Một số rủi ro đối với ổn định tài chính toàn cầu và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Nguyễn Thị Hải Bình, Lê Hồng Vân - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Thời gian qua, nền kinh tế - tài chính thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt sau sự kiện một số ngân hàng trên thế giới bị đổ vỡ, phá sản đã làm tăng nguy cơ rủi ro đối với ổn định tài chính toàn cầu. Bài viết nhận diện các yếu tố tác động, dấu hiệu rủi ro đối với ổn định tài chính toàn cầu và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Các yếu tố tác động đến ổn định tài chính toàn cầu

Thời gian qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và một số tổ chức quốc tế khác lên tiếng cảnh báo rủi ro đối với ổn định tài chính toàn cầu đã tăng lên, bị chi phối bởi các nhân tố sau:

Lạm phát cao và kéo dài khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc đảo chiều chính sách tiền tệ (CSTT): Trong thời gian qua, hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối diện với bài toán lạm phát. Mặc dù gần đây giá cả hàng hóa đã được điều chỉnh, lạm phát đã có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến. Lạm phát lõi vẫn ở mức cao ở hầu hết các khu vực và thị trường lao động vẫn đang bị thắt chặt. Xu hướng này có thể kéo dài đến cuối năm 2024 hoặc sang năm 2025. Lạm phát cao đã khiến các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục chính sách nâng lãi suất trong nửa đầu năm 2023. Các bất ổn gần đây trên thị trường tài chính đang gây áp lực lên các ngân hàng trung ương (NHTW) trong việc lựa chọn CSTT, tuy nhiên, nhiều NHTW đã nhấn mạnh về tính độc lập của CSTT với mục tiêu ổn định giá cả và các công cụ khác để đảm bảo ổn định tài chính.

Căng thẳng địa chính trị và hệ lụy là sự phân mảnh tài chính thế giới sẽ làm tăng rủi ro về ổn định tài chính: Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được cải thiện, xung đột Nga-Ukrania vẫn tiếp diễn cùng các bất ổn tại khu vực Trung Đông, Nam Mỹ… căng thẳng địa chính trị vẫn có xu hướng leo thang, dẫn đến tình trạng phân mảnh kinh tế - tài chính toàn cầu theo các khối địa chính trị ngày càng rõ nét. Điều này có thể dẫn đến bất ổn tài chính thông qua việc đảo ngược đột ngột quan hệ dòng vốn xuyên biên giới; gây khó khăn cho hoạt động thanh toán quốc tế và làm suy giảm giá tài sản, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị còn có thể tác động gián tiếp đến ổn định tài chính thông qua các hạn chế đối với thương mại quốc tế và chuyển giao công nghệ cũng như sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và thị trường hàng hóa, qua đó có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản và khả năng sinh lời của các tập đoàn phi tài chính, tạo ra rủi ro tín dụng cho các ngân hàng và làm suy yếu sự ổn định tài chính vĩ mô.

Sự phục hồi chưa chắc chắn và không đồng đều của kinh tế toàn cầu khiến rủi ro tài chính gia tăng: Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn yếu. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế-IMF (tháng 4/2023), tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống 2,8% trong năm 2023, thấp hơn so với mức 3,4% của năm 2022, trong đó các nền kinh tế phát triển giảm tốc khá mạnh từ mức 2,7% năm 2022 xuống còn 1,3% năm 2023 (kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%; khu vực đồng Euro tăng trưởng 0,8%; Anh suy thoái -0,3%), còn các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi giảm nhẹ từ 4,0% năm 2022 xuống còn 3,9% năm 2023. Các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới-WB, IMF…) cũng đưa ra những đánh giá không tích cực về tăng trưởng toàn cầu trung và dài hạn, nhấn mạnh kinh tế thế giới phải đối mặt với một giai đoạn rất khó khăn trong thời gian tới.

Các rủi ro liên quan đến khí hậu, rủi ro an ninh mạng đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn: (i) Các vụ việc từ biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra với tần suất cao và mức độ nghiêm trọng hơn trước, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu, tác động trực tiếp đến các trung gian tài chính thông qua kênh rủi ro vật chất khi tiếp xúc với các ngành bị ảnh hưởng, hoặc thông qua các rủi ro trong quá trình chuyển đổi áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời làm tăng khả năng chuyển đổi đột ngột sang nền kinh tế các-bon thấp, có thể dẫn đến những cú sốc đối với cả hệ thống tài chính; (ii) Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế và lĩnh vực tài chính nhưng cũng làm gia tăng đáng kể rủi ro an ninh mạng, trong đó lĩnh vực tài chính – ngân hàng bị tấn công mạng thường xuyên hơn hầu hết các lĩnh vực khác do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính, thị trường tiền số và các loại hình dịch vụ tài chính mới. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát gần đây của IMF đối với 51 quốc gia, hầu hết các cơ quan giám sát tài chính trong các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi chưa đưa ra các quy định về an ninh mạng hoặc xây dựng các nguồn lực để thực thi.

Các dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu đang gia tăng

Hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro: Bất ổn gần đây của một số ngân hàng như SVB, Silvergate, Signature, Credit Suisse vào tháng 3/2023… đã bộc lộ các hạn chế của hệ thống ngân hàng, đến từ rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản gia tăng khi chuyển từ môi trường lãi suất thấp sang lãi suất cao, cũng như xu hướng tập trung đầu tư, cho vay vào một tệp khách hàng nhất định và các lỗ hổng về mặt quản trị... Mặc dù các NHTW đã phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn hậu quả nhưng tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định và tiếp tục bị ảnh hưởng sau vụ ngân hàng First Republic Bank sụp đổ vào cuối tháng 4/2023. Các sự kiện này đã khiến tiền gửi dịch chuyển ra khỏi các ngân hàng nhỏ và đổ vào các ngân hàng lớn hơn hoặc các quỹ thị trường tiền tệ, đồng thời gây suy giảm tín dụng trong thời gian tới, ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và hộ gia đình suy giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, các ngân hàng còn đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng, tỷ lệ nợ xấu cao làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay, ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của ngân hàng trong trung và dài hạn.

Nguy cơ từ các định chế tài chính phi ngân hàng (NBFIs): Mặc dù lĩnh vực ngân hàng là trung tâm của bất ổn tài chính gần đây, nhưng IMF và các NHTW lớn tại Mỹ, Anh đã đồng loạt cảnh báo rủi ro từ các định chế tài chính phi ngân hàng và tác động lan truyền qua lại giữa khu vực ngân hàng truyền thống và các định chế tài chính phi ngân hàng có thể gây hậu quả lớn cho hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu. Các định chế này đã tăng cường sử dụng đòn bẩy và công cụ phái sinh trong thời gian lãi suất thấp để tài trợ cho các tài sản kém thanh khoản. Sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngắn hạn trong khi đầu tư quá mức vào các tài sản này đã khiến các định chế tài chính phi ngân hàng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản cao khi thị trường có biến động. Các định chế tài chính phi ngân hàng cũng chịu nguy cơ tổn thất tín dụng đáng kể nếu một bộ phận khách hàng doanh nghiệp vỡ nợ trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Khả năng quản trị rủi ro của các định chế tài chính phi ngân hàng còn kém và các cơ quan chức năng bị hạn chế công cụ để giảm thiểu rủi ro lây lan. IMF đánh giá sự ổn định tài chính toàn cầu có thể phụ thuộc vào khả năng phục hồi của các định chế tài chính phi ngân hàng.

