Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp cho thấy chuyện khởi nghiệp đã trở nên quan trọng và được tôn vinh như thế nào. Không cần phải nhìn xa đến tận Israel nhưng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam phải bằng những công việc thiết thực và mang tầm vóc quốc gia.
Tạo làn sóng đầu tư thứ hai
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Việt Nam đặt ra trong năm 2016 là phải nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai với tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Nhìn lại thì chuyện thúc đẩy khởi nghiệp không phải là chuyện mới, bây giờ mới được đề cập đến. Cách đây hơn 13 năm, Chương trình Khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng đã ra đời và đã có nhiều dự án khởi nghiệp nhận được sự hưởng ứng tích cực từ giới trẻ. Tiếc rằng những hành động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp như thế này vẫn là quá ít, quá hạn hẹp.
Bởi vậy, việc chọn năm nay là Năm quốc gia khởi nghiệp là việc rất có ý nghĩa khi đây là một chỉ mốc cho thấy có sự quan tâm, vào cuộc của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân liên đới ở quy mô toàn quốc, trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ở mọi thành phần xã hội... Tuy nhiên, để tránh việc lặp lại những vấn đề với các chương trình khác nặng về hình thức mà kết quả mang lại không được bao nhiêu, chương trình khởi nghiệp quốc gia cần được hậu thuẫn bởi những thay đổi ở tầm vóc và quy mô quốc gia tương xứng.
Hạn chế lớn nhất mà nhiều người hay nhắc đến là Việt Nam thiếu một môi trường nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp. Nhưng tiếc rằng ví dụ so sánh thường xuyên được nhắc đến lại hầu như chỉ là một nước duy nhất, Israel, nơi mỗi cá nhân đều có ý thức tự mình muốn khởi tạo một doanh nghiệp, một lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới, còn cộng đồng và doanh nghiệp thì luôn có ý thức hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp. Bởi vậy, nếu “nhắm” đến mô hình Israel thì e rằng Việt Nam sẽ khó trở thành một ngoại lệ thứ hai như nước này.
Do đó, một môi trường nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cần phải được hiểu một cách thông dụng hơn như ở hầu hết các nước tư bản phát triển, nơi mà những ý tưởng sản xuất kinh doanh mới được thỏa sức phát triển nếu chủ nhân của chúng muốn. Trong môi trường đó, các luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ được thực thi nghiêm túc, tạo điều kiện cho chủ nhân những ý tưởng mới thấy được tương lai sáng lạn nếu họ thành công trong việc hiện thực hóa ý tưởng của mình thành sản phẩm cụ thể và đưa chúng ra được thị trường.
Môi trường nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cũng cần phải bảo đảm cho các cá nhân và tổ chức tham gia cấp vốn cho các ý tưởng sản xuất và kinh doanh mới được bảo vệ đầy đủ và thích hợp bởi pháp luật nhằm bảo đảm cho họ gặt hái lợi nhuận khi ý tưởng mới này được thực hiện, và hạn chế được các hành vi trục lợi gây thiệt hại cho họ.
Trên giác độ rộng hơn, môi trường thích hợp cho việc khởi nghiệp phải là môi trường ngày càng tạo ra nhiều người khát khao, mong muốn làm một cái gì đó riêng của mình. Mà để làm được việc này thì cần phải có những chuyển biến cũng ở tầm quốc gia. Ví dụ như chừng nào còn chuyện xin được một việc làm trong nhà nước có nghĩa là sẽ được yên ổn “hưởng lộc” cả đời, làm cho thanh niên, sinh viên ra trường tìm mọi cách để “chui” vào nhà nước thì chừng đó tinh thần khởi nghiệp sẽ còn bị thui chột trong một bộ phận lớn giới trẻ. Mà để khắc phục được điểm này thì lại động chạm đến những vấn đề lớn hơn như giảm biên chế, tăng cường minh bạch, xử lý mạnh tệ nạn tham nhũng… làm giảm tính hấp dẫn của khu vực nhà nước.
Cần chuyển biến mạnh từ hệ thống giáo dục
Hệ thống giáo dục cũng phải có những chuyển biến mạnh về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, giảng dạy để giảm thiểu tinh thần học để làm “thầy”, làm “quan”; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp để học sinh ra trường biết chọn hướng đi thích hợp với khả năng của mình; khơi gợi khả năng sáng tạo thay vì cách học nhồi sọ, một chiều như hiện tại vốn chỉ tạo ra những con người thụ động, phục tùng và ỷ lại vào người khác... Có thể nói, hệ thống giáo dục là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong hệ thống các yếu tố nuôi dưỡng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp hiện đang là điểm rất yếu ở Việt Nam.
Ngay cả những vấn đề tưởng như rất to tát, xa xôi, chẳng mấy liên quan đến tinh thần khởi nghiệp thực ra cũng lại có liên quan đến nó, ví như chuyện đổi mới tư duy về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), về doanh nghiệp tư nhân. Nếu DNNN vẫn cứ được xác định là xương sống của nền kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ được thừa nhận là có tầm quan trọng, nhưng đứng ở hạng thứ hai, thứ ba về trật tự ưu tiên tiếp cận với các nguồn lực và đặc lợi của nhà nước thì sẽ chẳng có mấy người dám mạo hiểm khởi nghiệp để rồi phải đối mặt với đủ thứ bất lợi, khó khăn, chèn ép. Cũng sẽ chẳng có mấy người cảm thấy vinh dự, tự hào khi tự mình khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp của mình để rồi vẫn cứ luôn cảm thấy mình ở “chiếu dưới” trong thứ bậc xã hội so với các DNNN và doanh nghiệp nước ngoài.
Tóm lại, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam không cần phải nhìn xa đến tận Israel nhưng cũng không đơn giản thực hiện được bằng những giải pháp cục bộ, chung chung mang tính hình thức, kêu gọi hay cổ vũ suông, mà phải bằng những công việc thiết thực nhưng phần lớn mang tầm vóc quốc gia như nói ở trên.