Mục tiêu cao nhất là hoàn thành dự toán thu ngân sách trung ương
Đây là quan điểm chỉ đạo mà Tổng cục Thuế yêu cầu toàn hệ thống thực hiện quyết liệt đến những giờ phút cuối cùng của năm 2017 để phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ thu NSNN được giao.
Báo cáo tại buổi họp giao ban diễn ra ngày 6/12/2017 cho biết, trong tháng 11 Tổng cục Thuế tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, nhất là ngân sách trung ương theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Theo đó, toàn ngành đã hoàn thành kế hoạch xây dựng thể chế chính sách theo tiến độ; tăng cường tuyên truyền chính sách thuế mới và các dịch vụ thuế điện tử, nhất là hóa đơn điện tử và dịch vụ hoàn thuế điện tử; giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp.
Đặc biệt, với trọng tâm đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu thuế, qua 11 tháng, toàn ngành đã thực hiện 86.551 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 95,3% kế hoạch cả năm 2017, tăng 15,39% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 16.325,87 tỷ đồng, bằng 119,7%; giảm khấu trừ 1.507,88 tỷ đồng, bằng 194%; giảm lỗ 31.520,32 tỷ đồng, bằng 189,79% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số tiền thuế đã nộp vào ngân sách là 11.978 tỷ đồng, đạt 73,41% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 154,97% so với cùng kỳ năm 2016. Cũng với các giải pháp quyết liệt trong quản lý, đôn đốc, thu hồi nợ thuế, đến thời điểm 31/10/2017, cơ quan thuế các cấp đã thu nợ được 39.894 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 81,8% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Những cố gắng, nỗ lực trên từng mặt công tác đã đưa tổng số thu NSNN do ngành thuế thực hiện ước đạt 86.000 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán. Luỹ kế 11 tháng, ngành thuế thu NSNN được 887.411 tỷ đồng, bằng 91,6% dự toán, tăng 14,4% so với cùng kỳ (không bao gồm phần thu từ bán cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp).
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 41.633 tỷ đồng, bằng 108,7% dự toán, tăng 14,4%; thu nội địa ước đạt 845.778 tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 751.059 tỷ đồng, bằng 86,7% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2016.
Đến thời điểm này, đã có 11/17 khoản thu, sắc thuế ước thu đạt khá (trên 92% dự toán) và 14/17 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Đáng chú ý có những khoản thu đạt được mức tăng cao khi xét cả 2 tiêu chí, đó là: thuế thu nhập cá nhân ước đạt 92,5% dự toán, tăng 23,9% so với cùng kỳ; thu phí, lệ phí đạt 111,4%, tăng gấp 2,31 lần; tiền sử dụng đất đạt 148,7%, tăng 29,1%; tiền cho thuê đất đạt 184,5%, tăng 17,3%...
Cùng với kết quả thu huy động nguồn lực cho NSNN, Tổng cục Thuế đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngay tại cơ quan đầu não của ngành, công tác chỉ đạo, điều hành diễn ra hết sức quyết liệt. Theo đó trong tháng 11, ngoài việc đảm bảo hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ đã đăng ký với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo hoạt động quản lý trong toàn hệ thống cơ quan thuế các cấp được thông suốt, hiệu quả.
Đặc biệt, với nhiều giải pháp chỉ đạo, hỗ trợ, đôn đốc doanh nghiệp triển khai các dịch vụ điện tử do ngành thuế cung cấp, tính đến ngày 30/11/2017, đã có 631.245 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,82% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử là 616.985 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 97,57%, với số tiền đã nộp NSNN từ 1/1/2017 đến nay là 469.498 tỷ đồng, thông qua 2.734.610 giao dịch nộp thuế điện tử. Cũng tính đến hết tháng 11/2017, đã có 2.951 doanh nghiệp thực hiện kê khai hoàn thuế điện tử, đạt 40,31% số tham gia thí điểm; qua đó, trong tổng số 7.204 hồ sơ tiếp 26,344 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70,2%.
Với các đề án khai nộp thuế điện tử đối với khu vực thể nhân, đến hết tháng 11, trong diện thí điểm, ngành thuế đã tiếp nhận 37.903 tờ khai điện tử về hoạt động cho thuê nhà và thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản; dần mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu; hệ thống CNTT ngành thuế cũng đã sẵn sàng thực hiện khai, nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ ô tô, xe máy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở này, Tổng cục Thuế đang hoàn thiện các căn cứ pháp lý để triển khai nộp thuế điện tử trên diện rộng. Riêng về triển khai hóa đơn điện tử tại hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 11, cơ quan thuế đã xác thực được 5,33 triệu hóa đơn với số tiền thuế được xác thực 3.247 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu xây dựng chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; tiếp tục ban hành mới và sửa đổi các đề án, quy trình nghiệp vụ liên quan đến người nộp thuế theo đúng tiến độ đã đề ra; đồng thời đẩy mạnh việc phát triển ứng dụng đáp ứng yêu cầu triển khai các quy trình, chính sách mới và yêu cầu sửa đổi chính sách nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm số giờ tuân thủ về thuế.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, kết quả thực hiện nhiệm vụ đến thời điểm này đã cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra và tạo tiền đề vững chắc để toàn ngành phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, với mục tiêu, yêu cầu phải phấn đấu thu đạt dự toán thu ngân sách trung ương, trong tháng còn lại của năm, Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành tập trung rà soát các nguồn thu còn dư địa, các lĩnh vực còn có khả năng tăng thu để đưa vào khai thác, quản lý.
Trên cơ sở số dự toán được giao còn khuyết thiếu, các đơn vị thu phải cụ thể hóa đến từng bộ phận, từng cán bộ trách nhiệm đôn đốc, tăng thu vào ngân sách. Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các giải pháp về quản lý, khai thác nguồn thu, để đảm bảo động viên kịp thời, sát đúng, đầy đủ các khoản thu phát sinh vào NSNN.
Đặc biệt, khi thời gian đến đích chỉ còn tính bằng ngày, toàn ngành cần tập trung thời gian, ưu tiên nhân sự cho công tác chống thất thu; đồng thời tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế để giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao.