Một số yếu tố ảnh hưởng đến bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam
Qua việc sử dụng bộ số liệu từ kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002-2014 (VHLSS) do Tổng cục Thống kê điều tra và công bố; Áp dụng phương pháp phân tích hồi quy với dữ liệu bảng, sử dụng mô hình GMM với các biến số: Bất bình đẳng thu nhập, hệ số chênh lệch giàu nghèo, độ mở thương mại, ngân sách nhà nước, tỷ lệ đô thị hóa… cấp tỉnh giai đoạn này, nghiên cứu này cho thấy, có nhiều yếu tố tác động đến bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam hiện nay, trong đó có độ mở thương mại, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước...
Tổng quan nghiên cứu
Bất bình đẳng kinh tế (hay còn gọi là bất bình đẳng thu nhập, khoảng cách giàu nghèo) là chênh lệch giữa các cá nhân, các nhóm trong xã hội hay giữa các quốc gia trong việc phân phối lại tài sản hay thu nhập. Bất bình đẳng thu nhập không những gây ra những hệ lụy xã hội mà còn có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng kinh tế (Berg, Ostry và Zettelmeyer, 2008).
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, bất bình đẳng thu nhập có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển nói chung, gây tổn hại đến sự gắn kết xã hội như ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của người dân, làm tăng tỷ lệ nghèo đói, cản trở tiến bộ y tế - giáo dục nói chung. Riêng đối với những người nghèo, bất bình đẳng còn góp phần làm gia tăng tình trạng tội phạm.
Trong giai đoạn 2008 - 2018, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trên thế giới, đạt mức bình quân 6,1% (theo Tổng cục Thống kê, năm 2016 là 6,21%, năm 2017 là 6,81%, năm 2018 là 7,08%). Thu nhập các nhóm dân cư đều tăng lên, đời sống của mọi tầng lớp dân cư được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập của nhóm nghèo luôn thấp hơn nhóm giàu, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Theo kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê năm 2002, thu nhập bình quân đầu người (BQĐN) của nhóm nghèo là 107,7 nghìn đồng, nhóm giàu là 872,9 nghìn đồng. Năm 2016, thu nhập BQĐN tương ứng của 2 nhóm này là 771 nghìn đồng và 7.547 nghìn đồng. Như vậy, qua 14 năm, thu nhập BQĐN của nhóm nghèo tăng 7,159 lần, nhóm giàu tăng lên 8,646 lần. Khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu và nhóm nghèo năm 2002 là 8,105 lần (tương ứng với số tuyệt đối là 765,2 nghìn đồng), năm 2016 là 9,789 lần (tương ứng với số tuyệt đối là 6.776 nghìn đồng).
Theo John W. (2003), tăng trưởng kinh tế đạt 10% thì người nghèo chỉ được hưởng lợi khoảng ¼ trong số đó. Trong khi đó, người giàu có cơ hội khai thác nhiều hơn để gia tăng phúc lợi cho mình. Điều đó có nghĩa là, khi tăng trưởng kinh tế góp phần vào xóa đói giảm nghèo thì nó lại làm gia tăng thêm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.
Những năm qua, tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu về bất bình đẳng thu nhập hay phân hóa giàu nghèo nhưng các nghiên cứu này chỉ mang tính chất mô tả về thực trạng giàu nghèo ở một thời điểm hoặc nghiên cứu về bất bình đẳng ở khu vực nông thôn – thành thị. Từ thực trạng trên, nghiên cứu này tập trung làm rõ ảnh hưởng của một số yếu tố ảnh hưởng đến bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam.
Phương pháp phân tích
Nguồn số liệu sử dụng
Để nghiên cứu những ảnh hưởng tới bất bình đẳng thu nhập, nhóm tác giả sử thu thập số liệu các biến của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước trong 7 năm chẵn (từ 2002 đến 2014). Tổng cộng có 63 x 7 = 441 quan sát.
Số liệu được sử dụng trong nghiên cứu là nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ kết quả điều tra khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Cục Thống kê các tỉnh. Bao gồm:
- Khảo sát mức sống dân cư của các tỉnh thành trong các năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014 của Tổng cục Thống kê.
- Niên giám thống kê của các tỉnh thành năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014 của 63 tỉnh thành.
Mô hình phân tích
Xuất phát từ mô hình ở các nghiên cứu trước đây, để nghiên cứu ảnh hưởng của bất bình đẳng thu nhập, nhóm tác giả sử dụng mô hình sau:
Nghiên cứu sẽ thực hiện ước lượng mô hình và kiểm định theo các bước sau:
Bước 1: Kiểm tra xem các biến độc lập của mô hình có phải biến nội sinh hay không.
Bước 2: Lựa chọn mô hình.
- Nếu tất cả các biến độc lập không phải là biến nội sinh, thì ước lượng mô hình REM và mô hình FEM sau đó sử dụng kiểm định Hausman để xem lựa chọn mô hình nào cho phù hợp. Kiểm định khuyết tật ứng với mô hình FEM hoặc REM được lựa chọn.
