Năm 2017: Ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 (Nghị quyết 01), chủ đề hành động của năm 2017 là: “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”.
Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 và các nhiệm vụ đã được đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”. Theo đó Nghị quyết 01 có 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính:
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao hiệu quả công tác khiếu nại tố cáo; tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tăng cường công tác thông tin truyền thông.
Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, Bộ Tài chính có những nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và chủ động phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc huy động và tăng trưởng tín dụng phục vụ đầu tư sản xuất kinh doanh của nền kinh tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường TPCP và trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá và kiểm soát lạm phát. Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đấu thầu giá thuốc chữa bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính, NSNN, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2017 chủ động, chặt chẽ; hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai có hiệu quả các quy định mới về quản lý NSNN theo Luật NSNN năm 2015, Luật Phí và Lệ phí; Quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế nội địa, kiểm soát giá tính thuế xuất, nhập khẩu; triệt để tiết kiệm NSNN và kiểm soát chặt chẽ dự toán chi NSNN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; đơn giản thủ tục để rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán ngay cho các dự án đầu tư khi có khối lượng hoàn thành và có đủ điều kiện chi theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2017 của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo đúng thời gian quy định.
Đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tích hợp số liệu giải ngân theo từng dự án trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc (TABMIS) của Bộ Tài chính với Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Triển khai dự toán NSNN năm 2017, kế hoạch đầu tư công năm 2017 ngay từ những ngày đầu năm; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; trên cơ sở dự toán NSNN được giao, tự cân đối, bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán NSNN năm 2017.
Về tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương: Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 trong quý II năm 2017; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II năm 2017 Đề án Kế hoạch tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm giai đoạn 2016 - 2020; Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; đề xuất việc xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường. Không sử dụng NSNN hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ.
Nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cổ phần hóa thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định 59); Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59; Nghị định số 116/2015/ NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59, theo hướng bổ sung các quy định để xác định lại cách tính toán giá trị doanh nghiệp sát với thị trường, đặc biệt là giá trị quyền được thuê đất, giao đất và giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa và kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thoái vốn đầu tư của các doanh nghiệp, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản công.
Đặc biệt trong cơ cấu lại NSNN, nợ công và các đơn vị công lập, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương: Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 07NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện có hiệu quả kế hoạch và lộ trình thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công.
Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; huy động TPCP bảo đảm tỷ lệ phát hành TPCP có thời hạn từ 5 năm trở lên tối thiểu bằng 70% tổng khối lượng TPCP phát hành; xây dựng các chính sách hoàn thiện mô hình, tạo khung pháp lý rõ ràng để các tổ chức sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế thị trường, giảm dần sự bao cấp của Nhà nước, tăng tự chủ về kinh phí.
Để thực hiện những nhiệm vụ của Nghị quyết 01, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 33/QĐBTC ngày 09/01/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 01 và Chương trình công tác trọng tâm năm 2017 của Bộ Tài chính.