Rủi ro điều chỉnh giá tài sản: Các thị trường tài sản phát triển nóng trong thời gian dài dựa vào đòn bẩy, có tính chất đầu cơ, do chính sách tài khóa – tiền tệ nới lỏng, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Từ năm 2022, khi lạm phát tăng cao và điều kiện tài chính thắt chặt, tăng trưởng kinh tế bị suy giảm đã làm thị trường này bị điều chỉnh mạnh, bộc lộ nhiều rủi ro, tạo bất ổn trên thị trường tài chính. Tình trạng bán giải chấp và giảm giá tài sản đã diễn ra tại các thị trường chứng khoán và bất động sản toàn cầu; thị trường tiền ảo, tài sản mã hóa cũng lao dốc nhanh chóng. Thị trường mang tính đầu cơ như phái sinh, nơi hàng hoá cơ sở là nợ tín dụng, lãi suất, tỷ giá... cũng chịu tác động tiêu cực; có thể tạo ra các cú sốc về khả năng thanh toán. Trong môi trường lãi suất cao kéo dài và rủi ro đối với kinh tế thế giới gia tăng, các thị trường này sẽ khó hồi phục nhanh trong thời gian tới.

Bất ổn từ khu vực công: Nợ công/GDP giảm mạnh vào cuối năm 2022 (còn 92,1%) so với mức kỷ lục của năm 2020 (99,8%) do các quốc gia đã thắt chặt chính sách tài khóa/tiền tệ và kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại, tuy nhiên vẫn cao hơn khoảng 8 điểm % so với các dự đoán trước đại dịch COVID-19 và dự báo tỷ lệ này sẽ bắt đầu tăng trở lại từ năm 2023 và đạt 99,6% vào năm 2028. Lãi suất tăng cao đã tăng gánh nặng nợ cho nhiều quốc gia. Theo thống kê của IMF, khoảng 25% các nước mới nổi và 60% các nước có thu nhập thấp đang đang tiệm cận hoặc đã rơi vào trạng thái căng thẳng vì nợ. Mức nợ cao khiến các thị trường mới nổi khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế, trong khi các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các nước này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau 2 năm suy giảm do đại dịch và có dấu hiệu tiếp tục dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong điều kiện tài chính toàn cầu.

Thách thức đối với khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình: Các doanh nghiệp đối mặt với 2 trở ngại chính: (i) doanh thu giảm sút do biên lợi nhuận thu hẹp và (ii) các điều kiện cấp vốn chặt chẽ hơn, đặc biệt là từ các ngân hàng; trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn của việc suy giảm tín dụng do phụ thuộc vào nguồn vay vốn từ ngân hàng. Điều này sẽ gia tăng thách thức trong việc trả nợ, tạo làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp và rủi ro hạ xếp hạng, dẫn đến gia tăng mạnh chi phí huy động vốn và tác động tiêu cực đến các tổ chức tài chính có mức độ tiếp xúc cao với các doanh nghiệp này. Đối với khu vực hộ gia đình, lạm phát và lãi suất cao kéo dài cùng với thị trường lao động bất lợi, số lượng doanh nghiệp vỡ nợ gia tăng làm giảm thu nhập khả dụng, hạn chế tiêu dùng và khả năng tài chính để trả nợ. Tại nhiều nước, khoản vay bất động sản nhà ở chiếm phần lớn nợ của hộ gia đình dẫn đến xác suất vỡ nợ của đối tượng này tăng cao, làm tăng tổn thất tín dụng và nợ xấu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Phản ứng chính sách của các nước

Trước bối cảnh bất ổn tài chính đang gia tăng, các lỗ hổng tiềm ẩn của hệ thống tài chính có thể bùng phát thành một cuộc khủng hoảng mới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có những phản ứng chính sách kịp thời và đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Đối với các vụ đổ vỡ và khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ: NHTW 2 nước Mỹ và Thụy Sỹ đã phản ứng rất nhanh chóng để xử lý và khôi phục niềm tin của thị trường bằng nhiều biện pháp hỗ trợ như: bơm thanh khoản, khởi động chương trình cho vay khẩn cấp, đảm bảo cho tất cả các khoản tiền gửi, hoặc hỗ trợ mua lại bởi ngân hàng khác. Các NHTW nước khác (Canada, Anh, Nhật, châu Âu và Thụy Sỹ) đã phối hợp với nhau hành động nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường bằng đảm bảo cấp khoản vay cho hệ thống ngân hàng nếu cần thiết. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phối hợp với NHTW các nước này cung cấp kênh hoán đổi tiền tệ (currency swaps) để tăng nguồn cung USD.

