Năm 2017, Vn-Index có vượt mốc 1000 điểm?
Đến hết quý III/2017, Vn- Index vẫn loanh quanh mốc 650 điểm, nhà đầu tư chỉ kỳ vọng chỉ số này sẽ tiến sát mốc 800 điểm vào cuối năm. Nhưng chỉ trong hai tháng của quý IV, chỉ số đã liên tiếp xô đổ các ngưỡng 800, rồi 900 điểm, thậm chí được kỳ vọng vượt mốc 1.000 điểm khi kết thúc năm.
Từ tháng 10/2017 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục xác lập đỉnh mới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11, Vn-Index đứng ở mức 935,57 điểm, với 171 mã tăng, 93 mã giảm và 63 mã đứng giá.
Chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đạt mức trên 900 điểm liên tiếp trong hai ngày nay, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Lần gần nhất chỉ số này trên 900 điểm là tháng 8/2007.
Tân binh VRE và cú hích thoái vốn
Trong tháng 11, chỉ số Vn – Index đã tăng gần 10% nhờ sự tác động của các nhà đầu tư ngoại, bên cạnh đó là sự lạc quan của các nhà đầu tư về nền kinh tế Việt Nam.
VN-Index đã tăng đến 38% từ đầu năm đến nay. Đà đi lên lại chủ yếu được dẫn dắt bởi những cổ phiếu vốn luôn có P/E cao hơn hẳn mặt bằng chung, như Vingroup (VIC), FLC Faros (ROS), Sabeco (SAB). Trong đó, hai mã khiến Vn-Index bật tăng mạnh chính là VRE và VNM.
Cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail từ trước khi lên sàn đã gây bão và sau khi lên sàn đã chứng tỏ sức mạnh của mình, với mức tăng giá 54% so với giá chào sàn trong vòng hai tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11, VRE có giá 50.600 đồng với lượng cổ phiếu được khớp lệnh trung bình 6,1 triệu cổ phiếu, tương đương vốn hóa gần 96.200 tỷ đồng (4,2 tỷ USD), là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán đấu giá thành công 48,3 triệu cổ phiếu VNM tương ứng với 3,33% cổ phần CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk, do SCIC nắm giữ với mức giá đấu thành công 186.000 đồng, cao hơn 24% so với mức giá khởi điểm.
Tập đoàn Jardin Cycle & Carriage (JC&C) đến từ Singapore là nhà đầu tư nắm giữ trọn lô cổ phiếu mà SCIC đấu giá, ngoài ra, JC&C còn mua thêm số cổ phiếu Vinamilk trên sàn.
Tổng cộng, hiện tập đoàn bất động sản Singapore Platinum Victory công bố mua xong 5,53% vốn tại Vinamilk, tương đương hơn 80,28 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, JC&C đã gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 10% và cho biết ý định mua thêm.
Động thái này đã đẩy giá cổ phiếu VNM tăng 12,1% từ 162.500 đồng/ cổ phiếu (phiên 9/11), lên 185.000 đồng/ cổ phiếu (phiên 24/11), với số lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt 1,37 triệu cổ phiếu, tương đương vốn hóa thị trường của VNM đạt 268.491 tỷ đồng.
Không chỉ tăng giá liên tiếp trong thời gian dài, các hoạt động mua bán cổ phiếu VNM trong thời gian qua cũng là cú hích lớn cho thị trường.
Bên cạnh đó, cổ phiếu SAB cũng là một nhân tố khiến thị trường tăng điểm mạnh mẽ trong tuần qua, liên tục lập đỉnh kỷ lục và kéo dài đà tăng 18% trong 7 phiên gần nhất, khi truyền thông cho biết công ty này tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư (roadshow) tại Singapore và London (Anh), trước khi bán đấu giá công khai lượng cổ phần lên đến tối đa là 53,59%.
Đòn bẩy
Động thái mua nhanh với mức giá ngoài kỳ vọng đã giúp cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh, kéo theo thị trường tăng điểm đáng kể.
Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận khách hàng tổ chức, công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá, sự thành công của cổ phiếu VRE và việc mua 10% cổ phần của Vinamilk của JC&C đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư ở Việt Nam.
Cũng theo ông Fiachra Mac Cana, động thái nhà đầu tư nước ngoài sẵn lòng mua giá cổ phiếu cao hơn mức giá đang giao dịch trên sàn cho thấy khối ngoại đã có sự đánh giá cao đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cuối năm 2007, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 500.000 tỷ đồng, tương đương hơn 40% GDP. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với năm 2007, tương đương 86% GDP.
Thay vì chỉ có vài công ty vốn hóa trên 1 tỷ USD như những năm 2007-2008, đến nay đã có trên 20 công ty niêm yết trên các sàn có quy mô vốn hóa trên mức này. Trong khi đó, thời gian qua, chỉ số Vn-Index chịu sự tác động mạnh của các cổ phiếu có vốn hóa lớn.
Theo các chuyên gia tài chính, những diễn biến này có thể là cơ sở để Vn-Index vượt mốc 1.000 điểm trong vài tháng tới.
Dự báo, thị trường vẫn sẽ ở vị thế tăng từ nay đến cuối năm, dù có nhiều ý kiến e ngại mức độ tăng nóng và thiên vị chỉ số, do thị trường chứng khoán vẫn đang được hưởng lợi trực tiếp lẫn gián tiếp từ kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là việc nới lỏng tín dụng.
Trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến vững chắc, trong khi hậu quả của thời kỳ tăng trưởng tín dụng tự do, lạm phát cao và bong bóng bất động sản đã cơ bản được giải quyết, nhờ những quyết sách lớn trong chính sách tiền tệ, cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Việt Nam đã duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 5% sang năm thứ hai liên tiếp, và đồng thời vẫn duy trì được sự ổn định trên thị trường ngoại tệ. Cùng với câu chuyện tăng trưởng, sự ổn định của đồng nội tệ và tỷ giá cũng tạo ra sức hấp dẫn riêng cho nhà đầu tư ngoại.