Một vài quan niệm về hiệu quả kinh tế và hiệu quả kinh tế du lịch
Hiệu quả kinh tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nó thể hiện ở tương quan giữa kết quả sản xuất, kinh doanh và chi phí sản xuất. Bài viết nghiên cứu trong ngành kinh doanh du lịch, hiệu quả kinh tế du lịch cũng là một đại lượng để đánh giá về chất lượng và hiệu quả dịch vụ mà các nhà cung ứng cam kết với khách hàng. Hiệu quả kinh tế du lịch có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố nhất định.
Đặt vấn đề
Hiệu quả là một phạm trù xuất hiện từ lâu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Bởi trong quá trình lao động con người luôn hướng tới một kết quả cao hơn, hoàn thiện hơn, hay được coi là đạt hiệu quả. Chính vì vậy, trong lĩnh vực kinh tế phạm trù này càng được quan tâm. Trong bài viết này, tác giả khái quát một số vấn đề bao gồm quan niệm về hiệu quả và hiệu quả kinh tế du lịch, chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế du lịch.
Kết quả nghiên cứu
Quan niệm chung về hiệu quả và hiệu quả kinh tế
Hiểu một cách chung nhất, hiệu quả là phạm trù kinh tế - xã hội, là một chỉ tiêu phản ánh trình độ của con người sử dụng các yếu tố cần thiết tham gia trong các hoạt động để đạt được kết quả với mục đích của mình. Đây là một khái niệm rộng, bao gồm tất cả lĩnh vực đời sống xã hội (từ sản xuất, kinh doanh đến y tế, giáo dục, quốc phòng...), nó không chỉ đề cập đến hiệu quả kinh tế mà còn có hiệu quả xã hội. Khái niệm về hiệu quả có thể được hiểu và phân loại dưới phạm vi và góc độ khác nhau.
Một là, dưới góc độ kinh tế - xã hội, chúng ta có cặp phạm trù hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của một hiện tượng hay đối tượng nào đó. Hiệu quả kinh tế phản ánh yêu cầu tiết kiệm thời gian, trình độ sử dụng lực lượng sản xuất và mức độ hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền sản xuất xã hội, đây một hiện tượng (hoặc quá trình) phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực, tiền vốn) để đạt được mục tiêu xác định. Hiệu quả xã hội phản ánh mức độ ảnh hưởng của các kết quả đạt được đến xã hội và môi trường, là sự tác động tích cực hoặc tiêu cực của các hoạt động của con người, trong đó có hoạt động kinh tế đối với xã hội và môi trường.
Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội là hai mặt vừa đối lập vừa thống nhất, chúng có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau. Tuy nhiên, hiệu quả xã hội là đại lượng mang tính trừu tượng, còn hiệu quả kinh tế thì có thể đo lường bằng một hệ thống chỉ tiêu cụ thể. Vì vậy, việc xác định, đánh giá hiệu quả xã hội là rất khó khăn.
Hai là, dưới góc độ phạm vi về mặt thời gian có hiệu quả ngắn hạn và hiệu quả dài hạn. Hiệu quả ngắn hạn tức là hiệu quả chỉ xét trong một thời gian ngắn, có thể là một tháng, một quý, một năm. Hiệu quả dài hạn là hiệu quả xét trong một quá trình (một khoảng thời gian dài). Hao phí và kết quả đạt được tính trong thời gian khá dài, có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm hoặc lâu hơn. Hiệu quả ngắn hạn và hiệu quả dài hạn có mối quan hệ mật thiết, phụ thuộc lẫn nhau. Về nguyên tắc, hiệu quả ngắn hạn phải tuân thủ theo hướng của hiệu quả dài hạn. Song hiệu quả dài hạn lại phụ thuộc vào hiệu quả ngắn hạn. Cũng có những lúc hiệu quả ngắn hạn và hiệu quả dài hạn không phù hợp với nhau nhưng mục tiêu dài hạn cần đạt được phải có ý nghĩa chi phối.
Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định, hiệu quả kinh tế là một khái niệm biểu thị mối tương quan giữa kết quả sản xuất, kinh doanh và chi phí sản xuất. Nếu gọi kết quả sản xuất là D, chi phí là C và hiệu quả là H thì H là sự so sánh giữa D và C, H=D-C hoặc H=D/C.
Quan niệm về hiệu quả kinh tế du lịch
Hiện nay, ngành Du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng luôn phải đương đầu với cạnh tranh khắc nghiệt. Muốn đứng vững, ngành và doanh nghiệp cần phải tính đến hiệu quả ngay từ trong chiến lược và phương án kinh doanh. Hiệu quả kinh tế du lịch thể hiện mức độ sử dụng các yếu tố sản xuất và tài nguyên du lịch nhằm tạo ra và tiêu thụ một khối lượng lớn nhất các dịch vụ và hàng hóa có chất lượng cao trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch với chi phí nhỏ nhất, đạt doanh thu cao nhất và thu lợi nhuận tối đa. Nói cách khác, hiệu quả kinh tế du lịch phản ánh trình độ sử dụng nguồn nhân lực có sẵn có thể đạt được kết quả sản xuất - kinh doanh cao với chi phí thấp nhất.
Các yếu tố sản xuất, kinh doanh hay các nguồn lực nói trên bao gồm tài nguyên du lịch, vốn sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động trong du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn đóng vai trò quyết định trong việc sản xuất và tiêu dùng dịch vụ du lịch. Tài nguyên càng phong phú, đa dạng thì sản phẩm du lịch càng trở nên thu hút khách hàng. Vốn sản xuất - kinh doanh là tiền tệ hoặc các tài sản của doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng bên ngoài ngành ngành Du lịch và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của nội bộ ngành du lịch. Ngành kinh doanh dịch vụ du lịch bao gồm những lĩnh vực kinh doanh khác nhau như lữ hành, lưu trú, nhà hàng, vận tải, vui chơi giải trí,… tương ứng với mỗi lĩnh vực là một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật riêng. Nhìn chung, đặc trưng của cơ sở vật chất kỹ thuật trong du lịch như là có tính đồng bộ trong xây dựng và sử dụng cao, có giá trị một đơn vị công suất sử dụng cao, thời gian hao mòn tương đối lâu và một số thành phần của hệ thống được sử dụng không cân đối. Đặc biệt, trong đó là mối quan hệ mật thiết giữa cơ sở vật chất kỹ thuật với tài nguyên du lịch. Lao động trong du lịch đóng vai trò là người đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sản xuất và tiêu dung dịch vụ du lịch. Do vậy, chất lượng của đội ngũ lao động thể hiện ở trình độ, tay nghề cho đến thái độ làm việc, khả năng giao tiếp và xử lý tình huống sẽ quyết định đến sự cảm nhận, đánh giá của khách du lịch về dịch vụ mình sử dụng. Các chi phí cho sản xuất, kinh doanh bao gồm các chi phí về tư liệu lao động, đối tượng lao động và các chi phí về lao động. Doanh thu đó là tiền thu được từ bán hàng hóa và dịch vụ, trong đó doanh thu từ dịch vụ du lịch là chủ yếu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế du lịch
Muốn đánh giá hiệu quả kinh tế du lịch phải liệt kê được các yếu tố ảnh hưởng bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Yếu tố khách quan thứ nhất là điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội. Trong đó, bao gồm cơ sở hạ tầng của địa phương nơi doanh nghiệp kinh doanh (hệ thống đường sá, sự phát triển mạng lưới thông tin liên lạc...), các chủ trương chính sách của chính quyền trung ương và địa phương, tình trạng dân trí... Các điều kiện này tạo ra môi trường ổn định, là tiền đề quan trọng cho hoạt động kinh doanh, những thay đổi về chính trị, xã hội như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… có thể gây ảnh hưởng có lợi cho nhóm doanh nghiệp này hoặc kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp khác. Điển hình trong vòng 3 năm trở lại đây, từ năm 2020-2023, tình trạng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhóm ngành kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí… tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ y tế thì lại tăng trưởng cao. Điều kiện về kinh tế - chính trị - xã hội ảnh hưởng gián tiếp tới hiệu quả kinh tế thông qua nguồn khách và chính sách giá cả đối với các dịch vụ hàng hóa.
