Một số giải pháp thúc đẩy tín dụng trong năm 2014

Hoàng Thế Thỏa

(Tài chính) Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu, sau đó mới đến lãi suất và những vấn đề khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau kỳ nghỉ Tết Giáp ngọ, lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu tăng mạnh, đây là hiện tượng bình thường như những năm trước đây. Tuy nhiên, lượng tiền gửi tăng mạnh và giá cả hàng hóa sau Tết hạ nhiệt trở lại đang tạo ra kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 1-2% như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% cũng gây áp lực buộc các TCTD phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh cho vay ra. Trong khi đó, tỉ lệ nợ xấu có nguy cơ tăng cao sau ngày 01/6/2014 tới đây, khi các TCTD phải áp dụng Thông tư số 02/2013/TT-NHNN. Với mặt bằng lãi suất giảm mạnh trong hai năm qua và lợi nhuận suy giảm mạnh, các TCTD khá dè dặt trước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì thế, để đảm bảo an toàn hệ thống và tính thanh khoản của các TCTD, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm lãi suất huy động xuống dưới mức lạm phát mục tiêu 7%.

Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tái cơ cấu để có thể tồn tại và các TCTD đều sẵn sàng cho vay với lãi suất rất thấp. Tuy nhiên, sức mua của nền kinh tế quá trầm lắng đang cản trở doanh nghiệp trong việc mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này có thể thấy rõ qua kết quả giải ngân chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỉ đồng, mà nguyên nhân cơ bản là thị trường bất động sản chưa phục hồi trở lại. Các hoạt động kinh tế và tín dụng đều trông chờ chủ yếu vào tín hiệu từ thị trường này, và vấn đề này đã được bàn luận nhiều trong những ngày đầu năm Giáp Ngọ, với mục tiêu cơ bản đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình tín dụng này. 

Nói ngắn gọn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu, sau đó mới đến lãi suất và những vấn đề khác. Bên cạnh những nỗ lực của NHNN, cần có sự tham gia và hỗ trợ của một số bộ, ngành khác, kể cả trong việc kích cầu đầu tư vào những công trình thiết yếu khác, qua đó làm tăng chi tiêu và nhu cầu sức mua của nền kinh tế, tạo ra vòng tuần hoàn tác động trở lại đến tăng trưởng kinh tế.

Trong lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh Chỉ thị 01/2014/CT-NHNN, NHNN đã đưa ra lộ trình giảm số lượng ngân hàng xuống khoảng 15 TCTD vào năm 2017, góp phần giảm tình trạng sở hữu chéo vốn đang cản trở hiệu quả giải quyết nợ xấu và các nỗ lực chính sách. Để làm được việc này, NHNN đang tiếp tục đưa ra các biện pháp tăng cường tính minh bạch của các giao dịch tiền tệ cũng như các biện pháp thanh tra giám sát hoạt động kinh doanh, rà soát lại cơ cấu chủ sở hữu tại các TCTD. Yêu cầu minh bạch hóa thông tin cũng là đòi hỏi của nhà đầu tư nước ngoài, khi họ muốn tham gia góp vốn vào các TCTD Việt Nam.