Ngành Hải quan:

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành

PV.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong những tháng đầu năm 2016, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp, với nhiều kết quả tích cực được ghi nhận…

Trong 8 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng khai trương và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Trong 8 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng khai trương và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu


Thực hiện phương pháp quản lý kiểm tra chuyên ngành là một trong những giải pháp mới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện phương pháp này, nhằm mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý hải quan…

Theo đó, trong những tháng đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng liên quan thuộc bộ, ngành tổ chức một số đợt làm việc tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể:

Rà soát, chuẩn hóa mã hồ sơ đối với các Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành;

Rà soát kết quả và tiến độ triển khai việc sửa đổi, bổ sung danh mục 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

Rà soát tiến độ triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ.

Sau các đợt rà soát, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có văn bản báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và kiến nghị các bộ, ngành về những văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với một số đơn vị chức năng chuyên môn thuộc các bộ quản lý chuyên ngành trao đổi những vấn đề cụ thể. Đồng thời, phối hợp tổ chức một số đợt khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, một số đơn vị kiểm tra chuyên ngành, Chi cục Hải quan cửa khẩu…

Qua đó, nắm bắt được tình hình thực tiễn và lắng nghe ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để giải đáp, xử lý; Thực hiện, phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề và họp báo chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo một số bộ, đơn vị chức năng thuộc bộ quản lý chuyên ngành, phản ánh, kiến nghị những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Từ đó, rút kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Điển hình, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã trực tiếp làm việc với Thứ trưởng và các đơn vị chuyên môn thuộc 04 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Công Thương nhằm nâng cao việc triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia và nâng cao hiệu qủa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cũng trong trong 8 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng khai trương và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại 8 địa bàn hải quan: Hải Phòng, Hà Nội , TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ngãi.