâm logistics. Đẩy mạnh việc tiếp cận vốn của các DN logistics ĐBSCL với ngân hàng.

Bên cạnh đó, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thống nhất chủ trương với các nhà tài trợ về sử dụng vốn ODA chủ yếu để tham gia vào các dự án lớn tại ĐBSCL; Dành một phần vốn trái phiếu chính phủ cho phát triển giao thông nông thôn theo định hướng của Chính phủ.

Thứ sáu, tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng giao thông; Ưu tiên cho khai thác các dịch vụ liên quan dọc tuyến đường bộ (trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm cân xe, quảng cáo, các công trình khác...).

Đồng thời, ban hành chính sách cụ thể nhằm đa dạng hóa các loại hình thu hút và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL từ các nguồn thu khác như: Thu phí lưu hành phương tiện (đấu giá biển số, xăng dầu, bến bãi…); thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu kết hợp với nạo vét thanh thải luồng tàu; thu từ phần kinh phí qua việc thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển nhượng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước sử dụng không hiệu quả…

Thứ bảy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ; Ban hành chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận tải.

Cùng với đó, các DN giao nhận vận tải Việt Nam khu vực cho ĐBSCL cần quan tâm, chú trọng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành logistics; Đầu tư tuyển dụng nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật và nghiên cứu phát triển kinh doanh ngành logistics, đây cũng là một nhân tố quan trọng làm lên sự khác biệt và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường.

(Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Bộ Công Thương trong đề tài mã số: ĐTKHCN 058/18).

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công Thương (2017), Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 – Logistics: Từ kế hoạch đến hành động, NXB Công Thương;
  2. Vitic (2017), Báo cáo: Khung pháp lý với hoạt động logistics Việt Nam- Hành trình đổi mới, http://www.logistics.gov.vn/nghien-cuudao-tao/bao-cao-khung-phap-ly-voi-hoat-dong-logistics-viet-nam-hanh-trinh-doi-moi;
  3. Munim, J. H & Schramm. H. J. (2018),  The impacts of port infrastructure and logistics performance on economic growth: The mediating role of seaborne trade, Journal of Shipping and Trade, DOI 10.1186/s41072-018-0027-0;
  4. Sitharam, S., & Hoque, M.  (2016), Factors affecting the performance of small and medium enterprises in KwaZulu-Natal, South Africa. Problems and Perspectives in Management (open-access), 14(2-2).