Mức độ sử dụng thông tin chi phí cho quản trị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Bài viết khảo sát việc sử dụng thông tin chi phí ở các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho nhà quản trị về việc sử dụng thông tin chi phí trong hoạt động doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn hậu COVID-19, để doanh nghiệp hoạt động phát triển, các nhà quản trị cần quản trị chi phí và quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Để làm được điều đó, thông tin đóng vai trò quan trọng, trong đó không thể thiếu thông tin chi phí.
Thông tin chi phí không chỉ giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận mà còn hỗ trợ nhà quản trị trong việc lập kế hoạch, ra quyết định, đánh giá và phân tích hoạt động kinh doanh. Bài viết khảo sát việc sử dụng thông tin chi phí ở các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho nhà quản trị về việc sử dụng thông tin chi phí trong hoạt động doanh nghiệp.
Lý luận cơ bản về việc sử dụng thông tin chi phí cho mục đích quản trị
Khái niệm về chi phí
Liên đoàn Kế toán quốc tế IFAC (2009) định nghĩa chi phí là giá trị tiền tệ của nguồn lực đã sử dụng để sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện một hoạt động, dịch vụ để cung ứng. Viện Kế toán quản trị Hoa Kỳ (2014) định nghĩa chi phí được đo lường bằng tiền thông qua sử dụng nguồn lực hoặc đầu ra để đạt được một mục đích quản lý cụ thể, hoặc tạo ra một nguồn lực hoặc sản phẩm để cung ứng mà không sử dụng nó.
Sử dụng thông tin chi phí cho lập kế hoạch
Imoro Braimah và cộng sự (2010) khẳng định, thông tin chi phí (TTCP) đóng vai trò quan trọng trong việc lập dự toán chi phí, lợi nhuận, phân bổ nguồn lực, góp phần hoàn thiện quá trình lập kế hoạch của các doanh nghiệp (DN) dịch vụ cấp nước và vệ sinh nông thôn ở Ghana. Nghiên cứu cũng cho rằng, TTCP giúp nhà quản trị dự đoán rủi ro, phát hiện tiềm năng. Andrijana Rogosic (2021) với thực tiễn ở khu vực công tại Croatia cho thấy, TTCP hữu ích nhất cho việc lập kế hoạch nguồn lực trong DN.
Theo Dierks và Cokins (2003), việc lập dự toán chi tiết chi phí cho các hoạt động cũng là vấn đề quan trọng trong quản trị, thiết lập ngân sách dựa trên hoạt động (ABB) có thể đáp ứng yêu cầu này.
Sử dụng thông tin chi phí cho kiểm soát
Để kiểm soát hoạt động kinh doanh, TTCP là thông tin cần thiết nhất cho nhà quản trị. Các thông tin cần cung cấp bao gồm thông tin về chi phí, giá thành, giá bán, lợi nhuận của các phương án kinh doanh, thông tin về việc tiêu dùng nguồn lực trong đơn vị ở các trung tâm chi phí. Các TTCP này phải thể hiện rõ chênh lệch thông tin dự toán và thông tin thực hiện, chênh lệch đó là do nguyên nhân nào và của trung tâm chi phí nào để xác định trách nhiệm của những người có liên quan làm phát sinh chi phí.
Nhà quản trị cần có thông tin về năng lực sản xuất dư thừa của hoạt động, từng phân xưởng, từng trung tâm trong DN, từ đó phân tích biến động chi phí và nguyên nhân để thực hiện kiểm soát hoạt động hiệu quả. Nghiên cứu của Andrijana Rogosic (2021) cho thấy, TTCP hỗ trợ tích cực cho DN khi kiểm soát dịch vụ công. Nghiên cứu về kỹ thuật định mức chi phí và phân tích các chênh lệch giữa chi phí ước tính và thực tế, Johnson và Kaplan (1987) cho rằng, điều này là cần thiết cho kiểm soát chi phí.
