Năm 2018: Ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh
Chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng thực hiện trong năm 2018.
Năm 2017, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực. Báo cáo tổng quan thị trường tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đưa ra con số: Tín dụng vào các ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 chiếm 77,8%); Tín dụng vào nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm 8,11% tổng tín dụng).
Tuy nhiên, cho vay bất động sản và đặc biệt, cho vay tiêu dùng đã có sức tăng khá lớn. Theo đó, tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng; tín dụng tiêu dùng tăng cao, khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%). "Năm 2018, tín dụng tiêu dùng có thể tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các tổ chức tín dụng"- NFSC nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế, dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở, cộng với xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản. Thêm vào đó, nguồn cung trên thị trường bất động sản tăng cao, nhiều dự án liên kết với các ngân hàng thực hiện cho vay mua nhà cũng đã khiến cho vay bất động sản "hút" khách. Tuy nhiên, nếu không có những giới hạn tỷ lệ cho vay đối với các lĩnh vực này, vốn chứa nhiều rủi ro, các ngân hàng sẽ có thể rơi vào "bẫy" tăng trưởng không bền vững.
Năm 2018, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, nguồn vốn tiếp tục phải tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Để hiện thực hóa mục tiêu này, NHNN vừa có văn bản gửi tới các tổ chức tín dụng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Đồng thời, mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Tổ chức tín dụng cần hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; Nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Ông Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch NFSC: Năm 2018, tăng trưởng tín dụng khoảng 18 - 20%/năm là phù hợp, không tác động nhiều tới ổn định kinh tế vĩ mô.