Năm “điểm nhấn” của bảo hiểm nông nghiệp
(Tài chính) Sau hơn 1 năm triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, những kết quả tích cực tại các địa phương cho thấy đây là đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Dù vẫn còn không ít khó khăn thách thức, song có thể thấy rõ những điểm nhấn đáng ghi nhận trong quá trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Triển khai bảo hiểm nông nghiệp được xem là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại, giảm rủi ro cho nông dân, giúp họ yên tâm canh tác. Do vậy, ngay từ đầu công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện đã thực hiện quyết liệt và có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tất cả các địa phương đều đã thành lập Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban), đồng thời đã thành lập Ban chỉ đạo các huyện xã để thống nhất thực hiện. Các Ban chỉ đạo đã chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, chỉ đạo cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn để có điều chỉnh về cơ chế chính sách, cách thức triển khai phù hợp và giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh. Các tỉnh trong diện thí điểm đã tổ chức rất quyết liệt bằng việc phân công nhiệm vụ cho các ngành, các cấp có liên quan một cách cụ thể, nhằm triển khai tốt việc thí điểm bảo hiểm, nắm bắt những vấn đề phát sinh để kiến nghị với các cơ quan quản lý.
Cơ chế chính sách được ban hành kịp thời
Dù bảo hiểm nông nghiệp là một lĩnh vực hoàn toàn mới, song vượt qua những khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã khẩn trương xây dựng các quy định pháp lý quan trọng. Nhiều chuyên gia nhận định, hiện các cơ chế chính sách đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, thể hiện đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ và là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thí điểm, tạo điều kiện cho các địa phương, các DN bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện. Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp cũng đã nghiên cứu, tiếp thu và sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, những quy định chưa phù hợp với thực tiễn ở một số địa phương, đặc biệt bảo đảm cao nhất quyền lợi bảo hiểm cho bà con nông dân tham gia bảo hiểm. Chẳng hạn như mở rộng rủi ro được bảo hiểm; bổ sung đối tượng được bảo hiểm, làm rõ quy trình công bố, xác nhận thiệt hại làm căn cứ bồi thường thiệt hại được nhanh chóng; Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp... Chính nhờ việc kịp thời ban hành các chính sách liên quan nên đã nhận được sự đánh giá rất cao của các tỉnh tham gia thí điểm, DN bảo hiểm và bà con nông dân.
Tăng quyền lợi, giảm phí bảo hiểm cho người nông dân
Trong quá trình triển khai thí điểm, nghiên cứu những thực tế phát sinh và những ý kiến phản ánh từ những người trong cuộc, các cơ quan quản lý đã tiếp tục nâng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Cụ thể, nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% năng suất bình quân xã hoặc của đơn vị được bảo hiểm và áp dụng cho tất cả các địa phương triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa (thay cho mức 80% quy định tại Quyết định 3035/QĐ-BTC). Cùng với đó, phí bảo hiểm cũng được giảm từ 4,97% đến 20% phí bảo hiểm áp dụng cụ thể đối với cây lúa trên từng địa bàn. Với vật nuôi, phí này được giảm từ 10% đến 50% phí bảo hiểm áp dụng cụ thể đối với từng đối tượng vật nuôi. Mức bảo hiểm của bò sữa cũng được nâng lên 60 triệu đồng thay cho mức 35 triệu đồng trước đó. Những quy định mới này đã tăng thêm quyền lợi cho người được bảo hiểm do vậy người dân đã bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào chính sách bảo hiểm nông nghiệp của Nhà nước, đồng thời mong muốn bảo hiểm nông nghiệp sẽ được tiếp tục thực hiện trên diện rộng với thời gian lâu dài hơn.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của DN bảo hiểm
Phải nói rằng khi tham gia chủ trương lớn này, DN bảo hiểm xác định là không thể có lợi nhuận lớn. Quả thực, tỷ lệ phí thu được từ bảo hiểm nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh số của DN bảo hiểm trong khi đó, đặc thù bảo hiểm nông nghiệp là rủi ro cao, sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân không thực hiện đúng quy trình, dẫn đến khó khăn trong việc giám sát và giải quyết tranh chấp... Tuy nhiên, các DN bảo hiểm như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh… đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao. Các DN bảo hiểm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của địa phương trong việc vận động người dân tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tổng hợp số liệu thống kê, theo dõi xác nhận dịch bệnh, đánh giá thiệt hại và bồi thường một cách nhanh chóng, thuận tiện cho người được bảo hiểm khi tổn thất xảy ra. DN bảo hiểm cũng chủ động đào tạo đại lý, phát triển kênh phân phối, tổ chức hướng dẫn tham gia bảo hiểm; ký kết hợp đồng bảo hiểm để phục vụ tốt đối tượng được hỗ trợ tham gia thí điểm.
Chủ động trong công tác tuyên truyền
Trong 1 năm qua, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để tổ chức tuyên truyền về công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Các cơ quan thông tin đại chúng như Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Chính phủ Việt Nam online, VTV, VOV và các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Những thông tin của các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần tuyên truyền chính sách bảo hiểm nông nghiệp, tuyên truyền nghiệp vụ bảo hiểm, nâng cao nhận thức của các cơ quan cũng như người dân trong quá trình thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống một cách thiết thực, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực tế để có biện pháp giải quyết phù hợp. Không chỉ các phương tiện truyền thông báo chí mà các DN bảo hiểm cũng đã chủ động phối hợp với UBND cấp xã tại các tỉnh, thành triển khai thí điểm để tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp tới người nông dân…