Muốn khởi nghiệp, cần hiểu thị trường
Theo một khảo sát công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 7 trong số 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm đang ở mức độ nào? Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, có rất nhiều cơ hội mới mở ra…? Phóng viên đã trao đổi với TS. CAO SỸ KIÊM về nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, ông có ý kiến gì về tinh thần khởi nghiệp cao của người dân Việt Nam theo như khảo sát của một số tổ chức quốc tế?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Phải nói là người dân Việt Nam rất có tinh thần hăng hái làm giàu. Sau khi chúng ta đổi mới, nhất là việc điều chỉnh một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, người dân được tự do hơn để khởi nghiệp và chọn những lĩnh vực phù hợp để phát triển. Những cơ chế chính sách mới mở ra các điều kiện, yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh doanh, nên đã kích thích người dân muốn làm giàu, hăng hái làm giàu, có điều kiện để làm giàu thông qua khởi nghiệp các ngành nghề của mình.
Vậy, ông đánh giá như thế nào về các điều kiện gia nhập thị trường của những người muốn khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay?
Gia nhập thị trường có nguyên tắc riêng, nếu biết thích nghi thì tồn tại, phát triển bền vững, nếu không sẽ bị thui chột, hoặc phải rời khỏi thị trường ngay. Trên thế giới và nước ta cũng thế, khi đi vào kinh tế thị trường thì phải theo nguyên tắc. Chúng ta chấp nhận, thích nghi được nguyên tắc thì phát triển hoặc chúng ta vi phạm, làm thiếu bài bản thì chúng ta bị trả giá. Điều kiện cho người lập nghiệp phải bảo đảm các yếu tố: vốn, nghề, thị trường, năng lực, khoa học kỹ thuật, chất lượng nguồn lực. Quan trọng nhất là thị trường, nếu không có thị trường thì không có doanh nghiệp.
Doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì phải tìm hiểu thị trường, xem thị trường cần gì, yếu tố nào thích nghi được, có thể phát huy, phát triển được. Khi đã có thị trường thì tìm ra vốn, tín dụng qua các huy động trên thị trường. Khi có vốn, chúng ta mở mang khoa học kỹ thuật, tìm nhân sự, nhân tài, phù hợp cho ý đồ, ý định khi lập nghiệp. Sau đó có mối quan hệ tốt, vững vàng từ thấp lên cao và từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, sau đó chúng ta đi vào thị trường vững vàng hơn, có chất lượng, hiệu quả hơn. Đấy là yếu tố tổng hợp khi chúng ta muốn khởi nghiệp hay đi vào thị trường.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho người dân có tiền, có vốn nhưng còn e dè khởi sự doanh nghiệp?
Ngoài điều kiện tốt hơn mà chưa hoàn chỉnh, chưa làm người ta mạnh dạn để đầu tư vốn thì còn ý thức trách nhiệm phục vụ của các cơ quan công quyền. Mặc dù ở các ngành thuế, hải quan, tín dụng đã có cải tiến, cơ chế phù hợp với tình hình hiện nay nhưng sự thực thì chưa đầy đủ. Tình trạng tham nhũng, quan liêu trong bộ máy diễn ra gần như phổ biến, khắc phục chậm và lòng tin bị giảm. Không phải ở một chỗ, mà phổ biến nhiều chỗ, ở mức độ khác nhau. Chúng ta đã tìm ra rất nhiều giải pháp, xử lý mạnh nhưng hiện vẫn còn tiêu cực, tác động không tốt với doanh nghiệp, kể cả trong sản xuất, kinh doanh như tiêu thụ, chế biến… Tất cả những vấn đề đó làm hạn chế với người có ý thức làm giàu, do cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền hoặc những thực hiện cơ chế chính sách chưa được đồng bộ, chưa khớp với nhau.
Cơ chế, chính sách phải rõ ràng
Thưa ông, khi nhắc đến khởi nghiệp, quốc gia luôn được nhắc tới đó là Israel, ở đó người ta khuyến khích khởi nghiệp mạnh mẽ và thậm chí còn chào đón thất bại, coi đó là cơ hội để bắt đầu lại. Chúng ta có thể học gì ở đất nước Israel về tinh thần khởi nghiệp, thưa ông?
