Muôn mặt tăng vốn của doanh nghiệp trên UPCoM
Diễn biến thị trường chứng khoán thuận lợi hơn kể từ đầu năm tới nay khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên sàn UPCoM tranh thủ phát hành tăng vốn. Tuy nhiên, chỉ tiêu kinh doanh tại nhiều DN lại không đi liền với tốc độ tăng vốn khủng.
Đầu tháng 8/2016, Công ty cổ phần (CTCP) Phân phối Top One (TOP) vừa thực hiện đợt phát hành 15,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng vốn điều lệ từ 97,5 tỷ đồng lên 253,5 tỷ đồng. Kết quả, toàn bộ 15,6 triệu cổ phần được chào bán thành công, trong đó hơn 9 triệu cổ phần được cổ đông hiện hữu mua và hơn 6 triệu cổ phần còn lại được phân phối cho 5 nhà đầu tư riêng lẻ.
Trước khi lên sàn UPCoM (tháng 7/2015), TOP được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống tăng vốn “khủng”. Vốn điều lệ của TOP khi bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2013 chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Trong năm 2015, qua hai đợt phát hành, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 97,7 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, vốn điều lệ của TOP đã tăng tới hơn 80 lần, từ 3 tỷ đồng lên 253,5 tỷ đồng.
Điểm đáng ngạc nhiên trong các đợt phát hành tăng vốn của TOP gần đây là việc các cổ đông và nhà đầu tư đã chấp nhận mua lại cổ phần với giá phát hành là 10.000 đồng/CP, trong khi thị giá của TOP trên sàn thấp hơn mệnh giá, hiện chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/CP và thanh khoản không hề thấp.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2016 của TOP, cùng với phương án phát hành tăng vốn điều lệ lên 253,5 tỷ đồng, TOP cũng đặt kế hoạch doanh thu tăng tới 7 lần so với năm 2015, đạt 350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27,3 tỷ đồng, gấp 13 lần con số cùng kỳ. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 10%.
Tại CTCP Dệt may Huế (HDM) HDM, cuối tháng 8 vừa qua, công ty này thông báo về đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, HDM sẽ chào bán hơn 5 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/CP nhằm huy động hơn 50 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ 49,99 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.
Phương án sử dụng vốn, theo HDM, hơn một nửa số vốn huy động được sẽ dành để thanh toán các khoản chi phí gồm 20 tỷ đồng trả lương cho nhân viên và 5,25 tỷ đồng thanh toán tiền điện. Số còn lại (24,75 tỷ đồng) được dùng để mua khoảng 1.100 tấn xơ polyester để sản xuất sợi (sử dụng trong 2 tháng).
Lý giải việc tăng vốn lên gấp đôi, nhưng kế hoạch kinh doanh của HDM có phần không tương xứng (1.570 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với thực hiện 2015; lợi nhuận trước thuế ước đạt 55 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với năm trước), HDM cho biết, là do hiện tại công ty vẫn đang trong giai đoạn cải tạo, đầu tư hệ thống thiết bị sợi, dệt nhuộm; sức tiêu thụ nội địa còn thấp.
Ngoài ra, đặc thù ngành dệt may nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu nên công ty dễ chịu ảnh hưởng từ những biến động lạm phát, lãi suất, tỷ giá, nguồn cung ảnh hưởng tới giá nguyên vật liệu đầu vào.
Một doanh nghiệp khác trên UPCoM vừa hoàn tất tăng vốn trong năm 2016 là Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (TBD). TBD đã thực hiện tăng vốn từ 108,9 tỷ đồng lên 157,6 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 4,87 triệu cổ phiếu thưởng từ vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:45.
Tăng vốn gần gấp rưỡi, nhưng trong năm nay, TBD cũng chỉ đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng nhẹ so với năm trước. Cụ thể, năm nay, TBD đặt chỉ tiêu doanh thu 1.850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 44,8 tỷ đồng, cổ tức 12% (Năm 2015, TBD đạt doanh thu 1.808 tỷ đồng và lãi sau thuế 40,7 tỷ đồng, cổ tức 15%).
CTCP Thương mại dịch vụ tổng hợp cảng Hải Phòng ( DVC) cũng dự kiến tăng vốn từ 46,5 tỷ lên 60,5 tỷ đồng khi phát hành 14 triệu cổ phiếu để đầu tư vào CTCP Đầu tư phát triển dịch vụ cảng Hải Phòng nhưng đến nay chưa thực hiện.
Với CTCP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - CONINCO, ngày 6/9 tới, CNN mới tổ chức Đại hội cổ đông bất thường 2016 để thông qua phương án phát hành 2,4 triệu cổ phần với giá phát hành 12.500 đồng/CP để tăng vốn điều lệ từ 44 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng…
Tăng vốn là quyền của DN, nhất là những DN đã đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng hưởng ứng việc tăng vốn của DN hay không là quyền của cổ đông, của nhà đầu tư trên Thj trường chứng khoán. Theo lãnh đạo HNX, việc DN tăng vốn trước khi lên sàn và sau khi lên sàn chỉ khác nhau ở 1 điểm là thêm sự giám sát việc tuân thủ quy định pháp lý về điều kiện tăng vốn.
Tuy nhiên, nhà quản lý chỉ có thể xem xét trên hồ sơ (báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính…), nên không đánh giá được tiềm năng cũng như sức khỏe tài chính của DN cũng như các dự án gọi vốn. Nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ trên cơ sở tìm hiểu thông tin về DN định đầu tư trước khi rót vốn. Bên cạnh đó, nếu DN lạm dụng phát hành, huy động vốn tràn lan và sử dụng kém hiệu quả có thể đánh mất niềm tin với nhà đầu tư, dẫn đến cái giá phải trả là rất đắt.
Sau tăng vốn có là niêm yết?
Tại Đại hội đồng cổ đông 2016 diễn ra hồi đầu năm, cổ đông HDM và TOP đều thông qua tờ trình về chủ trương hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM để chuyển sang niêm yết tại sàn HNX. Tuy nhiên, bao giờ 2 DN này “nhảy sàn” vẫn là chưa được công bố chi tiết.
Được xem là nơi tập dượt, bệ phóng lên niêm yết cho các công ty đại chúng, sau hơn 6 năm hoạt động, thị trường UPCoM mới “xuất khẩu” được hơn 20 cổ phiếu cho sàn niêm yết. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay mới có SCI thực hiện chuyển sàn. Một số trường hợp khác, doanh nghiệp lên kế hoạch rồi bỏ ngỏ hoặc hoãn lại như Thủy điện Gia Lai (GHC), Thiết kế Công nghiệp Hóa chất (CEC)…