Mỹ trừng phạt 33 công ty và tổ chức Trung Quốc, phố Wall trái chiều
Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, 33 'thực thể' này đã vi phạm nhân quyền, khi hoặc giúp Bắc Kinh thực hiện hoạt động gián điệp, hoặc có dính líu đến chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Thương mại Mỹ hôm 22/5/2020 cho biết sẽ đưa thêm 33 công ty và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt kinh tế. Theo đó, các công ty Mỹ sẽ chỉ có thể bán hàng cho các công ty thuộc 'danh sách đen' này nếu được chính phủ Mỹ cho phép.
Nguyên nhân được Washington đưa ra là vì lý do an ninh quốc gia Mỹ, và 33 'thực thể' này đã vi phạm nhân quyền, khi hoặc giúp chính phủ Bắc Kinh thực hiện hoạt động gián điệp với người Duy Ngô Nhĩ, hoặc có dính líu đến chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc.
Theo cáo buộc từ Bộ Thương mại Mỹ, có 7 công ty và 2 tổ chức được đưa vào danh sách đen "do đã đồng lõa với hành vi vi phạm và lạm dụng quyền con người, trong một chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, cưỡng bức lao động và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ".
Còn 24 công ty, tổ chức chính phủ, và tổ chức kinh tế khác bị trừng phạt do đã hỗ trợ Bắc Kinh mua sắm trang thiết bị được sử dụng bởi quân đội Trung Quốc.
Được biết, các công ty trong danh sách trừng phạt kinh tế lần này tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt - hai thị trường mà các công ty chip lớn của Mỹ như Nvidia Corp (NVDA.O) và Intel Corp (INTC.O) đã mạnh tay rót tiền. Trong đó, những cái tên đáng chú ý là NetPosa, Qihoo360 và CloudMinds.
Theo Reuters, tuyên bố trên từ Bộ Thương mại Mỹ là động thái mới nhất trong số các nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn các công ty và tổ chức có hành vi 'tuồn' hàng hoá công nghệ Mỹ về Trung Quốc để hỗ trợ hoạt động quân sự tại nước này.
Trước đó, Washington cũng đã có bước đi tương tự vào tháng 10/2019 khi đưa 28 công ty và tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có những cái tên hàng đầu về phát triển trí tuệ nhân tạo như Hikvision. Riêng với Huawei - tập đoàn mà Washington đã áp lệnh trừng phạt từ tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ hồi tuần trước cũng đã tìm cách ngăn chặn Huawei tiếp cận các nhà sản xuất chip của nước này.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dragon, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết, Huawei sẽ tiếp tục sử dụng linh kiện của Mỹ để sản xuất smartphone, dù tập đoàn vẫn có các nhà cung cấp ngoài Mỹ, cũng như khẳng định việc sử dụng linh kiện của Mỹ là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi đã mua linh kiện từ Mỹ trị giá 18,7 tỷ USD vào năm ngoái, so với 11 tỷ USD thời gian trước đó. Chúng tôi không nghĩ sẽ có thể thay thế các thành phần cung cấp từ Mỹ", ông Nhậm nói với tờ SCMP.
Sau thông tin đưa thêm 33 công ty và tổ chức vào danh sách đen từ Bộ Thương mại Mỹ, Phố Wall đã đi xuống vào cuối phiên 22/5. Biến động chỉ số cụ thể như sau: Dow Jones giảm 0,04%, xuống 24.465,16 điểm; S&P 500 tăng 0,24%, lên 2.955,45 điểm; Nasdaq tăng 0,43%, lên 9.324,59 điểm.
Dù đã rời đỉnh nhiều tháng do căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng thời gian qua, Phố Wall vẫn có thêm một tuần tăng điểm nhờ những thông tin liên quan đến vắc xin ngừa Covid-19 và các lệnh phong tỏa trước đây được dỡ bỏ. Dẫu vậy, theo Giám đốc đầu tư Eric Freedman tại US Bank Wealth Management, thì "dù các lo ngại liên quan đến Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến thị trường nhưng quan hệ Mỹ-Trung cũng có thể lấn át cả Covid-19".
Được biết, Tổng thống Donald Trump ngày 21/5 đã cảnh báo Mỹ sẽ phản ứng quyết liệt với việc Trung Quốc dự định áp lệnh an ninh quốc gia với Hồng Kông, qua đó dấy lên lo ngại về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.