Thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước:

Bước đầu tạo được sự đồng thuận của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước

Văn Trường

Sau hơn một năm triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành từ tháng 1/2016, đến nay công tác thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của các đơn vị được thanh tra và giúp cho các đơn vị này có ý thức tuân thủ về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm. Đặc biệt, các kết quả thanh tra chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng góp phần cùng toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thu về hơn 1,7 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước

Thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2016 theo Quyết định số 2488/QĐ-BTC ngày 25/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quyết định số 1333/QĐ-KBNN ngày 03/12/2015 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN), ngay từ đầu năm 2016, hệ thống KBNN đã có sự chuẩn bị tốt trong triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành.

Về cơ chế chính sách, hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành gồm: Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của thanh tra ngành Tài chính;

Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Thông tư số 19/2013/TT-BTC ngày 20/02/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính; Quyết định số 2456/QĐ-BTC ngày 24/9/2014 của Bộ trưởng Bộ tài chính về việc ban hành Quy chế hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Đồng thời với việc thanh tra chuyên ngành, hệ thống KBNN thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN theo Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, KBNN và Thông tư số 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN trong quá trình thực hiện thanh tra chuyên ngành.

Thông qua kết quả thanh tra chuyên ngành, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền kiến nghị thu hồi nộp NSNN với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho NSNN; có 32 quyết định kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính (xử phạt cảnh cáo 22 quyết định; phạt tiền 10 quyết định với số tiền là 41,8 triệu đồng).

Để triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2016, KBNN đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, chuyển biến tích cực trong nhận thức đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) về chức năng thanh tra chuyên ngành KBNN; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấp hành kế hoạch thanh tra và cùng phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó, KBNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo hệ thống tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, tổ chức học tập, nghiên cứu kỹ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phương pháp tiến hành một cuộc thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Thanh tra Chính phủ và quy chế, quy trình của Bộ Tài chính, KBNN.

Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên, năm 2016, hệ thống KBNN đã triển khai thực hiện được 270 cuộc thanh tra chuyên ngành. Trong đó, số cuộc thực hiện theo kế hoạch chính thức là 266/267 đơn vị, đạt 99,6% so với kế hoạch; số cuộc thực hiện theo kế hoạch dự phòng là 4 đơn vị.

Thông qua kết quả thanh tra chuyên ngành, KBNN đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền kiến nghị thu hồi nộp NSNN với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho NSNN; có 32 quyết định kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính (xử phạt cảnh cáo 22 quyết định; phạt tiền 10 quyết định với số tiền là 41,8 triệu đồng).

Quan trọng hơn, qua công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN đã kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những kẽ hở, rủi ro trong công tác quản lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng NSNN.

Trong năm 2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã triển khai thực hiện được 270 cuộc thanh tra chuyên ngành. Trong đó, số cuộc thực hiện theo kế hoạch chính thức là 266/267 đơn vị, đạt 99,6% so với kế hoạch; số cuộc thực hiện theo kế hoạch dự phòng là 4 đơn vị (có 3 đơn vị triển khai thực hiện 4 cuộc thuộc kế hoạch dự phòng)

Để có được kết quả này, Hệ thống KBNN từ Trung ương đến KBNN các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị cấp huyện, phòng kế toán và phòng kiểm soát chi, phòng giao dịch phối hợp với phòng thanh tra, kiểm tra để thống kê xác định danh mục đơn vị, số lượng đơn vị và lĩnh vực chi NSNN để xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2016 đảm bảo chất lượng và thời gian quy định.
Hơn nữa, các cuộc thanh tra chuyên ngành KBNN được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm theo đúng định hướng của Bộ Tài chính và KBNN. Việc chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra được thực hiện sâu sát, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng; nhờ đó, các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được thực hiện nghiêm túc, kịp thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra và công tác quản lý nhà nước về thanh tra.

Tiếp tục nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra

Phát huy những kết quả đã đạt được và từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra năm 2016, KBNN đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2017 theo các nội dung sau:

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN trong quản lý điều hành tài chính - ngân sách để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo đúng thời hạn quy định.

Thứ hai, xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 theo đúng định hướng về công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và nhiệm vụ trọng tâm của KBNN.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng NSNN có biểu hiện nghi ngờ lợi dụng, chiếm đoạt tiền NSNN phát hiện qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các đơn vị KBNN.

Thứ tư, nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất định hướng công tác những nhiệm vụ cụ thể cho từng thời kỳ, từng thời gian cụ thể đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng sát với nhiệm vụ chung của hệ thống KBNN.

Thứ năm, tăng cường mối quan hệ giữa các đơn vị của hệ thống KBNN trong quá trình hoạt động, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành.

Thứ sáu, xây dựng chuẩn hóa các quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra theo từng lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Thứ bảy, chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra để đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Thứ tám, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, có trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn; tăng cường nghiên cứu khoa học về hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thứ chín, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới các đơn vị sử dụng NSNN về việc KBNN thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN.