Mùa “săn” bất động sản của khối ngoại
2023 là năm trở lại của khối ngoại trên thị trường mua bán sáp nhập bất động sản sau thời gian dài trầm lắng. Các thương vụ lớn với giá trị hàng trăm triệu đô la đã được kích hoạt.
Theo báo cáo của KPMG, trong 10 tháng năm 2023, các nhà đầu tư trong nước đã chuyển sang thế phòng thủ, để đánh giá lại chiến lược của mình. Thị phần của họ trong giá trị M&A hiện đã giảm xuống còn 161,6 triệu USD, khoảng 4% tổng giá trị giao dịch được công bố.
Khối ngoại vào mùa "săn"
Trái ngược với thời điểm hai năm trước khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, thì nay nhà đầu tư nước ngoài lại chiếm lĩnh cả 5 vị trí hàng đầu về giao dịch trên thị trường. Trong đó, dẫn đầu là các nhà đầu tư gốc Á từ Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…
Một sự kiện đáng chú ý giai đoạn cuối năm như UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị Tân Thành Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một cho CapitaLand.
Dự án được mua lại có quy mô rộng gần 19ha, với tổng mức đầu tư là 13.645 tỷ đồng. Theo dự kiến, sẽ cung cấp khoảng 462 căn biệt thự và 3.300 căn hộ. Giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.085 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Gamuda Land (trụ sở tại Malaysia) đã ký thỏa thuận mua lại 100% vốn Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với giá khoảng 7.200 tỷ đồng. Qua đó, Gamuda Land sở hữu dự án Khu dân cư Tâm Lực (The Riverdale) tại TP.Thủ Đức có diện tích khoảng 3,68 ha. Theo dự kiến, Gamuda Land sẽ đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng để phát triển 2.000 sản phẩm.
Hay một thương vụ M&A có giá trị lớn nhất trong năm 2023 đạt đến 450 triệu đô la Mỹ (khoảng 11.000 tỷ đồng). Một nhóm đầu tư do ESR Group Limited có trụ sở tại Singapore dẫn đầu, đã đầu tư qua cách mua cổ phần trong đợt tăng vốn của BW Industrial (Công ty liên doanh giữa Warburg Pincus và Becamex IDC), đang phát triển các KCN quanh khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Cushman&Wakefield, hiện các nhà đầu tư ngoại chiếm đến 90% số lượng giao dịch M&A trong thị trường bất động sản Việt Nam. Điều này là bởi doanh nghiệp nội không chỉ gặp khó do tình hình kinh tế chung mà còn những vướng mắc như pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, chưa tiếp cận được nguồn vốn…
“Lối thoát hiểm” cho các doanh nghiệp địa ốc
Trước những khó khăn từ doanh nghiệp nội, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A và kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư đang giúp chủ đầu tư tìm ra lối thoát đối với các dự án chậm tiến độ do thiếu vốn.
Một số chủ đầu tư thay vì chuyển nhượng toàn bộ dự án, đã cố gắng theo đuổi việc kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng góp vốn thực hiện dự án. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng bắt đầu chuyển vốn vào dự án bất động sản tại Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần. Do đó, các chuyên gia dự đoán rằng, khối ngoại sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy hoạt động M&A trong năm 2024.
Qua nhận định của bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam, thời điểm này chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn nguồn tiền và đang đợi cơ hội để thu nhập, mua lại hoặc đầu tư vào các dự án mà họ đang cần nguồn vốn.
Theo dự kiến, một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư ngoại sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong thời điểm 2024 – 2026. Đặc biệt, mục tiêu đầu tư sẽ nằm ở những dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, giá trị thật cùng với quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, hai loại hình là nhà ở và bất động sản công nghiệp sẽ là hai phân khúc thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, vướng mắc về pháp lý vẫn là rào cản “kìm chân” các thương vụ, khiến nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều cơ hội trong hoạt động M&A.
Dù vậy, ông Đính cho biết, thị trường địa ốc tuy khó có sự thay đổi đột biến nhưng sẽ là “bước đệm” cho sự chuyển mình vào năm 2024. Nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong thời gian qua nhằm phát triển thị trường lành mạnh hơn, sẽ là tiền đề quan trọng để tạo điều kiện thuận lợ