Tín dụng tiêu dùng: “Miếng bánh” có thực sự ngon?
Với mức đóng góp trên 70% vào GDP, khu vực tiêu dùng đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho dòng vốn tín dụng khi mà khả năng hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và vấn đề xử lý nợ xấu chưa được giải quyết triệt để.
Mảnh đất màu mỡ
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ghi nhận những thành quả vượt bậc và dự kiến sẽ tăng 30%/năm trong thời gian tới.
Ở trên góc độ vĩ mô, theo đánh giá của các chuyên gia tại CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang lĩnh vực hộ gia đình sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và góp phần san sẻ rủi ro trong nền kinh tế.
Cụ thể, tính tới 2016, đóng góp của tiêu dùng vào GDP Việt Nam đạt 71% và nằm trong top của khu vực Châu Á. Nhờ lợi thế dân số trẻ cùng xu hướng chi tiêu ngày càng mở, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang gợi mở những trái ngọt cho các tổ chức tín dụng.
Theo khuyến nghị của IMF, việc tăng quy mô nợ hộ gia đình vẫn có tác động tích cực lên nền kinh tế khi tỷ trọng chiếm dưới 30% GDP và rủi ro khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng gia tăng khi dư nợ hộ gia đình chiếm trên 70% GDP. Do đó, dư địa phát triển của ngành này vẫn còn khá lớn trong 3 năm tới.
Ở góc độ khác, việc dịch chuyển này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dòng vốn tín dụng cũng gián tiếp góp phần thu hẹp quy mô hoạt động tín dụng ngầm trong nền kinh tế.
Tại Việt Nam, mặc dù các sản phẩm của hệ thống tài chính ngầm còn thiếu và yếu nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những kênh tín dụng phổ biến và tồn tại song hành với hệ thống ngân hàng. Không chỉ cung cấp các khoảng vay nhỏ lẻ giữa các cá nhân trong nền kinh tế, dòng vốn tín dụng ngầm cũng được các doanh nghiệp SMEs tìm đến do gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Theo số liệu thống kê, nguồn vốn tín dụng cho vay tiêu dùng chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng, đạt 23,27 tỷ USD, tương đương 87,6%, trong năm 2016.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Techcombank, HDBank,….đều định hướng chiến lược phát triển mảng bán lẻ và đều sở hữu các công ty tài chính riêng.
Theo đó, nhiều chuyên gia tin rằng, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển chính là cơ hội tăng trưởng cho các tổ chức tài chính.
Xét riêng hệ thống ngân hàng, thời gian qua, tỷ lệ lãi cận biên nhìn chung giảm và duy trì ở mức dưới 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thailand (3,07%), Indonesia (5.82%) và Philippines (3,58%).
Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều ngân hàng và công ty tài chính đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, bán lẻ,…nhằm bù đắp nguồn lợi nhuận.
Về dư địa phát triển, nếu loại bỏ khoản cho vay mua và sửa chữa nhà ở, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (theo thông lệ quốc tế) chỉ chiếm khoảng 9% GDP. Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng mới chỉ phục vụ khoảng 30% tổng lượng khách hàng có nhu cầu.
Phân loại tín dụng tiêu dùng theo mục đích sử dụng, dòng vốn tín dụng tiêu dùng từ hệ thống ngân hàng hướng tới các khoản cho vay lớn như mua bán và sửa chữa nhà ở (54,3%) và phương tiện giao thông (9,4%).
Theo đó, trong bối cảnh Ngân hàng nhà nước đang kiểm soát chính sách cho vay lĩnh vực bất động sản thì việc diễn biến trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường từ phía cầu, đặc biệt phân khúc trung cấp.
Ở khía cạnh khác, dù hướng tới các khoản cho vay dưới chuẩn với giá trị nhỏ hơn, vai trò và vị trí của các công ty tài chính được đánh giá cao nhằm thúc đẩy thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Hàng hóa tiêu dùng lâu bền như tivi, tủ lạnh,….chiếm 28% tổng giá trị cho vay của CTTC trong khi đó với tâm lý chi tiêu mở hơn, người dân sẵn sàng tiếp cận các dịch vụ vay mượn nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động học tập, du lịch và chữa bệnh.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Theo các chuyên gia, dù được đánh giá là mảmh đất màu mỡ cho các TCTD, là nhân tố quan trọng cho tăng trưởng GDP, nhưng tín dụng tiêu dùng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cần cân nhắc.
Theo đó, rủi ro đầu tiên và đáng quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt qua khả năng chi trả của bản thân.
Theo số liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam tăng đột biến, gần 60% trong năm 2017 và dự đoán trong 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này lên tới 29-30%/năm.
Tính tới năm 2016, tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Dựa trên những phân tích về xu hướng hành vi tiêu dùng, chuyên gia VDSC nhận thấy tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại.
Điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân. Hơn thế nữa, những phân tích cho thấy nếu tăng chi tiêu dùng không gắn với tăng trưởng kinh tế thì sức khỏe của nền kinh tế sẽ yếu đi trông thấy trong dài hạn.
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng nợ hộ gia đình và diễn biến giá tài sản có sự tương tác hai chiều thông qua bài học lịch sử từ các quốc gia trên thế giới.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, diễn biến giá nhà tại Canada và Mỹ có sự khác biệt đáng kể. Trong khi chỉ số giá nhà tại Mỹ giảm gần 25% kể từ mức đỉnh giữa năm 2008 thì diễn biến giá nhà tại Canada nhìn chung giữ được xu hướng tăng dài hạn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải trường hợp này là do sự khác nhau giữa dòng vốn tín dụng chảy vào khu vực hộ gia đình. Ở chiều ngược lại, khi tài sản bất động sản tăng giá và được sử dụng như một tài sản thế chấp sẽ làm đẹp bức tranh tín dụng của các hộ gia đình. Do đó, các hộ gia đình có xu hướng chủ động sử dụng đòn bẩy tài chính cá nhân.
Trở lại với diễn biến thị trường Việt Nam, giá nhà ở và giá văn phòng hồi phục rõ nét trong gần 5 năm qua. Chỉ số giá nhà tại thành phố Hồ Chí Minh tính tới quý II/2017 đạt 93 điểm, tăng 5,1% so với mức đáy 2014 trong khi chỉ số giá văn phòng được ghi nhận ở mức 89 điểm, tăng tới 23,1% so với đầu năm 2013.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự phục hồi trên nhưng các chuyên gia cho rằng dòng vốn tín dụng chính là một trong những điểm nhấn của bức tranh này.
Bên cạnh thị trường bất động sản, những lo lắng về dòng vốn tín dụng chảy sang tài sản đầu cơ càng gia tăng khi nhìn sang diễn biến thị trường chứng khoán.
Theo tính toán của VDSC, tăng trưởng tín dụng có tác động đáng kể lên diễn biến thị trường chứng khoán với độ trễ 3 tháng. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 42% và PE thị trường lên tới 18,6 lần, qua đó trở thành thị trường có kết quả ấn tượng nhất trong khu vực.