Năm 2019, ngành Tài chính được đánh giá cao về cải cách hành chính


Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai trong năm 2019 đã góp phần tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2019, ngành Tài chính được đánh giá cao về cải cách hành chính.
Năm 2019, ngành Tài chính được đánh giá cao về cải cách hành chính.

Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý

Thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ theo đúng chỉ đạo tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo tổng hợp kết quả chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018, Bộ Tài chính đứng thứ 02/18 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 01 bậc so với năm 2017).

Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành 14 Quyết định công bố 97 thủ tục hành chính (TTHC), đã cập nhật, niêm yết công khai TTHC kịp thời, đảm bảo chính xác, đầy đủ theo đúng quy định, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC. Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đánh giá nhóm TTHC thuế đứng thứ nhất, nhóm TTHC hải quan đứng thứ ba trong 08 nhóm TTHC được đưa vào đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 190/370 điều kiện kinh doanh của 21 ngành, nghề thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đạt 51,4% và trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi, bổ sung về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các lĩnh vực, ngành nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý như triển khai phần mềm quản lý văn bản; tích hợp chữ ký số; gửi, nhận văn bản điện tử và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 977 thủ tục từ mức độ 1 đến mức độ 4.

Trong lĩnh vực thuế đã thực hiện mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng; triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực...; trong lĩnh vực hải quan đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục mở rộng thanh toán điện tử, Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) và duy trì, vận hành ổn định Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan...

Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện điện tử hóa công tác thanh toán với ngân hàng, đồng thời, từng bước tập trung ngân quỹ về trung ương, nâng cao khả năng thanh khoản của toàn hệ thống KBNN; triển khai thí điểm phiên bản Dịch vụ công trực tuyến mới.  

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trong những năm qua, công tác cải cách TTHC trong ngành Tài chính ngày càng đi vào thực chất hơn. Việc rà soát, cắt giảm các thủ tục thực hiện ngay từ khi dự thảo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ những TTHC không cần thiết, không ban hành các quy định làm gia tăng thủ tục gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, những nỗ lực trong cải cách thể chế của Bộ Tài chính luôn gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, hệ thống pháp luật tài chính dần được kiện toàn với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác CCHC của Bộ Tài chính tạo ra những tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính đến năm 2020; Ban hành đồng bộ quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo các cấp; Quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức tài chính;... Cùng với việc hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn. Điều này đã có tác động và chuyển biến mạnh mẽ đến toàn ngành Tài chính trong công tác CCHC.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng trên cả nước, có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân và doanh nghiệp (DN). Vì vậy, cộng đồng DN kỳ vọng công tác cải cách TTHC của ngành Tài chính sẽ tiếp tục được thực hiện kiên trì, thường xuyên trong thời gian tới, theo phương châm lấy sự hài lòng của người dân và DN làm trung tâm, là thước đo của công tác CCHC.

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, những CCHC mạnh mẽ của Bộ Tài chính trong nhiều năm qua cho thấy Bộ Tài chính đang tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong nhiều lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ như thuế, hải quan, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN.

Những nỗ lực trong thực hiện cải cách TTHC, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, giúp giảm mạnh thời gian nộp thuế và thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN không chỉ được cộng đồng DN, các cơ quan, bộ, ngành khác ghi nhận, mà nhiều tổ chức thế giới cũng đánh giá cao. Đơn cử, mới đây, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã ghi nhận chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc.