Thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW:

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng

TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ: “...đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng... phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng để không dám tham nhũng”.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong năm 2022

Năm 2022, các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó: án khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can, tăng 105 vụ, 177 bị can so với kỳ báo cáo năm trước.

Bên cạnh đó, đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can; tạm đình chỉ điều tra 34 vụ/50 bị can. Tạm đình chỉ điều tra 34 vụ/50 bị can, gồm: TP. Hà Nội 03 vụ/06 bị can (lý do: chưa có kết luận giám định và định giá tài sản); TP. Hồ Chí Minh 03 vụ/01 bị can (lý do: hết thời hạn điều tra chưa đủ chứng cứ, tài liệu xác định bị can thực hiện hành vi phạm tội, truy nã bị can); TP. Hải Phòng 02 vụ/07 bị can (lý do: chờ kết luận giám định); TP. Đà Nẵng 01 vụ/0 bị can (lý do: chờ kết luận giám định); thành phố Cần Thơ 01 vụ/01 bị can (lý do: truy nã bị can); Hà Giang 01 vụ/0 bị can (lý do: chưa có kết luận giám định); Yên Bái 01 vụ/01 bị can (lý do: chờ kết luận giám định); Bắc Kạn 01 vụ/03 bị can (lý do: chờ kết luận giám định); Vĩnh Phúc 01 vụ/01 bị can (lý do: chưa có kết luận giám định); Bắc Ninh 05 vụ/19 bị can (lý do: chưa có kết luận giám định); Thanh Hóa 02 vụ/01 bị can (lý do: chờ kết luận giám định); Khánh Hòa 04 vụ/02 bị can (chưa có kết luận giám định, chưa cung cấp đủ hồ sơ phục vụ công tác giám định, chưa xác định được bị can); Ninh Thuận 01 vụ/0 bị can (lý do: hết thời hạn điều tra chưa xác định được bị can vụ án); Đắk Lắk 02 vụ/02 bị can (lý do: chờ kết luận giám định và chờ cung cấp tài liệu); Đồng Nai 01 vụ/01 bị can (lý do: theo điểm a, khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự); Bình Dương 04 vụ/02 bị can (lý do: chờ kết luận giám định, truy nã bị can); Bến Tre 01 vụ/03 bị can (lý do: chưa có kết luận giám định).

Các cơ quan điều tra cũng đình chỉ điều tra: 08 vụ/03 bị can, gồm: TP. Hà Nội 01 vụ/0 bị can (lý do: hành vi không cấu thành tội phạm); TP. Hải Phòng 0 vụ/01 bị can (lý do: bị can chết); Lạng Sơn 01 vụ/01 bị can (lý do: bị can chết); Bắc Kạn 01 vụ/0 bị can (lý do: hành vi không cấu thành tội phạm); Lào Cai 01 vụ/0 bị can (lý do: hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự); Hà Nam 01 vụ/0 bị can (lý do: hành vi không cấu thành tội phạm); Nam Định 01 vụ/01 bị can (lý do: miễn truy cứu trách nhiệm hình sự); Thanh Hóa 01 vụ/0 bị can (lý do: hành vi không cấu thành tội phạm); Bạc Liêu 01 vụ/0 bị can (lý do: căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự). Thay đổi tội danh 04 vụ/02 bị can; nhập vụ án 01 vụ; chuyển Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng điều tra theo thẩm quyền 01 vụ/02 bị can. Hiện đang điều tra 303 vụ/617 bị can.

Thống kê sơ bộ cho thấy, tài sản thu hồi trong các vụ án thụ lý gồm: trên 2.356 tỷ đồng, 179.251,5m2 đất, 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phong tỏa số tiền trên 1,4 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 nhà đất (trị giá khoảng trên 100 tỷ đồng), trên tổng số thiệt hại trong các vụ án thụ lý gồm 2.984 tỷ đồng, 233.317,5m2 đất và 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can (trong đó án mới 450 vụ/1.151 bị can); Đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can (trong đó: truy tố 423 vụ/1.080 bị can, chiếm 99,2% tổng số án đã giải quyết; đình chỉ 03 vụ/04 bị can). Hiện đang giải quyết 80 vụ/248 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó xét xử 410 vụ/945 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó toà án cấp sư thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 08 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 43 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 106 bị cáo; tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 232 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 516 bị cáo...

Đối với công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng; trong đó: số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Tồn tại, hạn chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và nguyên nhân

Tồn tại, hạn chế 

Thực tế cho thấy, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng, chống tham nhũng.

Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ, một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tham nhũng, uy tín thấp.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả, chậm được khắc phục. Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc làm rõ động cơ vụ lợi để chuyển cơ quan điều tra kiến nghị khởi tố về các tội tham nhũng còn nhiều khó khăn.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt. Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có chuyển biến tích cực nhưng chưa đều, vẫn còn một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế 

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Việc khắc phục sơ hở, bất cập, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Cơ chế kiểm soát quyền lực trên nhiều lĩnh vực chưa cụ thể, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được chú trọng đúng mức.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng có mặt còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; phương tiện, điều kiện làm việc của các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi tham nhũng thực hiện chưa hiệu quả. Việc biểu dương, khen thưởng những người có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn vướng mắc, khó khăn.

Các vụ việc, vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, nhiều vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng phạm tội tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn nên có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ rộng; tội phạm thường xảy ra trước đó đã lâu, qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra mới bị phát hiện nên nhiều nội dung sai phạm đã được các đối tượng hợp thức hoá, tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ... gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ ở cơ sở còn khó khăn, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa được giám sát thường xuyên nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để.

Nhiệm vụ, giải pháp và một số kiến nghị 

Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội cần tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài chính, tài sản công...

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng như: Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng...

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng; xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch tiếp tục thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng...

Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...

Tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội. Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, trước hết là cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung. Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường phối hợp, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tham nhũng cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
  2. Chính phủ (2022), Báo cáo số 410/BC-CP ngày 12/10/2022 về đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2022.
  3. Tòa án Nhân dân tối cao (2022), Văn bản số 198/TANDTC-TH ngày 06/10/2022.
  4. Ủy ban Tư pháp (2022), Báo cáo số 1288/BC-UBTP15 ngày 18/10/2022 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2022.
  5. Văn phòng Chính phủ (2022), Văn bản số 2118/VPCP-V.I ngày 29/6/2022.
  6. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2022), Văn bản số 3778/VKSNDTC-V5 ngày 07/10/2022.