Về CSTT: Theo IMF, lạm phát vẫn là vấn đề cần quan tâm hàng đầu và CSTT nên ưu tiên cho ổn định giá cả hơn rủi ro ổn định tài chính, chỉ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng thì những ưu tiên đó mới cần đảo ngược, vì có nhiều công cụ có sẵn để giải quyết các rủi ro đối với ổn định tài chính, giúp NHTW tách mục tiêu CSTT với mục tiêu ổn định tài chính. IMF cho rằng, các nước nên tiếp tục thắt chặt CSTT để chống lạm phát cao kéo dài, đi kèm với đó là phải có thông điệp rõ ràng về mục tiêu và chức năng chính sách của NHTW. Dù vậy, thị trường vẫn dự đoán rằng các NHTW sẽ bắt đầu nới lỏng dần CSTT trong nửa cuối năm 2023.

Về chính sách tài khóa: Các nước ưu tiên duy trì chính sách tài khóa nhất quán với CSTT để thúc đẩy ổn định tài chính và giá cả. Đối với các quốc gia thắt chặt tài khóa để hỗ trợ quá trình giảm lạm phát, cần xây dựng mạng lưới an sinh để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương. Các quốc gia phát triển các khuôn khổ tài khóa đáng tin cậy dựa trên mức độ rủi ro và xây dựng công cụ dự phòng để ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Về chính sách an toàn vĩ mô: Các nước đẩy mạnh khuôn khổ giám sát thận trọng vĩ mô để giám sát các diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu và trong nước, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan về an toàn vĩ mô. Các công cụ an toàn vĩ mô được thắt chặt để giải quyết tình trạng phát triển quá nóng của thị trường bất động sản trong giai đoạn trước có thể được xem xét nới lỏng nếu cần thiết để ngăn chặn những tác động kinh tế vĩ mô nghiêm trọng từ việc thắt chặt mạnh điều kiện tài chính trong bối cảnh giá nhà giảm.

Đối với khu vực tài chính: (i) Các tổ chức tín dụng cần tăng cường quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, đáp ứng các bài kiểm tra sức căng về vốn và thanh khoản, đồng thời duy trì một lớp đệm tài sản có tính thanh khoản cao, cùng một kế hoạch dự phòng rủi ro chính thức với chiến lược rõ ràng để giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản trong các tình huống khẩn cấp. Các cơ quan chức năng cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với bất ổn tài chính, bao gồm can thiệp sớm; củng cố các chế độ ứng phó và sự sẵn sàng triển khai chúng khi cần thiết; (ii) Đối với các định chế tài chính phi ngân hàng, nhiều quốc gia gần đây đã có những đồng thái mới để hạn chế rủi ro từ khu vực này. IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải sử dụng nhiều công cụ, bao gồm ban hành những quy định và giám sát chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực này.

Đối với rủi ro phân mảnh tài chính từ căng thẳng địa chính trị: Cơ quan quản lý nên kiểm tra mức độ chịu áp lực và tìm hiểu rõ hơn về những tác động của tình trạng gia tăng căng thẳng địa chính trị đối với hệ thống tài chính, tăng cường cơ chế ứng phó khủng hoảng, thông qua các hệ thống dự phòng tín dụng từ các thể chế quốc tế như IMF. Các quốc gia cần tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế, nỗ lực giải quyết các xung đột chính trị thông qua ngoại giao và đàm phán.

Về biến đổi khí hậu: Các NHTW lớn gần đây đã thành lập các đơn vị chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống tài chính để có các giải pháp ứng phó cho phù hợp.

