Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8 kỳ 1-2015

Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 với nhiều thay đổi nhằm tăng cường kỷ cương ngân sách và tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý ngân sách trong những năm tới. Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi Luật hiệu quả, trong quá trình thực hiện cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghiên cứu quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật

Công khai ngân sách nhà nước

Để triển khai thực hiện công khai ngân sách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin và mục đích của hoạt động công khai cần chú ý một số nguyên tắc sau:

Thứ nhất, thống nhất về mục tiêu và đối tượng công khai ngân sách, để đáp ứng yêu cầu minh bạch trong quản lý sử dụng ngân sách, thể hiện trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân liên quan đến ngân sách nhà nước (NSNN), đáp ứng quyền được báo cáo và giám sát và nhu cầu thông tin về ngân sách của các tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, ban hành các chỉ tiêu công khai ngân sách phù hợp với từng chủ thể, từng hoạt động liên quan đến hình thành và sử dụng quỹ NSNN. Các chỉ tiêu này phải thống nhất, đảm bảo tính so sánh và kèm theo các giải trình, thuyết minh để đáp ứng các yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ giúp cho việc giám sát theo các mức độ khác nhau của từng tổ chức, cá nhân được thuận lợi, dễ hiểu.

Thứ ba, thống nhất về hình thức, quy trình, thời gian công khai và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu khi được yêu cầu. Đây là các quy định có tính bắt buộc để đảm bảo việc thực hiện nhất quán, kịp thời.

Thực hiện cơ chế giám sát của cộng đồng

Đây là nội dung mới của Luật NSNN 2015. Để đảm bảo việc thực thi cơ chế này có hiệu quả, cần tập trung hướng dẫn công tác tổ chức, giám sát, như: thành phần tham gia giám sát, thời gian giám sát, hình thức giám sát, nội dung giám sát, cơ chế kiến nghị, trách nhiệm giải trình kiến nghị và hiệu lực của kiến nghị thông qua cơ chế giám sát của cộng đồng.

Xây dựng kế hoạch tài chính

Kế hoạch tài chính 5 năm là căn cứ quan trọng cho việc lập kế hoạch ngân sách hàng năm. Do đó, hướng dẫn cần tập trung vào các nội dung như: căn cứ xây dựng, mục tiêu, nội dung, biểu mẫu, thuyết minh, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch và vị trí của kế hoạch tài chính 5 năm để đảm bảo thực hiện thống nhất, khả thi, sát thực tiễn, tránh hình thức.

Tổ chức, quản lý thực hiện chu trình NSNN

- Về quản lý vay nợ của NSNN: cần quy định cơ sở để xác định cụ thể tỷ lệ và giới hạn mức vay nợ của ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP); Thời điểm áp dụng giới hạn nợ; Cơ chế kiểm soát ngân sách của cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp trong trường hợp vượt quá giới hạn nợ, nên chăng, cần quy định rõ dư nợ tại bất kỳ thời điểm nào trong năm ngân sách không được vượt quá tỷ lệ cho phép để đảm bảo nhất quán trong thực hiện.

- Về phân chia nguồn thu: Hướng dẫn việc phân chia nguồn thu của các DN hạch toán toàn ngành (các đơn vị này hiện tại nộp thuế tài chính DN tại trụ sở chính, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn). Theo quy định của Luật 2015 khoản thu này sẽ phân chia giữa NSTW và NSĐP. Vì vậy, cần đảm bảo tính công bằng trong quy định phân chia khoản thu này.

- Về cơ chế quản lý thu, chi, hạch toán và báo cáo quỹ dự trữ tài chính. Thực hiện Luật NSNN 2015 cần có hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý thu, chi, hạch toán và báo cáo về quỹ này, đảm bảo phản ánh đúng và đầy đủ mối quan hệ giữa quỹ dự trữ tài chính và quỹ NSNN.

- Về triển khai thực hiện đánh giá hiệu quả chi tiêu công nói chung và đánh giá hiệu quả sử dụng NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ nói riêng. Việc đánh giá hiệu quả chi tiêu công cần được thực hiện theo các mức độ: đánh giá thường xuyên (hằng năm), đánh giá giai đoạn (theo thời kỳ 3-5 năm) và đánh giá theo chương trình, dự án; được thực hiện trên hai mục tiêu: đánh giá hiệu quả kinh tế và đánh giá hiệu quả xã hội.

