Mua bán đất ven đô và nghìn lẻ chuyện rủi ro
Xu hướng đầu tư bất động sản (BĐS) ven đô tiếp tục dẫn dắt thị trường, khi những vùng này giàu tiềm năng bởi quỹ đất còn lớn, giá rẻ hơn nội đô và được cộng hưởng bởi các dự án hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai đổ tiền vào đây cũng có thể thu về “trái ngọt”.
Đắng lòng... hậu bán đất
Ở các xã vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, những năm gần đây, nông sản làm ra “được mùa mất giá, được giá lại mất mùa” khiến kinh tế gặp không ít khó khăn, nhiều người dân bắt đầu chán rẫy. Rồi giới kinh doanh, đầu cơ BĐS bỗng nườm nượp về hỏi mua đất, đẩy giá lên cao đã tác động mạnh vào tâm lý người dân.
Gia đình chị H.L.N. ở buôn Kô Tam (xã Ea Tu) có 1 ha rẫy cà phê già cỗi. Thấy nhiều người hỏi mua đất, chị “tặc lưỡi” bán bớt 5 sào với giá 800 triệu đồng để sửa sang lại căn nhà cấp 4 đang ở, mua sắm tiện nghi sinh hoạt. Chẳng mấy chốc số tiền bán đất đã cạn, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 không ai thuê đi làm, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn.
Chạy theo cơn “sốt đất” cũng khiến nhiều hộ dân bị mắc lừa. Anh Y. Th. M. ở buôn Nao A (xã Ea Tu) chia sẻ: Đầu năm 2021, anh bán lô đất rộng 120 m2 (gồm 50 m2 đất ở và 70 m2 đất trồng cây lâu năm) với giá 700 triệu đồng. Được người mua thỏa thuận miệng, anh đồng ý ghi trong hợp đồng mua bán với giá 150 triệu đồng để giảm tiền thuế phải đóng.
Tuy nhiên, sau khi làm xong thủ tục chuyển nhượng thì người mua “lật lọng” chỉ trả đúng 150 triệu đồng; đồng thời quay video lại quá trình trao trả tiền để làm bằng chứng. Biết mình bị lừa, gia đình anh Y. Th. đã làm đơn khởi kiện ra tòa.
Theo ông Quang Văn Tuy, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, tình trạng mua bán đất tại một số khu vực của xã diễn ra khá phức tạp. Có người cắm biển bán đất tại rẫy nhà mình, mấy hôm sau ra đã thấy cả chục biển bán đất khác cũng mọc lên cạnh đó. Gọi vào số điện thoại trên các “biển lạ” mới tá hỏa, muốn mua rẫy đó thì phải qua tay họ giới thiệu đến chính chủ và mất 2% tiền “hoa hồng”.
Nhiều trường hợp “cò đất” lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân, khi ký thỏa thuận hợp đồng đặt cọc mua đất đã không ghi cụ thể thời gian tất toán. Vậy là khi giới đầu tư chưa “lướt sóng” được đất thì vẫn chưa hoàn tiền, người dân không có đất sản xuất cũng như vốn liếng đầu tư làm ăn.
Không ít hộ dân trong xã sau khi bán đất đã ra các huyện vùng ven như Cư M’gar, Cư Kuin, Buôn Đôn… mua rẫy với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, rẫy một nẻo, nhà ở một nơi nên việc đi lại khá bất tiện; quản lý, thu hoạch nông sản gặp nhiều rủi ro...
Bỏ tiền mua… rủi ro
Mới đây, ông N.Đ.T. (trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) có mua qua tay của một môi giới BĐS lô đất tại buôn Krông A (xã Ea Tu). Do tin tưởng “đồng nghiệp” ông không đo đạc thực tế mà chỉ đến xem qua loa và cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) thể hiện thửa có chiều ngang 7 m, dài 45 m. Khi tìm được khách bán lại, ông T. đo hiện trạng đất mới phát hiện phía trước đủ 7 m ngang còn phía sau bị hàng xóm xây nhà lấn sang từ nhiều năm trước, chỉ còn lại 4,5 m. Sự việc đưa ra UBND xã thỏa thuận không thành nên đành khởi kiện ra tòa.
Cũng là người môi giới BĐS, hơn 3 tháng trước, bà Đ.T.T.M. (trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) mua lô đất của một hộ dân ở xã Hòa Khánh với giá 1 tỷ đồng (chiều ngang 10 m, dài 30 m) với ý định “lướt” nhanh kiếm lời. Bà M. đặt cọc trước 150 triệu đồng và thỏa thuận sẽ thanh toán số tiền còn lại trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, do bán đất không được, gần đến hẹn phải thanh toán mà không có trả, tiếc của, bà M. đến “thương thảo” với chủ đất để lấy lại tiền cọc nhưng bất thành nên hai bên đã lời qua tiếng lại gây mất an ninh trật tự.
Nhiều người dân xã Ea Kao vẫn còn nhớ trường hợp “cò đất” Đ.T.T. đến thôn Cao Thành mua 1,5 ha rẫy của người dân, rồi đem thế chấp vay ngân hàng 1 tỷ đồng. Sau đó, bà T. cầm bản phô tô công chứng Giấy CNQSDĐ đó lừa bán rẫy bằng hình thức hợp đồng nhận tiền đặt cọc của nhiều người rồi bỏ trốn. Do tài sản chính đang thế chấp ngân hàng, việc mua bán trên chưa có căn cứ pháp lý nên người mua đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Đây chỉ là con số ít trong rất nhiều trường hợp rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh, môi giới BĐS. Theo ông Phan Thanh Tuấn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Buôn Ma Thuột, những năm gần đây, việc tranh chấp, khiếu kiện về đất đai diễn ra thường xuyên, tập trung ở những trường hợp sang nhượng đất bằng giấy viết tay, mua bán đất khi chưa có giấy CNQSDĐ hoặc tài sản đang cầm cố, nhiều “cò đất” sau khi môi giới thành lại không được trả tiền “hoa hồng” như thỏa thuận dẫn đến tranh cãi, xô xát…
Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Buôn Ma Thuột Phan Thanh Tuấn: “Đa số môi giới BĐS đang hoạt động trên địa bàn đều không có chứng chỉ hành nghề, kiến thức về pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS yếu kém; nhiều “cò đất” còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông dẫn đến những rủi ro, gây hệ lụy lớn cho xã hội”.