Về vấn đề an ninh mạng: Các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý phải chuẩn bị cho việc các mối đe dọa mạng tăng cao và các vi phạm tiềm ẩn bằng cách ưu tiên các hành động sau: (i) Các ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý và công ty tài chính phải xây dựng chiến lược an ninh mạng cho lĩnh vực tài chính, có biện pháp bảo mật hợp lý cũng như các chiến lược ứng phó rủi ro và kế hoạch phục hồi; (ii) Nghiên cứu thành lập các đơn vị quản lý rủi ro chuyên biệt trong lĩnh vực an ninh mạng, xây dựng chế độ báo cáo sự cố mạng chuyên dụng; (iii) Các cơ quan giám sát tài chính đảm bảo các quy định giám sát không gian mạng; (iv) Mở rộng chia sẻ thông tin về các nguy cơ, các cuộc tấn công và các phương pháp đối phó cả ở khu vực tư và khu vực công.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Các rủi ro và bất ổn tài chính thế giới đang gia tăng sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế - tài chính Việt Nam, đặt ra vấn đề cần phải chủ động nắm bắt tình hình và có những sự chuẩn bị, ứng phó kịp thời trước những xu hướng, diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính quốc tế.

Thứ nhất, chủ động theo dõi sát sao các diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là sự phân mảnh do căng thẳng địa chính trị, CSTT của các nước lớn và làn sóng bất ổn của khu vực ngân hàng và chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó trong trường hợp bất lợi.

Thứ hai, chú trọng kiểm soát lạm phát; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp CSTT và tài khóa; tiếp tục đẩy nhanh giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 2022 - 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công; tập trung ưu tiên sử dụng công cụ thuế của chính sách tài khóa để thúc đẩy tổng cầu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường các chính sách an toàn vĩ mô; giám sát rủi ro hệ thống và cơ chế ứng phó, xử lý khủng hoảng hiệu quả trong lĩnh vực tài chính; tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ cơ sở hạ tầng tài chính. Các TCTD cần tăng năng lực quản trị, tài chính, đảm bảo việc duy trì bộ đệm vốn và thanh khoản để hấp thụ rủi ro, thực hiện đánh giá rủi ro theo yếu tố thị trường và có các biện pháp phòng ngừa rủi ro sớm, bao gồm cả ở các ngân hàng nhỏ và yếu kém. Trong trường hợp có hiện tượng bất ổn, cơ quan quản lý cần sẵn sàng hành động, có biện pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời, truyền thông nhanh chóng và dứt khoát để khôi phục niềm tin của thị trường, xử lý rủi ro lan truyền.

Thứ tư, gia tăng các chế tài giám sát và quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng; đặc biệt là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Thứ năm, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, nhất là rủi ro liên thông giữa tài chính và bất động sản; cân nhắc xem xét nới lỏng tạm thời một số quy định như kinh nghiệm của các nước để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản.

Thứ sáu, tăng cường quản lý rủi ro biến đổi khí hậu và an ninh mạng, từng bước đưa hai rủi ro này vào khuôn khổ đánh giá ổn định tài chính; cập nhật các phương pháp đánh giá, đo lường tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực tài chính; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp và tài chính xanh.Một số rủi ro đối với ổn định tài chính toàn cầu và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam - Ảnh 1

Tài liệu tham khảo

  1. ECB (2022), Financial Stability Review – November 2022;
  2. Fed (2022), Financial Stabiltiy Report – November 2022;
  3. FSB (2022), Promoting Global Financial Stability – 2022 FSB Annual Report;
  4. IMF (2023), Fiscal Monitor – April 2023;
  5. IMF (2023), Global Financial Stability Report – April 2023;
  6. IMF (2023), World Economic Outlook – April 2023;
  7. Worldbank (2023), Falling Long-term Growth Prospects – March 2023.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023