Mỹ cân nhắc xả kho dầu dự trữ chiến lược mạnh tay chưa từng có
Đợt xả dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ, với khối lượng tương đương 2 ngày tiêu thụ dầu của toàn thế giới, đánh dấu cho lần thứ 3 Mỹ mở kho dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang cân nhắc xả đến 180 triệu thùng dầu ra thị trường thế giới trong vòng vài tháng từ dự trữ dầu chiến lược quốc gia (SPR), theo 4 nguồn tin chia sẻ với Reuters. Nhà Trắng hiện đang rất nỗ lực để hạ nhiệt giá dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày thứ Sáu nhằm bàn đến khả năng phối hợp với nhiều nước khác cùng xả dầu khỏi kho dự trữ, phát ngôn viên Bộ trưởng Năng lượng New Zealand, bà Megan Woods, cho hay.
Bà Megan Woods nhấn mạnh: “Lượng dầu mà các nước hợp sức xả ra thị trường thế giới chưa được quyết định. Cuộc họp sắp tới sẽ đưa ra một con số tổng, sự phân bổ hạn ngạch đến các nước sẽ được công bố sau đó”.
Hiện chưa rõ liệu việc xả dầu từ dự trữ của Mỹ có phải là một phần trong phản ứng toàn cầu hay không. IEA chưa phản hồi những đề nghị bình luận. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu về các quyết sách của chính quyền ông, Nhà Trắng cho hay.
Đợt xả dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ, với khối lượng tương đương 2 ngày tiêu thụ dầu của toàn thế giới, đánh dấu cho lần thứ 3 Mỹ mở kho dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng, đồng thời đây cũng là đợt xả kho dự trữ lớn nhất trong lịch sử 50 năm của SPR.
Giá dầu toàn cầu giảm hơn 5USD/thùng sau thông tin trên.
Giá dầu đã tăng vọt tính từ khi Nga đẩy cao căng thẳng với Ukraine từ cuối tháng 2/2022; sau đó Mỹ và các nước đồng minh phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới.
Giá dầu Brent, loại dầu chuẩn của toàn cầu, tăng vọt lên ngưỡng 139USD/thùng vào đầu tháng này, ngưỡng cao nhất tính từ năm 2008, tuy nhiên rơi xuống dưới mức 108USD/thùng trong phiên giao dịch trên thị trường châu Á vào ngày thứ Năm.
Nga là một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, Nga đóng góp khoảng 10% dầu vào thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt và việc nhiều bên ngại ngần mua dầu Nga có thể đã khiến lượng dầu Nga xuất khẩu ra thị trường quốc tế giảm ước chừng khoảng 3 triệu thùng/ngày tính từ tháng 4/2022, IEA phân tích.
Thông tin này được công bố ngay trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhóm các nước đồng minh vốn được biết đến với cái tên OPEC+ trong đó có bao gồm Saudi Arabia và Nga, cùng gặp nhằm bàn đến việc hạn chế nguồn cung. Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã hối thúc OPEC+ nhằm nhanh chóng tăng sản lượng.
Hiện tại, tổng kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ ước tính khoảng 568,3 triệu thùng dầu – ngưỡng thấp nhất tính từ tháng 5/2002, theo Bộ Năng lượng Mỹ.