Muốn không chậm chân, doanh nghiệp phải thay đổi

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

Với EVFTA, cơ hội cho thương mại và đầu tư tăng nhưng nếu không chuẩn bị đủ tốt, không nâng được nội lực sẽ không tiếp nhận được các cơ hội đó một cách tốt nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khát vọng vượt lên

Chia sẻ tại Hội thảo “EVFTA: Những điều DN cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/9, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, EU là đối tác nhập khẩu lớn với sức mua đứng thứ hai thế giới, và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua.

Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore). Vì thế, EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho Việt Nam và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN Việt thời gian qua.

Dẫn số liệu từ Bộ Công thương, ông Lộc cho biết chỉ trong tháng 8 - tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực, đã có trên 7.200 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy những tín hiệu rất khả quan khi các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng tới 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020, và 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9 vừa qua.

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực EU và EVFTA vừa chính thức có hiệu lực, nhưng đã có một số DN Việt bắt đầu gặt hái được lợi ích từ hiệp định này, đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến nhận định phần lớn DN vẫn chưa nhận diện được các cơ hội cụ thể từ EVFTA cho DN mình, phần vì nội dung quá đồ sộ và phức tạp, phần vì chưa biết hoặc chưa triển khai những hành động cụ thể, thích hợp để tận dụng. Theo Chủ tịch VCCI, EVFTA tạo nhiều kỳ vọng, giúp gia tăng và đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA hứa hẹn mang lại, các DN cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết EVFTA cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó mới có thể hành động chuẩn bị, tận dụng cam kết một cách phù hợp.

Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, EVFTA đến đúng vào thời điểm chúng ta đang có nhiều khát vọng lớn và mới để vượt lên. “Như chiến lược đến 2030 trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước thu nhập cao. Như vậy là chúng ta đang tự hoạch định cho mình chiến lược rất tham vọng để phát triển. Cái gì có thể giúp cho Việt Nam hiện thực hóa được chiến lược này? Tôi tin EVFTA sẽ là một trong những công cụ vô cùng quan trọng giúp chúng ta thực hiện được khát vọng của mình”, bà nhận định.

Nhưng cần phải thay đổi

Tuy nhiên theo bà Lan, nếu không có sự chuẩn bị, nỗ lực một cách bền bỉ và liên tục để nắm bắt các cơ hội thì dù có những háo hức lúc đầu nhưng sau đó dễ hụt hơi. Dẫn lại các bài học từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đây, vị chuyên gia này cho biết, dù đã có những chỉ tiêu chúng ta đạt được (như về mục tiêu tăng tăng xuất khẩu, thu hút FDI, mở cửa thị trường…) nhưng vì quá mải miết chạy theo các chỉ tiêu đó nên vấn đề quan trọng nhất là tăng nội lực bên trong mạnh lên tương ứng thì lại chưa làm được.

“Với EVFTA cũng vậy, chúng ta đều đang rất háo hức vì cơ hội cho xuất khẩu tăng, đầu tư công nghệ vào Việt Nam tăng… nhưng nếu mình không chuẩn bị đủ tốt, không nâng được nội lực thì cũng không tiếp nhận được các cơ hội đó một cách tốt nhất. Đây là điều mà tôi e ngại”, bà Lan cho biết.

Nhưng bà cũng tin rằng, lần này sẽ khác lần khác. Bởi 12 bài học FTA trước đây đã là quá đủ. Bên cạnh đó, đại dịch Covid khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy và làm trầm trọng thêm những vấn đề đã tồn tại trước đó như căng thẳng thương mại, thay đổi quan hệ của các nước đối tác lớn... Nhưng điều đó cũng tạo ra một thế mới với Việt Nam là “không thay đổi không được”.

Với DN cũng vậy, giờ là lúc các DN không thể “chơi” được theo cách cũ. Số DN ngừng hoạt động tăng rất nhanh thời gian vừa qua đã cho thấy khó khăn đang lớn thế nào. Muốn tồn tại và phát triển trong thời gian tới, không có cách gì khác là các DN cần chấp nhận đương đầu để thay đổi. Và chính sức ép của EVFTA cũng đang là động lực và tạo ra những cơ hội để các DN thay đổi.

Ông Lưu Hoàng Thái - nhà đàm phán Hiệp định EVFTA của Bộ Công thương cho rằng, tham gia EVFTA, câu chuyện không chỉ là ta sẽ xuất khẩu được bao nhiêu, mà quan trọng là việc kết nối và học hỏi từ thị trường lớn và phát triển hàng đầu này. Ông Thái cho biết, ngay khi EVFTA vừa kết thúc đàm phán, một chủ DN bất động sản đến hỏi cần làm gì để chuyển hướng sang mở một DN sản xuất xuất khẩu sang thị trường EU vì nghe nói rất tiềm năng như vậy. Ông Thái trả lời, ông chỉ là một nhà đàm phán, không có đủ thông tin để trả lời vào các vấn đề cụ thể như vậy. Hay cũng có rất nhiều DN hỏi về những rào cản, bất cập khi tham gia thị trường EU. Theo ông Thái, những thực tế như vậy đặt ra một vấn đề là cần có một cơ quan đầu mối duy nhất để các DN có thể tiếp cận và được cung cấp thông tin, giải đáp các vướng mắc đặt ra.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tương - Phó tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trước nay VCCI là nơi giải đáp các thắc mắc của các DN nhưng chúng tôi kiến nghị VCCI cần trở thành một trung tâm tư vấn pháp lý cho các lĩnh vực của EVFTA cho DN. Bên cạnh đó, vấn đề mà các DN quan tâm nhất hiện nay chủ yếu đến việc thực thi hiệp định. Cụ thể trong lĩnh vực logistics, để giảm bớt khó khăn và thủ tục cho các DN, ông Tương kiến nghị, Bộ Công thương và VCCI nên cải tiến trong việc cấp Giấy chứng nhận C/O (theo phương thức điện tử) và giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành như hiện nay.