- Về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Cần được lồng ghép trong tất cả các khâu của chu trình ngân sách. Ở khâu lập dự toán, cần yêu cầu các bộ, ngành đánh giá nhu cầu cung cấp dịch vụ công trên địa bàn, từ đó trình mục tiêu cung cấp dịch vụ công theo các mức độ (chất lượng) khác nhau lên cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định. Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Chính phủ hiện nay đang xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN là một biện pháp quản lý phù hợp để thực hiện nhiệm vụ này đối với lĩnh vực hoạt động sự nghiệp. Để xây dựng được kế hoạch này cần ban hành các định mức chi tiêu cho các dịch vụ công để làm căn cứ tính toán nhu cầu chi tiêu theo mức độ cung ứng dịch vụ và chi phí sử dụng dịch vụ công của người dân. Ở khâu chấp hành dự toán, cần có cơ chế giám sát, đánh giá, xếp hạng và công khai mức độ đáp ứng dịch vụ công, cùng với cơ chế tài chính phù hợp để một mặt đảm bảo chất lượng dịch vụ theo mục tiêu, mặt khác khuyến khích sáng kiến tăng cường chất lượng dịch vụ. Ở khâu quyết toán, kiểm toán, cần chú trọng kiểm toán và đánh giá dịch vụ công, bao gồm cả về chất lượng và mức độ giảm chi phí cho từng hoạt động.

- Về dự toán chi NSNN lồng ghép bình đẳng giới. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vấn đề bình đẳng giới vào Luật NSNN, và yêu cầu vấn đề bình đẳng giới trong dự toán. Về mặt lý thuyết, bình đẳng giới trong ngân sách có thể được thể hiện ở hai góc độ: một là, chi tiêu trực tiếp cho các giới; hai là, tác động của chi tiêu đến bình đẳng giới. Để xây dựng dự toán bình đẳng giới theo Luật NSNN, trước hết có thể hướng tới góc độ thứ nhất, sau đó hướng tới góc độ thứ hai.

- Về điều hành ngân sách giữa các cấp ở địa phương. Trong triển khai thực hiện Luật NSNN 2015, cần chú ý một số vấn đề sau: (i) Luật NSNN 2015 quy định bội chi NSĐP gồm bội chi của NS cấp tỉnh, mặt khác, kết dư ngân sách cấp tỉnh được ưu tiên trả nợ, trong khi kết dư ngân sách cấp dưới được chuyển sang năm sau. Vì vậy, trong điều hành, chính quyền cấp tỉnh cần chú ý điều hành ngân sách giữa các cấp thông qua tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối để vừa đảm bảo mục tiêu bội chi và mục tiêu nợ công, vừa duy trì nợ của địa phương trong giới hạn hợp lý; (ii) Luật NSNN 2015 chưa quy định cụ thể các trường hợp ngân sách cấp dưới tạm ứng từ ngân sách cấp trên và ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp trên để xử lý thiếu hụt. Vì vậy, để đảm bảo trách nhiệm hoàn trả tạm ứng cho ngân sách và quỹ dự trữ cấp trên đúng hạn; tăng thu ngân sách ở cấp dưới kịp thời, tránh tâm lý ỷ lại và tăng tính minh bạch trong quan hệ ngân sách giữa các cấp, cần quy định các điều kiện và trường hợp cụ thể để ngân sách cấp dưới được ứng từ ngân sách cấp trên và quỹ dự trữ của ngân sách cấp trên để xử lý thiếu hụt cũng như việc hoàn trả các khoản này.

Nâng cao năng lực giám sát về ngân sách

Luật 2015 đã tăng cường một bước quyền lực về NSNN cho Quốc hội và HĐND các cấp, tuy nhiên, để đảm bảo thực thi quyền lực này, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới quy trình dự toán, quyết toán ngân sách, thông qua việc ban hành Quy chế lập, thẩm tra và phê duyệt dự toán, phương án phân bổ NSTW; giám sát quá trình thực hiện và quyết toán ngân sách.

Thứ hai, để đảm bảo chất lượng giám sát ở khâu lập dự toán và kịp thời gian trong việc chuẩn bị dự thảo NSNN trình Quốc hội, cơ quan thẩm tra có thể thực hiện thẩm tra dự toán sơ bộ của cấp Trung ương trước, sau đó sẽ thẩm tra dự toán chi tiết về NSNN khi đã được báo cáo đủ dự toán NSNN.

Thứ ba, tăng cường minh bạch thông tin về điều hành ngân sách của các cấp. Để thực hiện quyền giám sát của mình cần có định về yêu cầu mức độ chi tiết của số liệu, kể cả những nội dung mang tính kỹ thuật như phương pháp dự báo, phương pháp tổng hợp số liệu, lồng ghép trong báo cáo về dự toán, quyết toán, chi tiết các chương trình trợ cấp trực tiếp và trợ cấp gián tiếp thông qua miễn, giảm thuế.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật NSNN 2002 (Luật số 01/2002/QH11);

2. Luật NSNN 2015 (Luật số 83/2015/QH13);

3. Chính phủ: Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật NSNN.