- Nếu có ít nhất một biến độc lập là biến nội sinh, tiến hành ước lượng mô hình GMM.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Căn cứ vào các biến số được lựa chọn trong mô hình, sử dụng bộ số liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) của Tổng cục Thống kê từ năm 2002-2014, nghiên cứu tính được các thống kê mô tả của các biến số như sau:
Hệ số GINI có giá trị trung bình là 0,3750984, độ lệch chuẩn là 0,0310425 cho thấy, các quan sát thực tế dao động khá sát quanh giá trị trung bình. Biến GAP có giá trị trung bình là 6,697763 và độ lệch chuẩn là 1,019449, cho thấy hệ số này có sự biến động đa dạng trong các quan sát. Biến Trade (GTTB là 107,4091 và độ lệch chuẩn 303,6765) nói lên sự biến động lớn độ mở thương mại các tỉnh thành trong cả nước.
Căn cứ vào kết quả kiểm định ở Bước 1 cho thấy, các biến TRADE và lnGDPBQ là biến nội sinh. Do vậy, việc sử dụng mô hình FEM và REM là không phù hợp. Cần ước lượng mô hình GMM.
Kết quả hồi quy GMM cho thấy, các biến Trade, LnGDPBQ, NSNN, Ur có tác động đến biến phụ thuộc GINI và GAP.
Mô hình có biến phụ thuộc là GINI
Thứ nhất, biến độ mở thương mại (Trade) có ý nghĩa ở mức 1%. Hệ số coef = -0,0000112 cho biết, khi tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng lên 1% thì GINI giảm đi 0,00000112 lần. Dấu của hệ số này cho biết, khi tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng thì bất bình đẳng thu nhập sẽ giảm.
Thứ hai, biến thu nhập bình quân đầu người (LnGDPBQ) có ý nghĩa ở mức 5%. Hệ số coef = -0,001394 cho biết, khi tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng lên 1% thì GINI giảm đi 0,00001394 lần. Dấu của hệ số này cho biết, khi thu nhập bình quân đầu người tăng thì bất bình đẳng thu nhập sẽ giảm.
Thứ ba, biến tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP (NSNN) có ý nghĩa ở mức 5%. Hệ số coef = -0,0001552 cho biết khi tỷ lệ thu ngân sách trên GDP tăng lên 1% thì GINI giảm 0,0001552 lần. Dấu của hệ số này cho thấy ngân sách nhà nước tác động ngược chiều với bất bình đẳng thu nhập.
Thứ tư, biến tỷ lệ dân số thành thị (Ur) có ý nghĩa ở mức 5%. Hệ số coef = 0,0001906 cho biết, khi tỷ lệ dân số thành thị tăng lên 1% thì GINI tăng lên 0,001906 lần. Dấu của hệ số này cho thấy, tỷ lệ dân số thành thị tác động cùng chiều với bất bình đẳng thu nhập.
Mô hình có biến phụ thuộc là GAP
Thứ nhất, biến độ mở thương mại (Trade) có ý nghĩa ở mức 1%. Hệ số coef = -0,0002579 cho biết, khi tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng lên 1% thì GAP giảm đi 0,00002579 lần. Dấu của hệ số này cho biết, khi tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng thì hệ số chênh lệch giàu nghèo sẽ giảm.
Thứ hai, biến thu nhập bình quân đầu người (LnGDPBQ) có ý nghĩa ở mức 5%. Hệ số coef = -0,0473456 cho biết, khi tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng lên 1% thì GAP giảm đi 0,000473456 lần. Dấu của hệ số này cho biết, khi thu nhập bình quân đầu người tăng thì hệ số chênh lệch giàu nghèo sẽ giảm.
Thứ ba, biến tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP (NSNN) có ý nghĩa ở mức 10%. Hệ số coef = -0,0048756 cho biết, khi tỷ lệ thu ngân sách trên GDP tăng lên 1% thì GAP giảm 0,0048756 lần. Dấu của hệ số này cho thấy, ngân sách nhà nước tác động ngược chiều với hệ số chênh lệch giàu nghèo.
Thứ tư, biến tỷ lệ dân số thành thị (Ur): có ý nghĩa ở mức 5%. Hệ số coef = 0,0097314 cho biết, khi tỷ lệ dân số thành thị tăng lên 1% thì GAP tăng lên 0,0097314 lần. Dấu của hệ số này cho thấy, tỷ lệ dân số thành thị tác động cùng chiều với hệ số chênh lệch giàu nghèo.
Kết quả phân tích trên cho thấy, bất bình đẳng thu nhập chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như độ mở thương mại, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ dân số thành thị... Trong đó, độ mở thương mai, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước có tác động ngược chiều với bất bình đẳng. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có những biện pháp hợp lý nhằm tăng giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập bình quân đầu người. Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn... nhằm giảm bất bình đẳng thu nhập.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê, Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2017, NXB Thống kê, Hà Nội;
2. Nguyễn Thị Huệ, (2016), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
3. Nguyễn Thị Thanh Huyền, (2012), Tác động của hội nhập quốc tế lên bất bình đẳng thu nhập nông thôn - thành thị tại Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
4. Duc Hong Vo, Thang Cong Nguyen, Ngoc Phu Tran and Anh The Vo (2019), “What Factors Affect Income Inequality and Economic Growth in Middle-Income Countries”, Journal of Risk and Financial Management;
5. Andrew Berg, Jonathan D.Ostry, Jeromin Zettelmeyer, “What makes growth sustained”, IMF Working Paper, Washington;
6. John W. và các cộng sự (2003), “Kinh tế vĩ mô của giảm nghèo: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam – Việt Nam tìm kiếm bình đẳng trong tăng trưởng”, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP);
7. Lars Peter Hansen (1982), “Large Sample Properties of Generalized Method of Moments Estimators”, The Econometric Society.