Mỹ: Khó giải bài toán nợ công

Hồng Vân

(Tài chính) Các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã lên tiếng cảnh báo về nợ công của Mỹ sau khi Bộ Tài chính Mỹ vào ngày 4/9/2012 thông báo khoản nợ quốc gia của nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD (tương đương 104% GDP).

Nguyên nhân sâu xa

Nợ công của Mỹ đang tiến dần đến mức 16.390 tỷ USD, mức trần nợ công mà Chính phủ Mỹ đã phải rất chật vật mới nâng lên được vào năm 2011. Sau công bố của Bộ Tài chính Mỹ, ngày 9/9/2012, nhà kinh tế trưởng của tổ chức Blackhorse Asset Mgmt, cựu chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), ông Richard Duncan đã lên tiếng cảnh báo khoản nợ trên đang đẩy nước Mỹ vào một tình thế nguy hiểm, có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới nghiêm trọng tới mức khó kiểm soát.

Trên thực tế, vấn đề này cũng đang được Đảng Cộng hòa tận dụng để chỉ trích đương kim Tổng thổng Barack Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Đảng Cộng hòa cho rằng ông B. Obama không có khả năng điều hành kinh tế, rằng chính các gói kích cầu của tổng thống đang làm quả bóng nợ phình to, khiến cho nền kinh tế kiệt quệ. Tuy nhiên, nói một cách công bằng thâm hụt ngân sách, nợ công không phải bắt đầu từ nhiệm kỳ của ông Obama mà có nguồn gốc thời Tổng thống George Bush (với chính sách cắt giảm thuế mạnh tay cho người giàu trong suốt hai nhiệm kỳ và sau đó là chi phí khổng lồ cho hai cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq). Thâm hụt ngân sách của Mỹ thực chất đã bắt đầu từ năm 2000. Tám năm sau đó, Chính phủ nước này tăng chi tiêu tới 6,6%, trong khi nguồn thu ngân sách chỉ tăng có 2,8%. Đến khi B. Obama lên nhậm chức, chi tiêu công tăng 6,2% còn thu ngân sách giảm 0,5% - do hậu quả của suy thoái kinh tế.

Khi ông B.Obama tiếp quản Nhà Trắng, nợ công của Mỹ đã đạt 10.600 tỷ USD. Trong bốn năm cầm quyền của ông Obama (từ 2008 đến 2012), đã có tới ba năm kinh tế toàn cầu rơi vào suy giảm trầm trọng. Chính quyền của Tổng thống Obama đã phải viện đến các gói cứu trợ dành cho giới công nghiệp và giới tài chính Phố Wall. Tuy nhiên, các biện pháp này đã không giúp cải thiện tình hình. Kinh tế Mỹ vẫn không hề khởi sắc và nợ công thì liên tục tăng (đã tăng thêm 5,4 nghìn tỷ USD nữa).

Giải pháp

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cận kề nguy cơ chạm mức trần nợ công ngay trong năm 2012. Giải pháp cấp bách hiện tại để giảm mức thâm hụt ngân sách là thông qua việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc kết hợp cả hai phương án trên. Tuy nhiên, nhìn từ mọi góc độ thì nhiệm vụ trên là hết sức nặng nề. Nguồn thu ngân sách của Chính phủ phải tăng từ 20-30% trong khi chi tiêu cũng phải được cắt giảm ở mức tương đương.

Thực tế, có 45% số hộ gia đình tại Mỹ không phải đóng thuế và có 3% số người thu nhập cao đóng góp tới 52% tổng số các loại thuế. Do đó, một cuộc “đại phẫu” về chính sách thuế là cần thiết. Tuy nhiên, cải cách chính sách thuế sẽ là một phương án không khả thi khi các chính trị gia đang ra sức lấy lòng cử tri.

Giới phân tích nhận định, nợ công leo thang đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách cũng như bất cứ ứng cử viên nào, cho dù người của Đảng Dân chủ - Tổng thống B.Obama, hay người của Đảng Cộng hòa - ứng viên Mitt Romney, giành được chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới, cũng sẽ phải thông qua đạo luật nâng mức trần nợ công của Chính phủ Mỹ vào cuối năm nay. Trong trường hợp Quốc hội nước này không thống nhất được việc nâng trần nợ công, thì một loạt “biện pháp đặc biệt” sẽ được thực thi nhằm tránh nguy cơ buộc Chính phủ phải ngừng hoạt động, ít nhất cho đến đầu năm 2013.

Trần nợ công là gì? Là quy định pháp lý được Quốc hội Mỹ thông qua trong đó quy định số tiền mà chính phủ liên bang được phép vay nợ. Mức trần được áp dụng cho các khoản nợ mà công chúng nắm giữ cộng với nợ từ các quỹ của chính phủ liên bang như quỹ An sinh Xã hội và Y tế.

Mức trần nợ đầu tiên, được thiết lập năm 1917, ở mức 11,5 tỷ USD. Bằng cách thiết lập các giới hạn, Quốc hội cho phép Bộ Tài chính có quyền vay nợ ở mức cần thiết.

Trần nợ công hiện nay là bao nhiêu? Mức trần nợ công hiện nay được thiết lập ở mức 16,394 nghìn tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Mỹ ước tính nợ công của Mỹ có thể chạm trần vào cuối năm 2012.

Tại sao Quốc hội lại quyết định thiết lập trần nợ công? Theo lý thuyết, giới hạn nợ công sẽ giúp Quốc hội kiểm soát được hoạt động chi tiêu. Trên thực tế, điều này không giúp ích được gì.

Việc quyết định giới hạn trần nợ công thông thường mang tính chính trị nhiều hơn. Việc bỏ phiếu thường được diễn ra sau khi các nhà lập pháp đã thông qua việc tăng chi tiêu và cắt giảm thuế cần thiết.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Quốc hội không nâng trần nợ công? Bộ Tài chính Mỹ sẽ không có khả năng tiếp tục vay nợ.

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ thiếu hụt ngân sách cần thiết để trang trải cho các chi phí phát sinh, bao gồm chi phí hoạt động của Chính phủ và thanh toán cho các chủ nợ và nhà thầu.

Do chi ngân sách trung bình đã vượt quá thu ngân sách Mỹ nên Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải lựa chọn việc thanh toán hay trì hoãn thanh toán nợ cho các chủ nợ.

Nếu các nhà lập pháp thất bại trong việc nâng trần nợ công, họ sẽ có hai lựa chọn tồi tệ.

Họ có thể ngay lập tức thực thi việc cắt giảm chi tiêu công quy mô lớn hoặc nâng thuế. Hoặc họ có thể nhận thức rằng nước Mỹ sẽ không có khả năng thực thị các nghĩa vụ nợ của mình và sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán đối với một số khoản nợ.

Lựa chọn đầu tiên tỏ ra bất khả thi do việc thực thi nó sẽ đi kèm với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Lựa chọn thứ hai có thể gây mất ổn định cho nền kinh tế và đẩy các thị trường toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng mới.