Năm 2020, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp "chây ỳ" lên sàn


Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), để kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng nhưng cố tình "chây ỳ" lên sàn kéo dài, trong năm 2020, Ủy ban sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết

Tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hóa (CPH) không đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán đã kéo dài suốt nhiều năm qua, tạo “đất” cho nhiều hoạt động không minh bạch của doanh nghiệp, gây nên những hệ lụy cho cả nhà đầu tư lẫn cổ đông nhà nước.

Để kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng, nhưng cố tình chây ì lên sàn kéo dài, theo UBCKNN, trong năm 2020 sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt. Theo đó, UBCKNN cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay đã có 7 công ty nhận án phạt. 

Điển hình như: Ngày 16/1/2020, UBCKNN ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần 28 Quảng Ngãi. Cụ thể, phạt tiền 70 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính đó là đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn từ trên 3 tháng đến 6 tháng.

Ngày 17/1, UBCKNN tiếp tục ban hành quyết định xử phạt hành chính 300 triệu đồng đối với CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel vì đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. Cụ thể, công ty này trở thành công ty đại chúng trước ngày 01/01/2016 (thời điểm Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết có hiệu lực). Tuy nhiên, đến ngày 04/6/2019, Sở GDCK Hà Nội mới nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của công ty.

Cũng với lỗi vi phạm tương tự, trong tháng 1/2020, UBCKNN ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 300 triệu đồng vì đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước, có địa chỉ tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng; UBCK cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Trung Đô với mức phạt 350 triệu đồng.

Nguyên nhân do CTCP Trung Đô vi phạm hành chính vì không đăng ký giao dịch chứng khoán;  Xử phạt  vi phạm hành chính số tiền 350 triệu đồng đối với CTCP Xi măng Công Thanh vì không đăng ký giao dịch chứng khoán; Đồng thời, CTCP Xi măng Công Thanh còn bị phạt 85 triệu đồng vì không báo cáo UBCKNN các tài liệu: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2017, báo cáo không đúng thời hạn Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018...

Gần đây nhất, ngày 18/2, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Hanel (UpCoM: mã HNE). Hanel bị phạt 300 triệu đồng do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. BCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Hanel (HNE) số tiền tới 300 triệu đồng. Theo đó, Hanel bị phạt tiền 300 triệu đồng vì đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp lên sàn

Theo con số công khai của Bộ Tài chính vào cuối năm 2019, hiện cả nước còn khoảng hơn 700 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng phân nửa trong đó không đủ điều kiện là công ty đại chúng. Có nghĩa là, sau khi lên sàn, lượng doanh nghiệp này sẽ lại rời sàn sau 1 năm vì không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, dẫn đến vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khoán về tiền bạc và cả thời gian, vừa tác động không tích cực đến số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán. 

UBCKNN cho rằng, việc buộc các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, có dưới 100 cổ đông) lên sàn chứng khoán là chưa hợp lý, vì sau CPH, doanh  nghiệp lên thẳng sàn chứng khoán, mà không đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN (do không đủ điều kiện) vừa khiến cơ quan này khó quản lý, vừa không giúp phát triển thị trường chứng khoán.

Theo đó, UBCKNN kiến nghị trong quá trình sửa đổi Nghị định số 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, cần bổ sung quy định chỉ bắt buộc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đủ điều kiện là công ty đại chúng mới phải đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán...

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, việc các doanh nghiệp đã CPH chậm lên sàn xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: Việc nhận thức các quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp và người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp còn hạn chế; việc chậm quyết toán CPH theo quy định dẫn đến việc chưa xác định được chính xác số vốn nhà nước, vốn điều lệ thực góp.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan như: doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, đang trên bờ vực phá sản, dừng hoạt động... không tổ chức được ĐHCĐ để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch, đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán CPH, đang tiến hành bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đang hoàn thiện hồ sơ lưu ký chứng khoán, đang hoàn tất thủ tục lên sàn… Cá biệt có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty.

Hiện UBCKNN, Bộ Tài chính đang đề xuất nhiều giải pháp trình Chính phủ trong năm 2020, sao cho vừa khả thi vừa gỡ khó cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để có những quy định sát thực tế hơn, giúp doanh nghiệp CPH lên sàn niêm yết được dễ dàng hơn. 

Trong đó, đối với Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng trao quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định lựa chọn giá khởi điểm theo một số tiêu chí nhất định, không thực hiện thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp như hiện nay bảo đảm hiệu quả khi giá trị phần vốn Nhà nước thu về so với chi phí bỏ ra, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước và đưa lên sàn niêm yết.

Trong trường hợp, công ty cổ phần có vốn nhà nước chuyển nhượng không thành công phải bỏ ra chi phí hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu không có nguồn, Bộ Tài chính đề nghị tạm ứng nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp với mức tối đa bằng 70% dự toán chi phí thoái vốn nhà nước được duyệt…

Ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách, Bộ Tài chính đã công khai danh sách các doanh nghiệp sau CPH chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó ghi rõ đơn vị chủ quản, tên doanh nghiệp, người đứng đầu để làm rõ trách nhiệm, tránh tình trạng khoán trắng như thời gian vừa qua. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra tại doanh nghiệp, để kịp thời phát hiện vi phạm và xử phạt những doanh nghiệp "chây ì" đưa cổ phiếu lên sàn. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn việc đưa cổ phiếu lên sàn.

Đại diện UBCKNN cho biết, cuối năm 2019, cơ quan này nhận được nhiều công văn của các doanh nghiệp, UBND các tỉnh hỏi về quy trình, thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Đây là một tín hiệu khá tích cực, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức và hành động của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn. Điều này đang mang lại kỳ vọng giúp bức tranh doanh nghiệp hậu CPH đưa cổ phiếu lên sàn sẽ có sự khởi sắc trong năm 2020…