Chính phủ Israel có hệ thống luật lệ, cơ chế rất rõ ràng, dứt khoát, đi theo kinh tế thị trường mạnh mẽ, đồng bộ với tất cả cơ quan công quyền của nhà nước. Họ có kỷ cương, kỷ luật rất nghiêm túc; hệ thống thể chế rõ ràng nên rủi ro cho doanh nghiệp không nhiều. Khi người ta thực hiện khởi nghiệp thì có sự động viên, giúp đỡ, tạo cơ hội để mọi người phát huy tiềm năng, thế mạnh, có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.
Tôi cũng đã đi và gặp nhiều đối tác của người Israel thì họ có tính kiên trì, có phương pháp giới thiệu, quảng bá, đi vào những vấn đề kỹ thuật, hạ tầng, chất lượng nguồn lực rất nghiêm túc và họ coi đây là kỷ luật thành công. Họ cũng không có đố kỵ với người mới gia nhập thị trường hay bị thất bại. Họ khuyến khích để đi đến cùng hoặc khắc phục tồn tại đến cùng. Cho nên mỗi người sau đợt giao dịch hay kinh doanh chu kỳ sản xuất thì đều trưởng thành, có kinh nghiệm sống, đóng góp cho cộng đồng, cũng như đất nước của họ.
Để hội nhập nhanh và sâu, chúng ta cần những yếu tố nào, thưa ông?
Khi hội nhập sâu rộng hơn, có 3 yếu tố rất mạnh mẽ để chúng ta phát huy, phát triển. Thứ nhất, thị trường kinh doanh rộng hơn. Thứ hai, chúng ta ở nước nông nghiệp, lao động rẻ, có nhiều cái chưa khai thác, vẫn còn tiềm năng, nên chúng ta cần được hỗ trợ nhất là vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý. Thứ ba, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm từ các thị trường. Kể cả thị trường khu vực cũng như thị trường thế giới, kể cả thị trường hùng mạnh có kinh nghiệm quản lý và công nghệ như thị trường Mỹ, thị trường EU, thị trường Nhật.
Cũng như các thị trường phù hợp với chúng ta, có thể phát huy rất nhanh như Trung Quốc, ASEAN. Chúng ta huy động vốn, chúng ta học tập kinh nghiệm quản lý, các ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ trưởng thành dần trong nghề nghiệp, trong kỹ thuật cao. Nhật Bản đưa kỹ thuật nông nghiệp sang, Mỹ đưa kỹ thuật công nghiệp sang. Trình độ quản lý của họ rất tốt nên mình có điều kiện học trình độ quản lý, kỹ thuật, nâng chất lượng hệ thống cạnh tranh và cả điều chỉnh hệ thống luật lệ của mình. Đấy là thuận lợi rất tốt để chúng ta khai thác, phát huy, phát triển trong điều kiện hiện nay, cũng là yếu tố để chúng ta hội nhập nhanh, toàn diện hơn để có sự đột phá, tăng nhanh hơn vào những năm tới.
Khởi sự kinh doanh có lẽ không khó, nhưng làm thế nào để doanh nghiệp đứng vững và phát triển, thưa ông?
Doanh nghiệp Việt Nam chưa đi vào nền tảng, chưa đi vào vấn đề cốt lõi cơ bản, muốn doanh nghiệp phát triển thì phải có tư duy, nhận thức, rõ ràng đẩy đủ kể cả về pháp luật, thị trường, cách kinh doanh để có thể tự phán đoán, tự hoạch định chiến lược kinh doanh. Chúng ta phải có hệ thống kỹ thuật khoa học tiên tiến, hợp với xu thế thế giới và hợp với đối tác chúng ta giao dịch. Chúng ta phải có thị trường phát triển mạnh mẽ trong nước, vươn ra nước ngoài kể cả thị trường vốn, lao động kỹ thuật, thị trường sản phẩm hàng hóa.
Tất cả hệ thống thị trường thì phải phát triển tương đối đồng bộ. Các dịch vụ của cơ quan công quyền trong hệ thống chính sách cũng như quy hoạch kế hoạch trong trọng tâm trọng điểm, điều hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp mà họ không làm được, bản thân từng doanh nghiệp làm không thành công như quy hoạch đào tạo, phát triển thị trường, thủ tục hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế… Một doanh nghiệp là không làm được, Nhà nước phải đứng lên làm có hệ thống, đồng bộ mới giúp doanh nghiệp có thuận lợi từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ.
Xin cảm ơn ông!