Mua sắm tài sản công tập trung sẽ tiết kiệm được 15%
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung gồm:Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia (là đơn vị tại Bộ Tài chính để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia, trừ thuốc); đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia (là đơn vị tại Bộ Y tế để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia) và đơn vị mua sắm tập trung của các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh.
Quyết định cũng quy định rõ: Mua sắm tập trung được thực hiện theo 2 cách thức là ký hợp đồng trực tiếp hoặc ký thỏa thuận khung.
Trường hợp ký hợp đồng trực tiếp được áp dụngkhi mua tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách Nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo các thức ký hợp đồng trực tiếp.Trường hợp mua vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng cũng được sử dụng cách thức này.
Các trường hợp còn lại ngoài 2 trường hợp nói trên được thực hiện mua sắm tập trung theo cáchký thỏa thuận khung.
Về danh mục, Thủ tướng quy định: Tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 71 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung căn cứ theo kết quả mua sắm tập trung, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, năng lực của các đơn vị mua sắm tập trung, điều kiện phát triển của thị trường cung cấp tài sản và điều kiện quy định.
Cụ thể, Bộ Tài chính công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc phòng, chữa bệnh cho người, gọi tắt là thuốc); Bộ Y tế công bố danh mục thuốc mua sắm tập trung (bao gồm danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương); các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp tại các cấp này (trừ thuốc).
Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia áp dụng cho tất cả các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan Trung ương, địa phương áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương áp dụng cho các cơ sở y tế của Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn địa phương.
Tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không được trùng lắp với Danh mục tài sản mua sắm tập trung quốc gia do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành và công bố. Danh mục tài sản mua sắm tập trung phải được công khai theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính dự tính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt trên phạm vi toàn quốc thì số tiền Nhà nước tiết kiệm được chiếm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, có việc giảm chi cho bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Hiện cả nước có hơn 100.000 đầu mối mua sắm tập trung sẽ giảm còn 107 đầu mối gồm 2 đơn vị mua sắm cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, ngành Trung ương và 63 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.