Yếu tố khách quan thứ hai là môi trường kinh doanh. Trong đó, phải kể đến môi trường vĩ mô gồm hệ thống pháp luật, các chủ trương chính sách của Nhà nước và của ngành. Các luật lệ, chế độ chính sách kinh tế - xã hội nơi doanh nghiệp du lịch hoạt động ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp. Nhất là chính sách đối ngoại của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách quốc tế. Môi trường trực tiếp là môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Trong cơ chế thị trường, cạnh tranh là động lực thúc đẩy hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp, có cạnh tranh mới có khả năng tồn tại và ngược lại sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Do sự phát triển nhanh chóng của du lịch trong những năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp du lịch mà nhất là số lượng khách sạn tăng lên nhanh chóng, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp. Thêm nữa là môi trường bên trong của từng doanh nghiệp, đây là môi trường của nội bộ, nơi hoạt động quản trị cũng như sản xuất, kinh doanh diễn ra, từ đó nảy sinh các quan hệ trong doanh nghiệp.
Yếu tố khách quan thứ ba là các nguồn lực sẵn có, phải kể đến tài nguyên du lịch. Đây là một yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả kinh tế của kinh doanh du lịch. Tài nguyên càng phong phú và đa dạng càng thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, vị trí địa lý còn có tác động không nhỏ tới hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Đồng thời, các nguồn lực khác như lao động, vốn,... là những yếu tố cực kỳ quan trọng. Yếu tố khách quan thứ tư là cơ chế quản lý kinh tế. Yếu tố này chi phối, tác động tới hiệu quả kinh tế của cả nền kinh tế nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng.
Về mặt chủ quan, yếu tố chủ quan đầu tiên phải kể đến đó là cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp du lịch. Đây là điều kiện đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù chất lượng dịch vụ du lịch thường sẽ được đánh giá trên cơ sở các yếu tố vô hình như sự tin cậy, tinh thần trách nhiệm, sự đảm bảo, sự đồng cảm, nhưng tính hữu hình thể hiện một phần thông qua điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật được coi như bản thông điệp gửi tới khách hàng.
Yếu tố chủ quan thứ hai là đội ngũ lao động trong doanh nghiệp. Yếu tố này tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch phải chú ý đến công tác đào tạo, không ngừng nâng cao đội ngũ lao động, kể cả đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân viên.
Yếu tố chủ quan thứ ba là cơ cấu tổ chức và phương pháp quản lý của doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp phải gọn nhẹ và có hiệu quả. Nếu bộ máy quản trị được tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, có sự phân chia nhiệm vụ chức năng rõ ràng, có cơ chế phối hợp hành động hợp lý, có đội ngũ quản trị viên có năng lực sẽ đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Các yếu tố trên tác động đến hiệu quả kinh tế theo các hướng khác nhau nhưng chúng có một mối liên hệ và tác động qua lại với nhau. Do đó, việc đánh giá một cách đúng đắn và khai thác triệt để những tác động có lợi là điều kiện hết sức quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Kết luận
Hiệu quả kinh tế và hiệu quả kinh tế du lịch được dùng để chỉ ra và đánh giá tính hiệu quả của từng lĩnh vực. Tựu chung lại, khi xem xét các phạm trù này, cần đi từ cái nhìn khái quát chung, hiểu thế nào là hiệu quả, từ đó có cái nhìn sâu hơn trong lĩnh vực kinh tế và kinh tế du lịch. Hiệu quả kinh tế có thể được xét trên bình diện kinh tế - xã hội hoặc phạm vi. Tương tự như vậy, hiệu quả kinh tế du lịch được xét thông qua các yếu tố ảnh hưởng bao gồm khách quan và chủ quan.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa (2009), Giáo trình Kinh tế du lịch, NXB ĐH Kinh tế quốc dân.
- Robert Lanquar (1993), Kinh tế du lịch, NXB Thế giới.
- Võ Văn Thành (2015), Tổng quan du lịch, NXB Văn hóa văn nghệ.