Mua bán tiền giả nhan nhản trên mạng xã hội
"Nếu cơ quan chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm việc mua bán tiền giả sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Ngày 20/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Đắk Nông cho biết đã phê chuẩn lệnh khởi tố vụ án và bắt tạm giam Nguyễn Đức Huy (32 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) cùng 5 người khác để điều tra về hành vi Làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả. Số tiền mà Huy làm giả và tung ra thị trường bị phát hiện là hơn 1,5 tỷ đồng.
Cần bao nhiêu cũng có
Hiện trên Facebook xuất hiện nhiều tài khoản mua bán tiền giả công khai. Những người có nhu cầu mua tiền giả chỉ cần vào tìm kiếm gõ “tiền giả” thì có hàng chục kết quả hiện ra.
Tài khoản Bùi Thị Kim Chi giới thiệu là "Shop tiền giả có uy tín 3 miền Bắc - Trung - Nam". Trang Facebook này còn giới thiệu khách hàng chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng tiền thật là mua được 12 triệu tiền giả; 2 triệu tiền thật mua 24 triệu tiền giả…
Khách hàng khi có nhu cầu thì thanh toán theo hình thức cod (nhận hàng - thanh toán) trên toàn quốc. “Đối với khách hàng lần đầu giao dịch thì đặt cọc 50%. Khách hàng từng mua thì không mất tiền cọc”, tài khoản này giới thiệu.
Tương tự trang Facebook có tên Su Tiền rao bán tiền giả mới in, bán với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật lấy 12 triệu tiền giả. Khi trang này đăng thông tin bán tiền giả thì có hàng chục người vào hỏi mua.
Các chủ tài khoản này cho biết khách hàng có nhu cầu mua bao nhiêu tiền giả cũng có thể đáp ứng.
Tù chung thân
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, cho hay luật đã quy định rõ việc làm, tàng trữ, mua bán tiền giả là phạm pháp nhưng tình trạng này đang diễn ra công khai trên mạng xã hội.
Luật sư Hậu cho biết Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 quy định việc Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị phạt 3-7 năm tù. Đối với trường hợp phạm tội mà tiền giả có giá trị từ 5 triệu đến 50 triệu đồng thì người vi phạm bị phạt tù 5-12 năm.
Còn trường hợp phạm tội từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt từ 10 đến 20 năm tù hoặc chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.
“Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả xâm phạm đến việc phát hành, lưu hành, quản lý tiền tệ của Nhà nước. Do đó, tội này luật không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành nên người nào có hành vi và chưa cần gây ra hậu quả thì xem như hành vi tội phạm đã hoàn thành”, luật sư Hậu phân tích.
Liên quan đến việc mua, bán công khai tiền giả trên mạng, luật sư Hậu cho biết cơ quan chức năng cần sớm hướng dẫn việc thi hành Luật An ninh mạng để có biện pháp quản lý đối với việc này.
"Hiện nay các cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý trước tình trạng mua bán tiền giả công khai trên mạng. Nếu cơ quan chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội", luật sư này khuyến cáo.
Theo điều tra, Nguyễn Đức Huy (32 tuổi, ngụ quận 10, TP. Hồ Chí Minh) lên mạng học cách làm tiền giả rồi mua máy móc, thiết bị về làm tiền giả bán cho 5 người khác.
Từ tháng 10/2018 đến 5/2019, Huy khai nhận đã làm được hơn 1 tỷ đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Khi nhóm trên dùng tiền giả để mua hàng thì bị người dân phát hiện báo công an.
Tính đến ngày 20/6, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 6 bị can để điều tra hành vi Làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả. Vụ án đang được điều tra mở rộng.