Năm 2022, công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn chậm
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn chậm.
Thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 593 tỷ đồng
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 15/12/2022, các doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 593 tỷ đồng, thu về 3,6 nghìn tỷ đồng (trong khi dự toán khoản thu này nộp vào ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định năm 2022 là 30 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỷ đồng, thu về 1.100 tỷ đồng; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần (CTCP) Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại 02 doanh nghiệp với giá trị là 73 tỷ đồng, thu về 89 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thoái vốn tại NHTM cổ phần Đông Nam Á với giá trị là 0,06 tỷ đồng, thu về 0,35 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với giá trị 60,3 tỷ đồng thu về 1.072 tỷ đồng và thoái vốn tại CTCP Hóa chất Việt Trì với giá trị là 0,004 tỷ đồng thu về 0,026 tỷ đồng.
Trong năm 2022, số liệu của Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận bổ sung 01 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, nhưng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác cổ phần hóa, thoái vốn năm 2022 vẫn còn chậm. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai; dịch bệnh COVID-19, tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước cũng ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.
Bên cạnh đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn thấp. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm...
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Liên quan đến công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022.
Nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản về lĩnh vực cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền các thông tư hướng dẫn như: Thông tư số 05/2022/TT-BTC ngày 08/02/2022 hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ; Thông tư số 07/2022/TT-BTC ngày 09/02/2022 hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 57/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP…
Thực hiện quy định của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP, từ ngày 01/4/2022 các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đã được nộp trực tiếp vào NSNN, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã giải thể và tất toán Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020, trong đó tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...
Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Triển khai nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, khuyến khích đổi mới sáng tạo và quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Thúc đẩy công khai, minh bạch thông tin doanh nghiệp và tăng cường trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước. Đồng thời, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Việc xử lý bằng các hình thức giải thể, phá sản phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước nước, người lao động và các nhà đầu tư.