Chương trình hành động nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Việt Hoàng

Ngày 02/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 như: Đến năm 2030, có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…; Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể...

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể; …

Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ; bảo đảm thực chất, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ; kết hợp chặt chẽ, hài hòa các nhiệm vụ, giải pháp, triển khai có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp; đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương gắn với phát huy sức mạnh của tập thể và sức mạnh của cả hệ thống chính trị...

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó, cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể...

Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chương trình hành động này.

Đồng thời, xử lý những vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình...

Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thành xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội xem xét ban hành.

 

Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII của Đảng đã đánh giá thẳng thắn, khu vực kinh tế tập thể ở nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trường, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm... Xác định rõ thực trạng và nguyên nhân, Hội nghị Trung ương lần thứ Năm đã đưa ra tư duy nhận thức mới về kinh tế tập thể.