Năm 2017: Tiếp tục triển khai tín dụng ưu đãi nhà ở
Năm 2017, chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở sẽ tiếp tục triển khai, mang lại giấc mơ an cư cho nhiều người dân và góp phần kích cầu thị trường bất động sản cũng như nhiều ngành sản xuất trong nước.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã về đích đúng hạn, nguồn vốn hỗ trợ nhà ở của Chính phủ cho các đối tượng ưu tiên trong quá trình thực hiện đã được tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để vốn được giải ngân đúng địa chỉ.
Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp như: Bổ sung thêm ngân hàng cho vay từ 4 lên 19 ngân hàng; theo dõi chặt tình hình thực hiện, chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến đối tượng, thủ tục xác nhận, điều kiện vay vốn; kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian cho vay đối với người dân từ 10 năm lên tối đa 15 năm, hàng năm xác định và công bố lãi suất ở mức ưu đãi dành cho người tham gia chương trình; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn tái cấp vốn đối với khách hàng cá nhân; đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời trả lời vướng mắc của doanh nghiệp, người dân...
Đến nay, chính sách đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian qua, tạo điều kiện cho trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn cải thiện về chỗ ở…
Đến ngày 30/11/2016, chương trình đã giải ngân 29.239 tỷ đồng, dư nợ 24.166 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo/xây dựng nhà ở của mình) 23.845 tỷ đồng, đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng), dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng; giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp (doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội) 5.395 tỷ đồng.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước đang có 191 dự án với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng, gồm: 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp; 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Để bảo đảm cho người có nhu cầu sở hữu được nhà ở, cuối năm 2016, Chính phủ đã quy định hai nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, các NHTM do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán nhà ở xã hội với các điều kiện ưu đãi. Nguồn vay thứ 2 được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, ngân hàng này sử dụng 50% vốn từ ngân sách và 50% vốn huy động để cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất tối đa 5%.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành hướng dẫn ngay sau khi Thông tư số 20 của Bộ Xây dựng có hiệu lực. Đồng thời, thống nhất với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về phương thức cho vay và cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật chất, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện chương trình nhà ở xã hội ngay sau khi được Chính phủ bố trí nguồn vốn.
Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ được tiếp tục và dự kiến mức vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện trong năm 2017 sẽ lên tới 2.010 tỷ đồng. Mức vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cấp bù lãi suất và phí quản lý sẽ lên tới 15.890 tỷ đồng.