Sử dụng thông tin chi phí cho đánh giá hoạt động và ra quyết định
Mục đích của đánh giá hoạt động kinh doanh là nhằm đảm bảo rằng các kết quả thực tế được thực hiện sẽ đúng như kế hoạch đã dự kiến. Để đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận kinh doanh, nhà quản trị cần có TTCP và thông tin phân tích biến động chi phí của từng bộ phận kinh doanh, so sánh tương đối và tuyệt đối với các bộ phận kinh doanh khác và toàn DN. Để thực hiện chức năng đánh giá hoạt động kinh doanh, nhu cầu thông tin của nhà quản trị bao gồm TTCP chênh lệch, thông tin phân tích biến động chi phí, và TTCP bộ phận.
Thông thường, ra quyết định được thực hiện ở tất cả các khâu của quá trình tổ chức hoạt động kinh doanh bao gồm cả định giá bán sản phẩm, ra quyết định trong một số trường hợp đặc biệt. Theo Mevellec và Bertrand (2005), dựa trên nền tảng ABC, việc quản trị theo hoạt động (ABM) đã ra đời và tập trung vào việc đánh giá hoạt động nào hiệu quả hay không hiệu quả, hoạt động nào cần phải cắt bỏ nếu không cần thiết, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thời gian đáp ứng nhu cầu khách hàng và việc quản trị này là cơ sở giúp duy trì hệ thống ABC. Kaplan và Cooper (1998) cho rằng, thông tin về khả năng lãi lỗ của từng sản phẩm, từng khách hàng có thể hỗ trợ nhà quản trị trong việc sản xuất thêm hoặc loại bỏ một dòng sản phẩm nào đó.
Đánh giá mức độ sử dụng thông tin chi phí cho mục đích quản trị của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Tác giả gửi Phiếu điều tra nghiệp vụ tới 240 nhân viên bộ phận kế toán/bộ phận tài chính tại 48 DN lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm thu thập dữ liệu về việc sử dụng TTCP tại các đơn vị, đánh giá các thành phần trong thang đo mức độ sử dụng TTCP. Số lượng phiếu thu về đạt tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu là 120 phiếu từ các đối tượng là kế toán trưởng và kế toán viên tại các DN.
Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 mức độ để đo lường mức độ sử dụng TTCP của các DN lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, các giá trị trung bình được tiến hành sử dụng cho phân tích mức độ sử dụng TTCP theo căn cứ sau đây:
- Mức điểm trung bình từ 1,0 đến 1,80: Rất không tốt
- Mức điểm trung bình từ 1,81 đến 2,6: Không tốt
- Mức điểm trung bình từ 2,61 đến 3,40: Tương đối tốt
- Mức điểm trung bình từ 3,41 đến 4,20: Tốt
- Mức điểm trung bình từ 4,21 đến 5,0: Rất tốt
Đánh giá thực trạng mức độ sử dụng thông tin chi phí cho lập kế hoạch
Bảng 1 là kết quả phân tích giá trị trung bình đối với nhân tố “Sử dụng TTCP cho việc lập kế hoạch” trong mô hình.
Bảng 1: Giá trị trung bình của các biến quan sát trong thang đo “Sử dụng thông tin chi phí cho việc lập kế hoạch" |
|||
Biến quan sát |
Tên biến |
Giá trị trung bình |
Ý nghĩa |
UCI.PLAN1 |
TTCP sử dụng để lập dự toán chi phí, xây dựng định mức chi phí, chi phí mục tiêu theo kế hoạch đưa ra. |
3,12 |
Tương đối tốt |
UCI.PLAN1 |
TTCP sử dụng để phân bổ nguồn lực trong công ty. |
3,11 |
Tương đối tốt |
UCI.PLAN1 |
TTCP sử dụng cho việc dự toán lợi nhuận của sản phẩm/ dòng sản phẩm/bộ phận/trung tâm |
2,54 |
Không tốt |
UCI.PLAN1 |
TTCP sử dụng cho việc dự báo: rủi ro, cơ hội, đe doạ, tiềm năng. |
2,78 |
Tương đối tốt |
Nguồn: Phân tích dữ liệu của tác giả
Các đáp viên đánh giá mức độ sử dụng TTCP cho lập kế hoạch ở mức tương đối thấp. Cụ thể, TTCP sử dụng để lập dự toán chi phí, chi phí mục tiêu được đánh giá ở mức cao nhất với giá trị trung bình là 3,12. Tuy nhiên, các nhà quản trị chưa đánh giá cao nhu cầu TTCP mục tiêu, bởi lẽ theo quan điểm của họ, việc xác định chi phí mục tiêu khá phức tạp và khó xác định trong điều kiện hạn chế về phương tiện kỹ thuật. Ngoài ra, tại hầu hết các DN, chi phí định mức và chi phí dự toán được xây dựng đầu kì kế toán dựa trên các thông tin về giá thị trường của nguyên vật liệu và chi phí thực tế phát sinh ở kỳ trước. Đồng thời, việc xây dựng định mức mới chỉ thực hiện với chi phí nguyên liệu trực tiếp cho từng đối tượng chi phí, chưa xây dựng định mức chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung.
Hơn nữa, do mức độ thực hiện phân loại chi phí kinh doanh biến đổi và cố định mới ở mức độ thấp, do vậy hầu hết các DN chưa thể phân bổ chi phí sản xuất chung biến đổi và chi phí sản xuất chung cố định để phục vụ xây dựng định mức chi phí. Tiếp theo là TTCP được sử dụng để phân bổ nguồn lực trong công ty với giá trị trung bình là 3,11, sau đó là TTCP sử dụng cho việc dự báo: rủi ro, cơ hội, đe doạ, tiềm năng với giá trị trung bình là 2,78, thấp nhất là TTCP sử dụng cho việc dự toán lợi nhuận của sản phẩm/dòng sản phẩm/bộ phận/trung tâm với giá trị trung bình là 2,54, được đánh giá là tương đối thấp.
Đánh giá thực trạng mức độ sử dụng thông tin chi phí cho kiểm soát
Bảng 2 là kết quả phân tích giá trị trung bình đối với nhân tố “Sử dụng TTCP cho kiểm soát hoạt động” trong mô hình.
Bảng 2: Giá trị trung bình của các biến quan sát trong thang đo “Sử dụng thông tin chi phí cho kiểm soát hoạt động” |
|||
Biến quan sát |
Tên biến |
Giá trị trung bình |
Ý nghĩa |
UCI.CON1 |
Sử dụng thông tin về chênh lệch giữa chi phí thực tế và định mức/dự toán cho công tác quản trị |
2,43 |
Không tốt |
UCI.CON2 |
Sử dụng thông tin về chi phí - giá thành thực tế của các đối tượng: hoạt động, sản phẩm/dòng sản phẩm, kênh phân phối, khách hàng, trung tâm trách nhiệm |
3,44 |
Tốt |
UCI.CON3 |
Sử dụng thông tin biến động chi phí và những nguyên nhân để nhà quản lý thực hiện kiểm soát. |
2,12 |
Không tốt |
UCI.CON4 |
Sử dụng TTCP để cải tiến các hoạt động hiệu quả hơn trong việc sử dụng nguồn lực |
3,12 |
Tương đối tốt |
UCI.CON5 |
Sử dụng thông tin về năng lực sản xuất dư thừa của hoạt động/ phân xưởng/ trung tâm trong công ty |
2,26 |
Không tốt |
UCI.CON6 |
Sử dụng TTCP để kiểm soát và cắt giảm chi phí của hoạt động, sản phẩm/dòng sản phẩm/bộ phận/trung tâm |
2,79 |
Tương đối tốt |
Nguồn: Phân tích dữ liệu của tác giả
Các đáp viên đánh giá mức độ sử dụng TTCP cho kiểm soát hoạt động tương đối thấp. Cụ thể, việc sử dụng thông tin về chi phí - giá thành thực tế của các đối tượng được đánh giá ở mức cao nhất với giá trị trung bình là 3,44. Theo khảo sát các kế toán trưởng, kế toán viên tại các khách sạn, TTCP thực hiện chủ yếu được tập hợp theo sản phẩm, công việc hoặc đơn đặt hàng. Các DN hiện nay chưa cung cấp TTCP theo quá trình, TTCP theo Kaizen, và TTCP theo chu kỳ sống sản phẩm dịch vụ, bởi theo đánh giá của các nhà quản trị, các phương pháp này không thực sự phù hợp với đặc thù kinh doanh, DN chưa đủ các phương tiện kỹ thuật và nguồn nhân lực chưa đủ để áp dụng các phương pháp này.
Việc chưa áp dụng các phương pháp kế toán chi phí hiện đại còn do các quá trình hoạt động kinh doanh chưa được phân biệt rõ ràng, chẳng hạn nhiều DN có các bộ phận sản xuất phụ trợ, sử dụng chung cơ sở vật chất để phục vụ việc SXKD nhiều nhóm hàng khác nhau. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng xác định chi phí theo quá trình, hoặc theo chu kỳ sống sản phẩm, dịch vụ. Về phương pháp phân bổ chi phí sản xuất chung, DN thực hiện phân bổ các chi phí gián tiếp theo một tiêu thức nhất định, chưa thực hiện phân bổ chi phí theo hoạt động. Tiếp theo là TTCP chênh lệch giữa dự toán và thực tế với giá trị trung bình là 2,43, đây cũng là một mức đánh giá không tốt.
Sau đó là việc sử dụng TTCP để cải tiến các hoạt động hiệu quả hơn trong việc sử dụng nguồn lực với giá trị trung bình là 3,12, thấp nhất là sử dụng thông tin về năng lực sản xuất dư thừa của hoạt động/phân xưởng/trung tâm trong công ty, và sử dụng TTCP để kiểm soát và cắt giảm chi phí của hoạt động, sản phẩm/dòng sản phẩm/bộ phận/trung tâm với giá trị trung bình lần lượt là 2,26 và 2,79. Các nhà quản trị chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng TTCP cho việc kiểm soát cắt giảm chi phí theo từng loại sản phẩm, dòng sản phẩm. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến các DN, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đánh giá thực trạng mức độ sử dụng thông tin chi phí cho đánh giá hoạt động và ra quyết định
Bảng 3 là kết quả phân tích giá trị trung bình đối với nhân tố “Sử dụng TTCP cho đánh giá hoạt động và ra quyết định” trong mô hình.
Bảng 3: Giá trị trung bình của các biến quan sát trong thang đo |
|||
“Sử dụng TTCP cho đánh giá hoạt động và ra quyết định” |
|||
Biến quan sát |
Tên biến |
Giá trị trung bình |
Ý nghĩa |
UCI.DEC1 |
Sử dụng TTCP để đánh giá được hiệu quả của sản phẩm/dòng sản phẩm/bộ phận/trung tâm/nhân viên. |
3,43 |
Tốt |
UCI.DEC2 |
Sử dụng TTCP để phân tích và đánh giá lợi nhuận của khách hàng. |
3,12 |
Tương đối tốt |
UCI.DEC3 |
Sử dụng TTCP để ra quyết định thêm hoặc loại bỏ sản phẩm, dòng sản phẩm hoặc bộ phận trong công ty |
2,54 |
Không tốt |
UCI.DEC4 |
Sử dụng TTCP để nhà quản lý ra các quyết định: CVP, phân bổ nguồn lực, khen thưởng, tự làm hay mua ngoài, đầu tư mới công nghệ… |
3,11 |
Tương đối tốt |
UCI.DEC5 |
Sử dụng TTCP cho việc xác định giá bán cho sản phẩm mới |
3,90 |
Tốt |
UCI.DEC6 |
Sử dụng TTCP cho việc điều chỉnh giá hàng kỳ cho các sản phẩm hiện hữu. |
3,96 |
Tốt |
UCI.DEC7 |
Sử dụng TTCP cho việc ra quyết định giá bán trong một số trường hợp đặc biệt: đơn hàng khối lượng lớn, sản phẩm hỗn hợp, năng lực sản xuất dư thừa |
3,98 |
Tốt |
Nguồn: Phân tích dữ liệu của tác giả
Theo khảo sát nghiệp vụ đối với bộ phận kế toán, 100% các DN chưa thực hiện đánh giá hoạt động theo phương pháp chi phí chênh lệch, chưa xác định mức độ chênh lệnh về chi phí thực tế phát sinh, chi phí định mức, đồng thời, chưa tiến hành so sánh chi phí thực tế phát sinh kỳ này với chi phí thực tế kỳ trước, chưa áp dụng các phương pháp đánh giá hoạt động bằng thẻ điểm cân bằng nên chưa khai thác được những ưu thế của mô hình này. Tuy vậy, 83% DN thực hiện đánh giá hoạt động theo bộ phận.
Đồng thời, các DN đang thực hiện ra quyết định mua hàng theo phương pháp tính toán các chi phí hàng mua và chi phí liên quan đến việc mua hàng, thực hiện so sánh giá giữa các nhà cung cấp để ra quyết định lựa chọn nhà cung cấp. Hầu hết các DN chưa áp dụng bất kì mô hình khoa học cụ thể nào cho quá trình ra quyết định mua hàng, việc vận dụng TCO, TQM, EOQ, POQ được nhà quản trị cho là không cần thiết. Có đến 63% các DN chưa vận dụng phân tích mối quan hệ Chi phí – Khối lượng – Lợi nhuận để hỗ trợ tốt hơn việc ra quyết định. Điều này căn bản chưa thực hiện được là do các DN chưa tiến hành phân loại chi phí theo mối quan hệ chi phí với khối lượng hoạt động (chi phí biến đổi và chi phí cố định.
Các nhà đáp viên đánh giá mức độ sử dụng TTCP cho lập kế hoạch ở mức tương đối tốt. Cụ thể, TTCP sử dụng để ra quyết định về giá trong các trường hợp như sản phẩm mới, khi cần điều chỉnh giá, khi cần ra quyết định giá bán cho đơn đặt hàng với các giá trị trung bình lần lượt là 3,90; 3,96; 3,98.
Tiếp theo là TTCP được sử dụng để đánh giá được hiệu quả của sản phẩm/dòng sản phẩm/bộ phận/trung tâm/nhân viên với giá trị trung bình là 3,43, sau đó là TTCP sử dụng cho việc phân tích và đánh giá lợi nhuận của khách hàng với giá trị trung bình là 3,12, thấp nhất là TTCP sử dụng cho việc Sử dụng TTCP để ra quyết định thêm hoặc loại bỏ sản phẩm, dòng sản phẩm hoặc bộ phận trong công ty với giá trị trung bình là 2,54, được đánh giá là tương đối thấp.
Kết luận
Qua khảo sát sơ bộ, việc sử dụng thông tin chi phí ở hầu hết các DN Thanh Hóa mới phục vụ cho các mục đích thuần túy như xác định kết quả kinh doanh, ghi nhận chi phí, mà chưa khai thác tối ưu việc sử dụng thông tin chi phí cho việc thực hiện các chức năng của nhà quản trị để từ đó tối đa hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhìn chung, mức độ sử dụng TTCP ở các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đánh giá ở mức tương đối tốt. Trong thời gian tới, nhà quản trị DN cần nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng TTCP dự toán, lập kế hoạch hoạt động kinh doanh, tăng cường sử dụng các thông tin chi phí theo các phương pháp hiện đại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà quản trị. Đối với các DN Thanh Hóa cần nhận thức được vai trò của hệ thống thông tin, đặc biệt là thông tin chi phí và hiểu rõ sự tác động của việc sử dụng thông tin chi phí tới hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, các DN cũng cần phải tìm giải pháp đổi mới quản trị, từng bước giải quyết các hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra, phục hồi và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Sách trắng DN Việt Nam 2022;
- Hoàng Huy Cường (2021), Các nhân tố ảnh hưởng đến sử dụng thông tin chi phí và những tác động của việc sử dụng thông tin chi phí đến kết quả hoạt động - nghiên cứu tại các DN miền nam Việt Nam, LATS, ĐH KTTPHCM;
- Clark, K.B., & T. Fujimoto.T., (1991), Product Development Performance: Strategy, Organization, and Management in the World Auto Industry, Harvard Business School Press, Boston, MA;
- IMA (2014), The Association of Accountants and Financial Professionals in Business, The Conceptual Framework for Managerial Costing;
- IFAC (2009), Evaluating and Improving Costing in Organizations. International Good Practice Guidance, PAIB Committee;
- Kaplan, R. S., Norton, D. P., (1996), The balanced scorecard: translating strategy into action. Boston, MA: Harvard Business School Press.